- Tôi hạ cánh xuống Bangkok giữa những ngày lũ lụt tồi tệ nhất Thái Lan trong 50 năm qua. Thức dậy sau giấc ngủ gần một giờ đồng hồ với chiếc vai và cái cổ tê nhức bởi chiếc ghế không có headrest, không thể recline, tôi lờ mờ nhìn ra cửa sổ máy bay khi cơ trưởng thông báo chuẩn bị đáp xuống Survarnabhumi.
- Tiếng động cơ tăng thrusting đột ngột khi chuẩn bị runway alignment, tôi quay sang giải thích bằng tiếng Anh với một hành khách người Thái, mà thoạt đầu tôi đinh ninh là người Malaysia: “Họ huỷ hạ cánh rồi, có lẽ khoảng 20 phút nữa mới đáp được.”.
Thực ra là khoảng 30 phút bay vòng quanh bầu trời của tỉnh Samut Prakan khi máy bay của bạn hạ cánh vào buổi trưa, thời điểm bận bịu nhất của sân bay lớn nhất Đông Nam Á, và Air Traffic Control Tower ra lệnh máy bay phải huỷ hạ cánh. - Một năm trở lại đây, tôi luôn hạ cánh xuống Bangkok lúc nửa đêm. Từ Saigon bay đi Bangkok, máy bay sẽ bay thẳng qua vùng trời Cambodia, sau khi vào không phận Thái Lan, nó sẽ tiếp tục bay qua tỉnh Chon Buri trước khi đáp xuống Samut Prakan. Lác đác bên dưới là vài vùng ngập nước. Chỉ lác đác mà thôi.
- Tàu từ sân bay về trung tâm, tôi lật tờ Bangkok Post với trang nhất tràn ngập thông tin về lũ lụt ở Ayuthaya. Hình ảnh nữ thủ tướng Yingluck căng thẳng trả lời chất vấn về tình hình phòng chống bão lụt. Hình ảnh ông bộ trưởng thương mại Kittiratt Na Ranong mếu máo nhìn dòng nước lũ sang bằng khu công nghiệp ở Ayuthaya. Hình ảnh những người dân địa phương giận dữ cáo buộc chính quyền hi sinh Ayutthaya và tính mạng của họ để bảo vệ Bangkok.
Ngày hôm sau, Bangkok Post đưa tin Steve Jobs qua đời, chỉ là một dòng chữ khiêm tốn trên trang nhất dẫn về một trang trong. - Khaosan, quận Pathumwan, quận Silom, Siam Paragon, Centralworld, chợ Pratunam, và cả ngàn hẻm ngách ở Sukhumvit - Những nơi tạo nên “Bangkok của mười mấy triệu khách du lịch mỗi năm” vẫn khô ráo, tấp nập và đầy bụi bặm.
“Bangkok” đó không có khái niệm ngày đêm, mùa mưa hay mùa khô. Máy điều hoà vẫn phải chạy hết công suất, người ta vẫn mua sắm điên cuồng, vẫn ăn chơi, nhảy nhót và làm tình điên cuồng. - Tôi đứng giữa chùa Pathumkongka. “Nan! Nan!”, một ông người Thái trông lem luốc vừa chỉ vừa trả lời thứ tiếng Thái vụng về mà tôi học được từ cuốn Lonelyplanet Thai Phrasebook.
Tôi ái ngại nhìn một vùng nước lênh láng khắp ngôi chùa ven sông Chao Phraya. Nước cũng phải sâu ít nhất đến mắt cá chân. Quay lại nhìn ông ta và cười gượng gạo, ông hiểu ý và nhìn quanh quất tìm giúp một lối đi khô ráo nhưng rồi cũng cười trừ và lắc đầu. - Ổn thôi! Chẳng là vấn đề. Tôi tháo giày, cởi tất, xắn quần, hai tay xách đồ đạc bước vào vùng nước cách ngôi nhà gỗ ven sông chừng gần 100m.
- Khun Si và Khun Air, hai chủ nhân dễ mến của Loy La Long ái ngại hỏi tôi có cảm thấy thoải mái khi ở trong ngôi nhà gỗ ven sông lúc lũ lụt này không. Tôi bảo với họ chuyện này không thành vấn đề, dù rằng ấn tượng về tin lũ sắp tấn công Bangkok và vũng nước sâu giữa chùa Pathumkongka có làm tôi hơi e dè.
Tôi đã từng ở Bangkok lúc đường phố trung tâm tràn ngập áo đỏ và quân đội; xe tăng và thiết giáp cũng nhiều như taxi; đi bộ về khách sạn lúc nửa đêm giữa nỗi sợ bom mìn trên phố phường thủ đô.
“I’m here to loy la long (‘float freely’ in Thai), not being sinked!”. - Mỗi sáng sớm, Khun Si và Khun Air thay phiên nhau dùng phấn màu ghi lên tấm bảng nhỏ ngay trước lối vào thời điểm thuỷ triều lên cao nhất. Nhưng tôi thì chẳng mấy khi để ý lắm, chỉ cần xắn quần và tháo giày là ổn thôi mà.
- Một buổi chiều khi tôi vừa mới về trước ngõ Loy La Long, ông hàng xóm đang đứng cười hỉ hả với với một con cá sông to bự trên tay. Thì ra: nước sông Chao Phraya tràn vào nhà ông mang theo những vị khách không mời mà đến. Ông kể có lúc là cá, có khi là cua, thậm chí là cả rắn nước; nhưng ông không bắt lấy ăn mà đem thả lại. Khun Si kể có lần còn vớt được một chú chó đang lặn ngụp giữa dòng nước tấp vào đây.
Dường như tin vào karma là một đặc trưng của người Thái, đặc biệt là những con người sống tách biệt khỏi Bangkok phù hoa và trải qua mỗi ngày trong đời tại ngôi chùa ven sông này. - Tôi trải qua gần một tuần trong nhà gỗ ven sông. Không Excel, không Word, không Powerpoint; chỉ ăn - ngủ - đọc sách.
Tôi thích sống trong một ngôi nhà gỗ và cũ kỹ như thế này, nếu không nhìn ra một khu rừng xanh mát thì cũng là một vùng nước mênh mang. Một ngôi nhà lộng gió trời ngay cả khi giữa trưa nắng gắt.
Buổi chiều mưa chạng vạng nhìn ra dòng sông uốn dài phản chiếu thứ ánh sáng rực rỡ của Bangkok đô thành - Đó là cái cảm giác bị tách biệt hoàn toàn với “Bangkok của mười mấy triệu người kia”.
Cảm giác thanh bình, nhẹ nhàng, có chút buồn hiu hiu khi được sống được thở trong một Krung Thep xưa cũ, từ khi nó còn chưa là “ổ điếm Đông Phương”. - Từ Loy La Long, tôi nhìn thấy ánh sáng xanh của khách sạn Millennium Hilton Bangkok, bên mạn trái là khách sạn Sheraton Royal Orchid và xa nữa là Mandarin Oriental Bangkok - Những khách sạn mà tôi đã từng ở đó ít nhất là một đêm trong những chuyến inspection trip.
Hàng ngàn con người sẵn sàng trả hàng trăm, thậm chí chục ngàn mỹ kim cho một đêm ở những nơi sang trọng đó. Có lẽ là chỉ để trải nghiệm cái cảm xúc như của tôi ngay bây giờ mà thôi.
Sự phù phiếm có một sức mạnh mãnh liệt. Nó khiến con người tham lam hơn, đồng thời khiến họ trở nên yếu đuối hơn. - Tôi rẽ vào một quán ăn nhỏ, xập xệ, rẻ tiền gần bến tàu Tha Tien. Nước triều lúc tối không tồi tệ lắm, chỉ vẫn lấp xấp mắt cá chân. Nhưng mỗi lúc có sóng là làn nước lại hắt lên đến gần đầu gối.
Tôi ngồi trên chiếc ghế nhựa cao màu xanh, một cách bình thản, hai chân nhúng xuống nước đã lênh láng khắp cả ngôi nhà. Thoáng qua chút rùng mình vì biết đâu có con rắn nước đang lượn lờ dưới kia, hoặc nhỡ đâu rò điện nơi nào thì chết.
Sợ chết nhưng mà vẫn cứ điềm nhiên ăn, vẫn thích thú ngồi gắp từng miếng gỏi đu đủ trong dĩa son tam nua cay xè, húp từng muỗng canh tom yum nóng.
Tự nhiên như cái cách người ta đứng giữa nước lũ lênh láng mà làm món ăn, mà bán hàng, mà sống.
Ở đây vẫn an toàn hơn Ayutthaya, vẫn bình an hơn cái khốc liệt của bão lũ miền Trung Việt Nam. - Bangkok mùa lũ. Nhiều nước lênh láng hơn, và nhiều bao cát hơn.
- Cô bạn gái người Thái của tôi nhắn tin qua Whatsapp: Lũ tràn vào Bangrak rồi, vùng Bang Sue gần Mo Chit cũng đã ngập một vài nơi. Kẹt xe, cuộc sống xáo trộn vì lũ.
Dọc theo Chao Phraya cho đến tận cửa biển, người ta đắp đất, đắp bao cát tạo vành đai chống lũ. Không khí trở nên căng thẳng hơn. - Báo đưa tin các quan chức chính quyền tổ chức lập đàn cúng lễ cầu cho thần Nước, thần Sông đừng dâng lũ nữa. Người dân Thái không tin chính quyền nữa. Họ chỉ tin vào Phật, Thần và Vua.
- Từ nhà gỗ, tôi ngồi nhìn dòng sông, những con tàu thỉnh thoảng ngược xuôi. Nằm áp tai xuống sàn, tiếng sóng nước bên dưới dồn dập.
Những ngày này, tôi đang sống giữa trận lũ tồi tệ nhất lịch sử Thái Lan trong 50 năm qua. Nhưng chỉ cần một nửa khoảng thời gian đó thôi, kể từ bây giờ, sẽ không còn Bangkok, không còn Singapore, không còn Saigon, những hòn ngọc Phương Đông sẽ chìm dần chìm dần vào biển cả như các nhà khoa học đã từng cảnh báo. - Bangkok mùa lũ. Tôi cũng yên lành dập dìu theo từng làn nước của Chao Phraya. Nổi trên mặt nước một cách tự do, không màng nghĩ suy.
Những lo âu vẫn cứ lênh đênh theo. Cuộc đời vốn dĩ là như thế.
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét