Thực ra, với nhiều doanh nghiệp, hằng năm hay theo những định kỳ, đều có những cuộc đánh giá, tổng kết. Nhưng những khi ấy, người ta thường chỉ quan tâm tới thành tích như thế nào, kế hoạch đạt được bao nhiêu phần trăm, lời lỗ hay cổ tức, chứ ít ai để tâm tới việc doanh nghiệp của mình đang có chỗ nào trục trặc, nguyên nhân do đâu để tìm cách khách phục. Lại cũng có tâm lý thông thường của người quản lý, tự cho rằng mình nắm chắc mọi vấn đề của (doanh nghiệp) mình. Chưa kể có nhiều người cũng "ngại" khám kỹ quá sẽ bộc lộ nhiều điều bất lợi (cho cá nhân) mình.
Những lý do phải khám sức khoẻ cho doanh nghiệp
Lý do đơn giản và hiển nhiên là việc khảo sát, đánh giá toàn diện sẽ cho thấy tình hình tổng thể của doanh nghiệp một cách toàn diện. Nó giúp người chủ, người quản lý hiểu rõ hơn về doanh nghiệp của mình, tận trong lục phủ ngũ tạng. Nó không chỉ cho thấy kết quả hoạt động, mà còn cho thấy điểm mạnh, điểm yếu trong từng mặt hoạt động, từng phòng ban, đặc biệt là vẽ ra được bức tranh về thực trạng của hệ thống quản lý.
Trong bối cảnh cạnh tranh và những thay đổi đang diễn ra nhanh chóng ở mọi nơi, mọi mặt, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng nhanh để khai thác thời cơ, để vượt qua thách thức, không tránh khỏi có sự xộc xệch ở một vài chỗ. Khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp doanh nghiệp thấy được các vấn đề tiềm ẩn hạn chế hiệu quả hoạt động của mình, cũng như các nguy cơ có thể đến trong tương lai để mà khắc phục.
Khám sức khỏe doanh nghiệp đem lại lợi ích gì?
Điều đầu tiên thường được đề cập tới là cơ hội để cải tiến hiệu quả hoạt động. Một khi đã phát hiện ra những tồn tại và yếu kém, doanh nghiệp dễ tìm ra và thực thi các biện pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh…
Chưa kể nếu như người quản lý thực sự cảm thấy doanh nghiệp của mình có điều bất ổn, dự định bắt tay vào một dự án cải tiến, thì một cuộc khám sức khỏe và chẩn đoán toàn diện sẽ giúp cho cách đặt vấn đề và tìm ra giải pháp hiệu quả hơn. Có khá nhiều doanh nghiệp đã điều trị không thành công chỉ vì bệnh đằng đông lại chữa đằng tây, hoặc chỉ nhằm điều trị triệu chứng chứ không dứt căn của bệnh.
Khám sức khoẻ cho doanh nghiệp bằng cách nào?
Ngoài những cuộc tổng kết theo định kỳ như đã đề cập ở đầu bài viết, những công cụ đang được sử dụng phổ biến hiện nay gồm có kiểm toán (thuê ngoài hay nội bộ), đánh giá nội bộ, đánh giá bên ngoài theo tiêu chuẩn ISO. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các hình thức khám sức khoẻ doanh nghiệp loại này vẫn chưa phát huy đầy đủ tác dụng.
Có nhiều hình thức thăm khám khác, mà việc đánh giá để trao giải thưởng chất lượng Việt Nam là một ví dụ. Tuy nhiên, điều quan trọng là bản thân cuộc thăm khám cũng phải được lên kế hoạch kỹ lưỡng, có phương pháp thu thập thông tin (để đánh giá) phù hợp; và phải có cơ sở lý thuyết và thực tiễn mạnh để có thể tổng hợp vấn đề và chỉ ra căn nguyên của các vấn đề đang tồn tại của doanh nghiệp.
Chẩn đoán thường xuyên, và cải tiến kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ và vững chắc, tránh được các vấn đề bộc phát làm suy giảm sức mạnh của mình.
Vũ Quốc Đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét