Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Vị giám đốc và lời “thách thức” 200 ngàn đô

Những người quản lý quỹ này đã “thách” các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra các ý tưởng kinh doanh mới mẻ và táo bạo, và nếu thấy khả thi họ sẽ chia sẻ một phần những rủi ro...
Giám đốc công ty chè Hùng Cường (ảnh phải). Ảnh: Huỳnh Phan

Điều thú vị nhất là thách thức lần này lại đến từ một định chế tài chính có cái tên rất “thách thức” là Quỹ Thách thức Việt Nam (VCF). Những người quản lý quỹ này đã “thách” các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra các ý tưởng kinh doanh mới mẻ và táo bạo, và nếu thấy khả thi họ sẽ chia sẻ một phần những rủi ro, nếu có, ở mức độ cao nhất là 49% số tiền bỏ ra thực hiện.


LTS: Vào thượng tuần tháng 6 vừa rồi, phóng viên Huỳnh Phan có tham gia một chuyến đi thực địa do Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức lên Hà Giang, nơi có dự án chè hữu cơ Cao Bồ.
Đây là một trong 7 dự án do Quỹ Thách thức Việt Nam (VCF) tài trợ, nhằm mục tiêu phát triển thương hiệu cho sản phẩm chè Shan cho các thị trường diện hẹp giá trị cao, và thông qua đó góp phần ổn định và ngày càng nâng cao thu nhập của các hộ nông dân trồng chè ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
TuanVietnam xin trân trọng giới thiệu những ghi chép của phóng viên Huỳnh Phan trong chuyến đi này.
Năm 1976, có một quân nhân vừa phục viên với quân hàm thượng sĩ, quê ở Nam Định, mò lên đất chè Hà Tuyên (hợp nhất từ hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang vào tháng 12.1975), kiếm việc làm.
Ý nghĩ của anh lúc đó là cái miền quê "đất chật người đông" đầy tù túng đó không còn chỗ cho một người đã quen với sương gió, mạo hiểm trên khắp các chiến trường miền Nam, cũng như Lào, hay Căm pu chia. Vả lại, trên đất Hà Tuyên, anh có một đồng đội cũ.
"Lúc lên, tôi cứ nghĩ, mình còn trẻ, cứ thử bay nhảy, không hợp thì lại đi chỗ khác. Không ngờ...", Giám đốc Công ty Chè Hùng Cường Nguyễn Thanh Hùng, tên chàng trai đó, kể lại.
Lên tới thị xã Tuyên Quang, thủ phủ của tỉnh Hà Tuyên lúc đó, Hùng xin được một chân ở Công ty Ngoại thương tỉnh, và làm ở đó đến năm 1991, khi Hà Tuyên lại được tách trở lại thành Tuyên Quang và Hà Giang. Công ty Ngoại thương lại được tách làm đôi, và Hùng được phân công phụ trách Công ty Ngoại thương Hà Giang.
Bỏ nhà nước - con đường của người thích đột phá


Chỉ đến thời điểm đó, cái chất phóng khoáng, thậm chí hơi liều mạng, của người đàn ông gốc Nam Định mới được bộc lộ hết. Cánh cửa của cơ chế kinh tế bao cấp vốn đang khép chặt đã tự nhiên được hé ra, như một kết quả ban đầu của luồng không khí đổi mới, đã được ông Hùng đã liều đẩy mở hẳn ra. Với cả sức bung của cánh tay bị "trói" lâu ngày.
Ông đã đa dạng hóa lĩnh vực và mặt hàng kinh doanh, cho mở hàng loạt chi nhánh ở Hà Nội, Hải Phòng..., để mở hướng liên doanh, liên kết và xuất khẩu.
"Sau dăm năm, công ty làm ăn phát đạt hẳn lên, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng, và thuế nộp cho nhà nước cũng lên tới vài tỷ. Đời sống cán bộ, nhân viên trong công ty cũng vì thế được cải thiện. Ai cũng vui", ông Hùng nhớ lại.
Có điều, vẫn có những người không vui. Tuy là thiểu số, nhưng họ lại có tiếng nói lớn. Họ bảo ông "vượt khung", "vượt rào".
"Giải thích mãi không được, tôi tức mình xin về hưu. Tôi ra ngoài, mở công ty riêng. Sướng nhất là mình được tự quyết", ông nói.
Công ty Hùng Cường đã ra đời năm 1988.
Lúc đầu, ông làm ăn nhỏ, chủ yếu là thu mua chè, sản phẩm chủ lực của Hà Giang và cũng là mặt hàng thế mạnh của cái công ty ngoại thương mà ông mời rời bỏ. Các mối quan hệ làm ăn chính là cái phần thưởng mà công ty ngoại thương này đã phải "bất đắc dĩ" tặng cho ông, để làm vốn ra ở riêng, sau những gì ông đã gầy dựng cho họ.
Chè thu mua được trong dân, phần thì ông đem bán ở thị trường trong nước, phần thì bán sang Trung Quốc, phần thì xuất khẩu ủy thác qua các thị trường khác. Cũng trong thời gian này, ông đã liên kết được với một công ty ở Vân Nam để sản xuất chè Phổ Nhĩ, và từ đó dần học được bí quyết của họ.
Với số tiền tích lũy được sau một năm buôn đi bán lại chè, gặp lúc Công ty Chè Hà Giang giải thể, ông đã dốc túi mua ngay nhà máy chè Cao Bồ của họ.
"Đây quả là một thách thức lớn với tôi, bởi cái giá gần tỷ bạc vào những năm khủng hoảng kinh tế châu Á đó không hề nhỏ đối với một cái nhà máy mà dây chuyền công nghệ của Trung Quốc, cổ lỗ sĩ từ cái thời quan hệ giữa hai nước còn "môi hở - răng lạnh", ông Hùng giải thích.
Và ông đã vượt qua thách thức đầu tiên.
Cho đến nay, ông Hùng đã sở hữu thêm được 4 nhà máy khác, và 2 tổng kho để chế biến khâu cuối và đóng gói. Cái thì tự đầu tư, cái thì mua của công ty chè nhà nước khác đã giải thể.
Tuy nhiên, nhà máy Cao Bồ đối với ông vẫn có một ý nghĩa đặc biệt: Nó tiếp tục chứng kiến người cựu chiến binh đã ngoại lục tuần vượt qua một thách thức mới, tạo đột phá khẩu vào một phân khúc thị trường cao hơn - chè hữu cơ.
Chứng chỉ hữu cơ không chỉ cho cây chè
Điều thú vị nhất là thách thức lần này lại đến từ một định chế tài chính có cái tên rất "thách thức" là Quỹ Thách thức Việt Nam (VCF). Những người quản lý quỹ này đã "thách" các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra các ý tưởng kinh doanh mới mẻ và táo bạo, và nếu thấy khả thi họ sẽ chia sẻ một phần những rủi ro, nếu có, ở mức độ cao nhất là 49% số tiền bỏ ra thực hiện.
Ông Hùng đã chấp nhận thách thức này.
"Ước mơ xây dựng Cao Bồ thành một vùng chè hữu cơ, để gia tăng giá trị xuất khẩu, của chúng tôi đã được ấp ủ từ lâu rồi, nhưng chưa đủ quyết tâm và điều kiện để làm", ông Hùng giải thích.
Đồng nghiệp Đoàn Đạt của báo Sài Gòn Tiếp Thị, người đã tham gia nhóm du khảo văn hóa xuyên Việt hồi 2005, có thể chứng thực điều này cho ông. Đoàn Đạt thuật lại rằng, trong bữa rượu mời, ông Hùng đã say sưa kể về loại chè Shan tuyệt hảo mà Trời ban cho đất Hà Giang để bù lại việc bị Trời phụ là địa thế quá hiểm trở, theo nghĩa vừa bổ dưỡng vừa sạch, tức là không bị dính phân hóa học và thuốc trừ sâu.
Nhưng để nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ đó VCF, Hùng Cường đã phải cạnh tranh với hơn 200 đơn vị khác trên khắp lãnh thổ Việt nam, trước khi ý tưởng chè hữu cơ lọt vào danh sách rút gọn gồm 21 ý tưởng thuyết phục nhất và được VCF hỗ trợ xây dựng thành đề án. Đề án xây dựng xong lại còn phải chịu sự xét duyệt lần cuối của một nhóm chuyên gia độc lập của VCF, trước khi VCF ký hợp đồng chính thức với chủ của 11 đề án lọt vào danh sách cuối cùng.
Sự khắt khe của các nhà tài trợ đâu chỉ dừng ở đó. Phần tài trợ 40% tổng giá trị dự án từ VCF, 215 ngàn USD, cũng chỉ được giải ngân dần dần, qua từng mốc thời gian thực hiện dự án.
"Nghiệm thu xong từng phần việc, thấy đạt yêu cầu họ mới giải ngân. Chúng tôi toàn phải ứng tiền làm trước", ông Hùng nói.
"Một thuận lợi lớn đảm bảo thành công của dự án này là bản thân người dân đã làm chè hữu cơ từ bao đời rồi, chỉ có điều họ không ý thức được thôi. Cái thiếu của họ là quá trình thu hái và chế biến vẫn chưa được coi là sạch", ông Hùng giải thích với chúng tôi.
Cảnh hái chè tại Cao Bồ. Ảnh: Đặng Hữu Cự
Những người thực hiện dự án chè hữu cơ Cao Bồ, thông qua công ty Hùng Cường, đã cố gắng bù đắp cái thiếu đó cho người nông dân. Các lớp hướng dẫn qui trình chăm sóc và thu hái chè đúng kỹ thuật đã được tổ chức cho hầu hết các hộ dân. 11 điểm thu mua đã được thiết lập ở những nơi xa nhà máy, ngoài việc giúp người dân trong khâu vận chuyển, đã đảm bảo cho chè hái xong được chuyển đến nhà máy chế biến đủ số lượng và đúng chất lượng.
"Chúng tôi tổ chức cho trưởng thôn làm đại lý thu gom chè tươi, trả hoa hồng cho họ. Họ sẽ được lợi khi tỷ lệ thu mua cao, và họ cũng có trách nhiệm trong việc giám sát bà con hái chè theo đúng kỹ thuật", ông Hùng bật mí.
Kết quả thu được bước đầu khá khả quan. Cả với doanh nghiệp lẫn người nông dân.
Năm 2011, tức là vẫn trong quá trình thực hiện dự án chứ chưa nhận được chứng chỉ chè hữu cơ của IFOAM (Liên đoàn các phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ quốc tế), giá bán ra trung bình của chè xanh và chè đen Cao Bồ đã tăng từ 2 USD/kg năm 2010 (trước khi dự án triển khai) lên 4 USD/kg. Nhờ đó mà giá thu mua chè tươi của nông dân cũng tăng từ 4 ngàn đồng/kg năm 2010 lên gần 7 ngàn đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Công ty Hùng Cường và cũng là người được ông Hùng giao phụ trách trực tiếp dự án, cho biết rằng sau khi được cấp chứng chỉ IFOAM vào tháng 4.2011, công ty đã ký hợp đồng ngay được với một khách hàng từ Đức, với giá 6 USD/kg chè đen và 8 USD/kg chè xanh.
"Tháng 7 này, chúng tôi sẽ xuất lô đầu tiên, khoảng 2 công (container), tổng cộng 80 tấn, chia đều cho cả chè đên lẫn chè xanh. Đây là chè của vụ 1", ông Khoa nói.
Cũng nhờ vậy mà công ty đã nâng giá mua chè của người dân trong vùng chè hữu cơ Cao Bồ lên 7,5 ngàn/kg đối với loại B (1 tôm ba lá), và hơn 10 ngàn đồng/kg đối với chè loại A (1 tôm 2 lá). Trong khi đó, theo ông Khoa, chè Shan bên ngoài vùng Cao Bồ vẫn được thu mua của người dân với giá 4 ngàn đồng/kg.
"Tôi cứ trăn trở mãi rằng, trong khi nguồn tài nguyên của mình là chất lượng cao, công sức người dân cũng bỏ nhiều, mà sao sản phẩm đầu ra giá trị lại thấp? Chủ yếu là do tranh mua tranh bán thôi. Nhất là với sự tham gia của thương lái bên ngoài.
Chính vì vậy, một trong những mục tiêu của chúng tôi khi quyết tâm thực hiện dự án chè hữu cơ này cũng là tạo mối quan hệ "hữu cơ" giữa người nông dân trồng chè và doanh nghiệp chế biến chè", ông Hùng kết luận.
Theo Tuần Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean