Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Từ Trung Chấn: Vị giáo sư muốn làm điện mặt trời cho VN

Theo Giáo sư Từ Trung Chấn, Chính phủ nên giao việc phát triển năng lượng sạch cho một nhà đầu tư, không cần thiết phải là EVN.

Giáo sư Từ Trung Chấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nano Phát sáng; giảng viên môn bán dẫn, khoa Vật lý Đại học Bách Khoa TP.HCM.


Sự cố Thủy điện sông Tranh 2 và sự kiện Giờ trái đất 2012 một lần nữa lại đặt ra một bài toán năng lượng khó giải. Việc đầu tư thủy điện tốn kém, có thể xảy ra sự cố, hiệu quả khó lường. Nhưng nếu không đầu tư thì lại thiếu điện trầm trọng. Vậy mà có người khẳng định rằng bài toán này sẽ không còn khó giải.

Đó là Giáo sư Từ Trung Chấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nano Phát sáng; giảng viên môn bán dẫn, khoa Vật lý Đại học Bách Khoa TP.HCM. Ông cũng là Trưởng dự án sản xuất pin mặt trời trên tấm nền silic (đề tài nghiên cứu của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM kết hợp cùng Phòng thí nghiệm Nano thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM).

Hơn 20 năm theo đuổi mơ ước sản xuất ra năng lượng sạch, ông đã nhận được một số bằng sáng chế về điện và tiết kiệm năng lượng.

Lý do nào đã đưa ông trở về Việt Nam mang theo những nghiên cứu sản xuất năng lượng sạch?

Phải nói là cơ duyên, khi công việc kinh doanh của tôi bên Mỹ bị ảnh hưởng do sự kiện 11.9. Một người bạn Việt kiều về Việt Nam đầu tư từ những năm 1990 đã khuyên tôi trở về. Năm 2002, tạm ngưng công việc kinh doanh tại Mỹ, tôi trở về làm việc tại Trung tâm Công nghệ cao TP.HCM. 10 năm qua, tôi dành nhiều tâm sức và tiền bạc cho nghiên cứu, kinh doanh vì 4 mục tiêu: tiết kiệm năng lượng, tạo ra năng lượng sạch, lưu trữ và quản lý năng lượng.

Ông đã thu được gì sau 10 năm?

Tôi thấy tự hào vì đã đóng góp được vào việc phát triển năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Hiện nay, song song với việc triển khai dự án sản xuất pin mặt trời trên tấm nền silic, tôi còn tập trung cho việc sản xuất thử nghiệm pin mặt trời với công nghệ mới (hấp thu phổ hồng ngoại chuyển thành điện).

Với công nghệ này, không cần những ngày quá nắng vẫn tích điện được trên tấm thu nhiệt. Đây là thành quả sau 2 năm nghiên cứu. Tôi đã nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế lên Cơ quan cấp bằng sáng chế của Mỹ và họ đã có ý kiến phản hồi. Hy vọng, tôi sẽ sớm nhận bằng sáng chế cho nghiên cứu này.

Ông đang điều hành một công ty sản xuất bóng đèn?

Đây là bóng đèn LED, loại đã được nhiều nước sử dụng nhờ công suất cao, ít tiêu hao năng lượng, tuổi thọ cao. Tại Việt Nam, loại đèn này chưa phổ biến lắm vì giá khá cao, đắt hơn từ 5-7 lần so với loại bóng bình thường. Tuy nhiên, nếu sử dụng đèn LED sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền, nhất là đối với các công trình lớn như cầu, đại lộ hay cao ốc.

Theo tôi, tiềm năng phát triển loại đèn này còn rất lớn ở thị trường Việt Nam. Nó chính là sản phẩm của tương lai và sẽ góp phần tiết kiệm điện năng đáng kể.

Dường như ông đã dành phần lớn năng lượng bản thân vì mục tiêu năng lượng sạch?

Nói vậy cũng đúng vì tôi luôn ý thức rằng phải tìm ra những ứng dụng mới nhất cho việc sản xuất năng lượng sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.

Tại sao phải là điện mặt trời?

Sau sự cố rò rỉ phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật năm 2011, một số nước đã từ bỏ kế hoạch phát triển điện hạt nhân và tập trung phát triển điện mặt trời.

Đầu tư một nhà máy sản xuất điện mặt trời tốn khoảng 100 triệu USD. Ưu điểm của điện mặt trời là không gây những tác dụng phụ như phá vỡ môi trường tự nhiên, phức tạp trong công tác di dân, tái định cư...

Vận hành một nhà máy điện mặt trời cũng không phức tạp như thủy điện và không phải lo tới những sự cố như rò rỉ nước ở đập thủy điện sông Tranh 2. Một ưu điểm khác của điện mặt trời là có thể xây dựng được ở hải đảo xa xôi mà không phải kéo đường điện cao thế qua biển.

Cơ chế vận hành của nhà máy điện mặt trời nói chung và pin mặt trời nói riêng lại khá đơn giản và an toàn. Khi nguồn năng lượng hóa thạch đang giảm dần thì việc đầu tư ở mỗi vùng một nhà máy điện mặt trời quy mô vừa cũng là cách hóa giải bài toán năng lượng tưởng như nan giải.

Do nằm gần xích đạo, Việt Nam có gần 300 ngày nắng ấm trong năm. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các nhà máy điện mặt trời.

Nếu được Chính phủ hỏi ý kiến về vấn đề năng lượng, ông sẽ đề xuất những gì?

Tôi mong muốn Chính phủ nhìn nhận tầm quan trọng của năng lượng sạch để từ đó có những chính sách khuyến khích việc sử dụng điện từ pin mặt trời được phổ biến hơn.

Nghĩ xa hơn chút nữa, Chính phủ cũng nên giao việc phát triển năng lượng sạch cho một nhà đầu tư đủ mạnh về tài chính, có thể là một tập đoàn kinh doanh lớn chứ không cần thiết phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nếu được vậy, tôi xin sẵn sàng bỏ công, bỏ sức để phát triển dự án này.



Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean