Tiếc rằng, chúng ta đã học được cách để có những điều cụ thể, logic nhưng mất đi rất nhiều trí tưởng tượng tự nhiên của óc sáng tạo.
Thật ra, phương thức suy nghĩ và tâm hồn sáng tạo đều cần thiết và rất tốt khi đi đôi với nhau. “Thực tế” và “tưởng tượng” đều đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống, cả hai dạng tư duy này cần hòa hợp để bổ sung những điểm mạnh yếu cho nhau trong quá trình sáng tạo.
1. Hòa hợp.
Để có nhiều ý tưởng hơn và hay hơn, điều quan trọng trước tiên là quên đi tư duy phê phán và thành kiến. Đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình sáng tạo, nếu suy nghĩ logic quá mạnh mẽ, nó sẽ nhanh chóng hạn chế sự tưởng tượng, giết chết các ý tưởng sáng tạo vừa mới manh nha.
Chấp nhận sự mâu thuẩn, sự không nhất quán là “thông minh sáng tạo” cao nhất của con người. Trí tuệ, tư duy con người không phải là cỗ máy “logic”; máy móc chỉ có thể phán đoán, xác định: đúng hoặc sai, hoặc có hoặc không. Nhưng con người có thể đồng thời chấp nhận tất cả, biết cách khoan dung với sự mơ hồ để tìm thấy ý tưởng ngay trong mâu thuẩn, có thể gọi đó là linh cảm trực giác. “Đường đi lên và đi xuống là một” (Triết gia Heraclitus).
Tuy nhiên, khi đánh giá và chuẩn bị đưa ý tưởng vào thực hiện thì tư duy “logic” lại là phù hợp. Nó là công cụ phán xét cần thiết cho sự chắc chắn và chính xác của thực tế. Vì thế, hãy sử dụng loại tư duy “thích hợp” cho từng giai đoạn.
Tránh tư duy logic, thực tế xen vào quá trình đang tìm ý tưởng mới. Sự đánh giá hấp tấp do định kiến có thể ngăn cản trí tưởng tượng và làm hư tổn nhận thức sáng tạo. Sự “hữu ích” chỉ nên được xem xét sau khi đã có nhiều ý tưởng.
2. Phá lệ.
Để có những ý tưởng mới, chúng ta đã lắng nghe, quan sát, tò mò, đặt ra câu hỏi, giải quyết vấn đề và những gì cần làm là phá vỡ chúng, hãy phá lệ. Vì nếu các ý tưởng mới, các sáng tạo đều theo khuôn mẫu có sẵn, thì tất cả chúng ta đã là những thiên tài sáng tạo!
Bởi hấp thụ quá nhiều vào tư duy của mình: những lề luật, những thành kiến, những quy định…, chúng đã hạn chế sự đổi mới, khiến cho tư duy sáng tạo bị cùn nhụt chỉ còn là sự sao chép buồn tẻ theo lề thói. Khi rủ bỏ được ý tưởng đã từng được yêu mến trước đó, bạn sẽ được tự do để tìm kiếm những ý tưởng khác từ nhiều hướng khác nhau.
Tuy nhiên, không có gì là mãi mãi, sự vật nào cũng đều có thời kỳ phục hưng, chu kỳ của nó. Sáng tạo của ngành thời trang chẳng hạn, sau khi đã thành công rồi, không được tiếp tục sử dụng nữa, nay lại có thể nâng cao, tái sử dụng để thành công trong một bối cảnh mới.
Vì thế, hãy linh hoạt! Phá lệ không có nghĩa là sẽ chắc chắn dẫn tới ý tưởng sáng tạo, nhưng nó là một hướng đi. Hẳn nhiên bạn không phá lệ bằng cách dùng thuật toán giải tích để viết nên công thức cho một món bánh. Nhưng chắc chắn lần này bạn sẽ dùng thêm “vị quế” vào món bánh theo linh cảm mách bảo mặc dù xưa nay bạn vẫn rất ghét mùi quế?
3. Hành động.
Thành công và thất bại đều là sản phẩm của cùng một quá trình, kết quả công việc có thể thành công, có thể thất bại. Nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng thành công và thất bại là trái ngược. Chúng ta đều không muốn mắc lỗi trước mọi người, chúng ta không dám thử vì sợ thất bại, vì luôn tin rằng “mắc lỗi là sai”, điều này làm mất đi khả năng sáng tạo, mất đi cơ hội thử nghiệm mới.
Để đưa ý tưởng vào hành động, đừng chờ đợi, hãy biến nó thành hiện thực. Tư duy và hành động luôn đi liền với nhau, suy nghỉ của chúng ta đều có khả năng trở thành sự thật. Những người sáng tạo nghĩ rằng họ sáng tạo, và những người thiếu sáng tạo nghĩ rằng mình không sáng tạo. Bạn sẽ sử dụng sự sáng tạo của mình: thử một số hướng tiếp cận mới, đưa ra những phát kiến mới, có những giải pháp hữu hiệu hơn. Và cuối cùng, bạn có thể tự đánh thức bản thân để thực hiện tất cả những hành động này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét