Thực hiện sứ mệnh “Cùng doanh nghiệp kiến tạo sự phát triển và trường tồn”, GIBC (Global Integration Business Consultants) là tập hợp một đội ngũ những con người giàu kinh nghiệm và đầy nhiệt huyết, chuyên hoạt động trên các lĩnh vực tư vấn chiến lược đầu tư và quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu chuyên sâu về kinh doanh và thị trường, tư vấn chiến lược quan hệ công chúng và truyền thông, đào tạo đội ngũ nhân lực quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp.Trong đó ông Phạm Phú Ngọc Trai chính thức trở thành Chủ tịch của Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu GIBC. Từng là Tổng giác đốc PepsiCo Đông Dương, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại PepsiCo Đông Nam Á, ông Phạm Phú Ngọc Trai quyết định nghỉ hưu sớm theo nguyện vọng cá nhân để theo đuổi niềm đam mê mới – hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập cùng nền kinh tế thế giới.
Khởi đầu sự nghiệp từ vị trí một chuyên viên xuất nhập khẩu của Bộ Ngoại thương, sau đó là Phó giám đốc Công ty FoodexCo quận 3, Chủ tịch hội đồng quản trị Tribeco, Tổng giám đốc SP.Co, Phạm Phú Ngọc Trai được biết đến nhiều hơn ở cương vị Tổng Giám đốc PepsiCo Đông Dương, một trong những CEO người Việt hiếm hoi của một tập đoàn đa quốc gia. “Cái duyên” của ông với tập đoàn nước giải khát hàng đầu thế giới này bắt đầu từ vị trí Giám đốc điều hành của một nhà máy đóng chai, và cũng là đối tác của PepsiCo.
Sau đó, trên cương vị lãnh đạo của PepsiCo Đông Dương, những đóng góp to lớn của ông Trai đã giúp PepsiCo đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận mà điển hình nhất là sự thành công của các sản phẩm như Twister, Sting, Aquafina hay Poca trên thị trường Việt Nam, mang lại doanh số ấn tượng và lợi nhuận bền vững.
Nhờ đó, trong 5 năm qua, PepsiCo Việt Nam đã 4 lần vinh dự nhận giải thưởng DMK (Donald M. Kendall) – giải thưởng danh giá nhất của PepsiCo toàn cầu dành cho những thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong năm. Bên cạnh những thành công về mặt kinh doanh, PepsiCo dưới sự lãnh đạo của Phạm Phú Ngọc Trai còn là một công ty có nhiều hoạt động xã hội tích cực đối với cộng đồng.
Ông đặc biệt chú trọng đến CSR (Corporate Social Responsibility – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), và bằng những nỗ lực của mình và các cộng sự, ông đã xây dựng hình ảnh một PepsiCo ấn tượng, gần gũi và thân thiện thông qua các chương trình tình nguyện, những hoạt động hợp tác và hỗ trợ các tổ chức từ thiện, những chương trình học bổng hỗ trợ sinh viên và các chương trình phát triển tài năng trẻ…
Với những đóng góp tích cực này, ông Trai được mọi người tin tưởng bầu chọn vào vị trí lãnh đạo của nhiều tổ chức xã hội như: chủ tịch câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu LBC (phòng Thương mại và Công nghiệp VN VCCI); Nhà sáng lập và chủ tịch chương trình phát triển hội nhập sinh viên toàn cầu SIFE Việt Nam; Nhà sáng lập chương trình Dynamic – Sinh viên, nhà doanh nghiệp tương lai; nguyên Phó chủ tịch hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM; cố vấn danh dự hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM; Phó Chủ tịch Hiệp Hội Marketing Việt Nam …
Nhận xét về 18 năm ông Trai gắn bó với PepsiCo, ông Manu Anand, Tổng giám đốc PepsiCo Đông Nam Á cho biết, “Phạm Phú Ngọc Trai đã trở thành một hình mẫu trong hệ thống giá trị Performance with Purpose – một chuẩn mực hành xử của PepsiCo – luôn hướng đến sự phát triển bền vững gắn liền với trách nhiệm đối với cộng đồng, môi trường.”
Còn trong bức thư gửi cho ông Trai khi biết tin ông nghỉ hưu, bà Indra Nooyi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PepsiCo toàn cầu có nói, “Trong suốt khoảng thời gian làm việc cùng PepsiCo, anh đã xây dựng được một công ty phát triển đáng kinh ngạc tại Việt Nam. Rất nhiều những thành công của PepsiCo Việt Nam là nhờ công sức đóng góp của anh, và anh đã để lại những di sản kế thừa rất lớn lao cho thế hệ trẻ của PepsiCo sau này.”
Ngoài 50 tuổi, ông Trai nhận thấy đã đến lúc mình tập trung sức lực, niềm đam mê và kiến thức tích lũy cho chương mới của cuộc đời mang sứ mệnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt hội nhập và phát triển bền vững.
Sau hàng chục năm kinh nghiệm làm việc trong nhiều môi trường doanh nghiệp khác nhau, nhất là với các công ty đa quốc gia, Phạm Phú Ngọc Trai hiểu rất rõ những khó khăn mà doanh giới Việt Nam đang gặp phải trên con đường hội nhập. Hơn 20 năm đổi mới và phát triển kinh tế vừa qua là một chặng đường không mấy dễ dàng, các doanh nghiệp của chúng ta đã đứng trước nhiều cơ hội to lớn cũng như đã chiêm nghiệm nhiều bài học thật quý giá.
Đặc biệt vài năm gần đây khi Việt Nam chính thức bước chân vào cuộc chơi của khu vực và thế giới (AFTA, BTA,WTO…), toàn cầu hóa và hội nhập đã từng bước hình thành khá rõ nét trong định hướng phát triển của từng doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, thông qua GIBC, ông quyết định theo đuổi một hành trình mới: hỗ trợ khát vọng hội nhập của doanh nghiệp Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét