1/ Khách trẻ em khóc
Khi đi máy bay, tiếng động cơ là thứ âm thanh phiền toái vốn không thể tránh khỏi, trừ khi tôi bay A380 thì tình trạng có cải thiện hơn. Căng hai lỗ tai chịu đựng tiếng động cơ đã đủ mệt mỏi, mà còn gặp tiếng trẻ em khóc nữa thì ôi thôi! Hên thì chỉ khóc mấy tiếng rồi thôi, chứ xui là bọn trẻ ré oang oang cả cabin ít nhất 1 tiếng đồng hồ. Mở âm lượng tai nghe cực đại mà tiếng khóc vẫn át tiếng nhạc.
Lần kinh khủng nhất là lúc tôi bay khi đang bị cảm cúm; lên cao, hai lỗ tai lùng bùng kêu bực bực liên tục như bị kim châm; đỉnh điểm là tiếng khóc trẻ em gần cả tiếng. Bước ra khỏi máy bay, nước mắt nước mũi dàn dụa vì cảm giác cảm cúm nặng hơn gấp đôi.
2/ Khách hỗn
Đỉnh cao nhất là một chuyến DAD-SGN đầu năm, ngồi cùng C-cabin với một bác nói giọng Bắc ăn vận rất lịch sự. Vì máy bay khởi hành trễ tận 2 tiếng, nên bác này nhỡ mất connecting-flight đi nước ngoài từ SGN. Không biết chửi ai cho thỏa, nên bác này ngồi lầm bầm, rồi có khi oang oang với những từ ngữ cực kỳ khó nghe "d*t bố, d*t mẹ".
Chiếc tàu bay A320 bé tí tẹo, C-cabin chỉ có tối đa là 8 ghế; mà chửi kiểu đó thì tiếng nó cũng phải vang tới 1/3 khoang Economy.
Vì bác này bay hạng thương gia nên tiếp viên C-cabin cũng không dám làm gì bác, cứ xin lỗi rồi thây kệ bác. Về nguyên tắc, khi máy bay hạ cánh tại SGN, tiếp viên có thể lập biên bản bác này gây mất trật tự trong chuyến bay, thông báo với an ninh mặt đất - Nhưng bác này vẫn đường bệ đi xuống chả hề hấn gì.
Mong sao hãy phạt thật nặng những ca này.
3/ Khách nặng mùi
Tôi mắc chứng viêm mũi dị ứng, nói chung là không ưa gì những mùi lạ kích thích. Do vậy, lúc nào đi máy bay là cố sống cố chết đòi cho bằng được window seat, cho dù ngồi gần đuôi cũng được. Xui xẻo lần nào bị ngồi kẹp giữa, tôi phải lấy khăn ướt che mũi gần suốt cả chuyến. Đó là chưa gặp khách nặng mùi mà đã vậy.
Bay Vietnam Airlines còn đỡ, chứ bay Jetstar là xác suất gặp “dị nhân xả tử khí” rất chi là cao.
"Viêm cánh" là nhiều nhất - Gặp mấy nhơn này thì chỉ có xin khăn của Vietnam Airlines gấp nhỏ lại và đắp lên mũi. Bay Jetstar, kinh khủng nhất là nhiều cô nhiều bác, biết bản thân bị hôi chân, và vẫn rất tự tin vung giày vung dép, gác chân lên ghế ngủ khò. Còn mùi hôi chân thì cứ thoang thoảng, thoang thoảng. Ngoại trừ năm ngoái, đang bay thì một bác nào đó đánh một phát rắm, cái mùi thum thủm nó quần thảo trong cabin đến phát rầu. Hên quá là năm nay không bị ca nào khó đỡ tương tự.
Góp ý cho Vietnam Airlines: Hãy bán kèm và quảng cáo các loại thuốc khử mùi trong chuyến bay.
4/ Khách thích thể hiện
Nói nôm na là tất cả những thể loại khách thích coi sân bay và máy bay là sàn biểu diễn thời trang.
Đáng sợ nhất là những em du học sinh (nhất là những chuyến đi SIN) tuổi teen vận xì tai loè loẹt kiểu tương tự harajuku; quái dị nhất là nhiều em còn gắn đủ thể loại gadgets lên áo quần. Có em mang theo tai nghe chưa đã, còn mang luôn cặp loa mini.
Khổ sở nhất là đứng sau mấy em này khi Security Checking. Qua máy lần 1, kêu beep beep, tháo. Qua máy lần 2, kêu beep beep, tháo. Qua máy lần 3, kêu beep beep, tháo. Có ai đứng chờ mà phát điên không? Có tôi!
Một thể loại nguy hiểm tiềm tàng là các em gái thích làm siêu mẫu trên không. Nhiều em đi máy bay mà mang giày cao gót cả chục phân. Không biết não óc các em này có để làm gì! Vì sao? Tại sao phải tháo giày dép khi có tình trạng khẩn cấp? Tưởng tượng mấy đôi giày cao gót này nện lên phao cứu hộ, xuồng cứu nạn thì có phải là rách toạt không? Nhiều khi chúng ta chết không phải vì chậm chân, mà vì những lý do rất ngu xuẩn như thế này đây! Rồi mang giày cao gót thì sao chạy? Lúc khẩn cấp, tôi đố mấy em này đủ bình tĩnh đứng lên khỏi ghế, chứ đừng nói là nhớ đến chuyện tháo bỏ giày ra mà chạy!
Góp ý cho Vietnam Airlines: Hãy qui định tháo giày cao gót trước khi lên máy bay!
5/ Khách thích chen lấn
Đây là hành vi rất bản năng của khách Việt khi rời khỏi máy bay. Chen nhau lấy hành lý từ overhead locker; chen nhau ra sớm dù cái việc chờ đợi cùng lắm chỉ là 5 phút.
Xui xẻo nhất là khi nào tôi ngồi gần nhóm khách gia đình, tour group - Thôi thì khỏi tranh giành gì hết luôn! Vì bọn họ đã phân công trách nhiệm hết rồi, ai sẽ đứng đầu để chen ra cửa trước, ai sẽ đứng sau để chen ra cửa sau, ai sẽ chen quanh khu vực để lấy hành lý cho cả nhóm, ai sẽ đóng vai xe ủi bất kể mọi vật cản trước mặt...
Cái vụ này thì mình chịu, không thể nghĩ ra cách gì góp ý cho VNA được.
6/ Khách thích than thở
Sao máy bay muộn thế; sao đồ ăn lạnh thế; sao không mang sẵn chăn; sao máy bay dơ thế... Blah Blah Blah tất cả những cái gì có thể than thở được.
Khách thích than thở đa phần là những người thích thể hiện nguy hiểm về hiểu biết. Kinh nghiệm của tôi là không bao giờ bắt chuyện hay đồng thuận với những lời than thở của thể loại khách này; bởi vì câu tiếp theo 80% sẽ là: “Anh/chị bay hãng XYZ của nước ngoài, dịch vụ của nó blah blah blah...”
Góp ý cho tiếp viên Vietnam Airlines: ngoài nước uống và khăn mặt, các bạn hãy phục vụ thêm băng keo để dán miệng!
7/ Khách thích dập ghế
Tôi để ý thấy một sự khác nhau nho nhỏ giữa khách Tây và khách Việt khi ngả lưng ghế.
Khách Tây: Xin lỗi/xin phép trước khi ngả lưng ghế.
Khách Việt: Ngả lưng ghế xong xuôi rồi mới xin lỗi/xin phép.
Gặp khách mà ngả lưng ghế để ngủ là coi như xong phim! Vì khó có thể làm gì được, không gian đâu mà để laptop? Chỗ nào cho mình cựa quậy? Đi ra đi vào cũng rất chi là bất tiện. Head-rest thì ghế nào cũng có, nhưng chẳng mấy ai chịu xài!
Góp ý cho Vietnam Airlines: Dán thêm dòng chữ: “Xin phép người ngồi sau trước khi ngả lưng ghế”
8/ Khách thô lỗ
Ông bà mình nói “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Câu này cực kỳ đúng khi đi máy bay, nhất là vào bữa ăn.
Nhiều anh chị ăn xong để tràn lan ra cả khay ăn; thậm chí đặt ly nước còn thừa xuống chân ghế, rồi thả giấy ăn xuống sàn. Ăn trên máy bay không khác gì ăn kiểu ngồi cơm hàng cháo chợ. Nhiều bác còn sai tiếp viên như sai con.
Tại sao không thể chịu khó một tí: Mình ăn xong là gói ghém tất cả cho lại vào hộp thức ăn, đóng nắp. Tiếp viên đến chỉ cần nhấc chiếc hộp cho vào xe đẩy, vừa văn minh cho mình, mà vừa tiện cho người phục vụ???
Năm nào bay cũng gặp rất nhiều hành khách thuộc thể loại này. Có khi là càng ngày càng nhiều!
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét