"...Toàn bộ thành viên gia đình, vợ chồng con cái, thuê người đi gom tóc. Rồi chúng tôi dần mở rộng buôn bán, ký hợp đồng nhập tóc với các doanh nghiệp nước ngoài sang đây thu mua..."
Từ lâu, làng buôn tóc thành tỉ phú đã được nhiều người truyền tụng và tìm về. Nhắc đến xã Đông Thọ - huyện Yên Phong - Bắc Ninh là nhắc đến vùng quê có rất nhiều người trong các làng làm giàu từ tóc với nhà biệt thự cao tầng, xe hơi, tiền tỉ.
Nhà của một người buôn tóc nhỏ lẻ
Đường vào làng buôn tóc với những biệt thư san sát nhau
Lần tìm về mới đây, chúng tôi được ông Huy (ở thôn Bình An - xã Đông Thọ - huyện Yên Phong - Bắc Ninh) kể về nghề "buôn tóc" với những nghiên cứu thú vị về các loại tóc của con người khắp nơi từ Việt Nam sang Trung Quốc, thậm chí đến cả châu Âu. Ông Huy là một trong số các "đại gia" ở làng "buôn tóc" vốn nổi tiếng khắp cả nước từ cả hơn chục năm nay.
Trải qua suốt gần hai chục năm "sinh nghề tử nghiệp", có lẽ nếu gọi ông Huy là "nghệ nhân tóc" cũng không phải là quá đáng, bởi vốn kiến thức sâu rộng của ông về tóc mà những nhà tạo mẫu tóc hàng đầu cũng khó có thể nghiên cứu về "vóc con người" đến mức như thế.
Đại gia buôn tóc kể: "Nhiều người chỉ biết đến làng chúng tôi làm giàu từ nghề buôn tóc, nhưng họ không hiểu sự công phu của cái nghề này. Bởi vốn là sản phẩm vóc con người, thì những người buôn bán cũng phải hiểu về tóc, đúng như là hiểu tận chân tơ kẽ tóc."
Ông Huy bắt đầu kể: Chúng tôi tìm mua tóc từ khắp nơi trên cả nước, thậm chí cả Lào, Campuchia, rồi đem về chăm sóc, sơ chế, phân loại, sau đó nhập đi thị trường các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... Nếu nói về tóc thì có vô vàn các loại tốt, xấu, to, nhỏ...Tuy nhiên, các cô chú có biết tóc ở đâu là đắt nhất, được ưa chuộng nhất không?
Cơ sở sơ chế tóc của con gái ông Huy
Nghệ nhân buôn tóc tủm tỉm: "Chính là tóc của phụ nữ Việt Nam mình đấy. Mà cụ thể hơn, tóc của phụ nữ miền Bắc là tóc đẹp nhất, được nhiều người ưa thích nhất".
Ông Huy phân tích: Tóc của phụ nữ các nước như Ấn Độ hay các nước phương tây thì sợi quá nhỏ. Tóc của phụ nữ Hàn Quốc, Thái Lan...thì lại to quá. Chỉ có tóc phụ nữ Việt Nam là không to không nhỏ, khiến nó hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu nhập về để chế biến thành tóc giả đội đầu, làm công nghệ nối tóc, làm ma nơ canh, hóa trang nghệ thuật sân khấu phim ảnh....
Thậm chí chúng ta thường nghe nhắc đến những người con gái Bến Tre, miền Tây tóc dài, mượt, đẹp vì gội bằng nước dầu dừa, ấy vậy nhưng nếu có làm nghề buôn tóc thì mới biết tóc của họ vẫn không được ưa chuộng bằng tóc con gái miền Bắc.
Ông Huy giải thích, nếu xét về độ dài thì công nhận tóc của con gái miền Tây thường dài và dày hơn con gái miền Bắc. Tuy nhiên cũng có thể nguồn nước ở vùng Nam Bộ không tốt cho tóc bằng nguồn nước ngoài này, hơn nữa khí hậu miền Nam khô nóng hơn... Bởi vậy khi đem so sánh, tóc của con gái miền Bắc thường mượt hơn tóc con gái miền Nam. Nhưng nhìn chung, tóc người Việt mình vẫn có giá trị nhất.
Ngoài ra, tóc của người phương Tây thường hay bị xoăn, rối, xù nên trông rất xấu, trong khi tóc người Việt Nam rất thẳng và suôn nên người mua có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực, mặc sức tạo hình, tạo dáng, uốn, sấy, cắt, gội...
Một điều đặc biệt nữa là tóc người Việt Nam khi được sử dụng trong các trung tâm thẩm mỹ, dạy làm đầu cũng có tuổi thọ cao, rất bền, lâu bị hỏng, bị xấu...
Mớ tóc giá 600 nghìn
Ông Huy cho biết, giá cả của tóc phụ thuộc vào độ dài, độ rối, độ vụn của từng mớ tóc... Ứng với độ dài 40cm thì 1kg tóc có giá khoảng 3,5 triệu - 4 triệu đồng, rồi 50cm thì 4,5 triệu - 5 triệu đồng/kg, cũng có thể cao hoặc thấp hơn tùy loại tóc, và cứ tăng giá dần, nhưng đến quá 70cm thì giá chững lại, hoặc tăng không đáng kể nữa.
Đang kể chuyện, ông Huy bất ngờ hỏi chúng tôi: "Các cô chú có biết tóc "lộn đầu" và tóc "cùng đầu" là như thế nào không?"
Thấy chúng tôi có vẻ ngơ ngác, ông Huy giải thích: Với một mớ tóc, nếu chúng ta ném xuống đất, vò rối, rồi nhặt lên, không thể biết được đâu là phần đầu, đâu là phần cuối thì đó là tóc "lộn đầu". Còn nếu tóc cắt từ trên đầu tạo thành một dải thì đó là tóc "cùng đầu".
Mớ tóc rối kia nếu đem chải cho nó suôn thẳng thành một dải, nhìn bề ngoài không khác gì dải tóc cùng đầu. Ấy vậy nhưng nếu là người trong nghề, thì bằng kinh nghiệm mắt thường, chúng tôi có thể dễ dàng phân biệt được ngay.
"Mà vấn đề là tóc cùng đầu và tóc lộn đầu có giá trị khác nhau một trời một vực đấy! 1kg tóc "cùng đầu" có thể giá 5-6 triệu nhưng tóc "lộn đầu" có thể chỉ khoảng 2 triệu thôi."
Ông Huy cho biết thêm: "Sống lâu trong nghiệp này, kiến thức về tóc của tôi là vô vàn, bởi đã tiếp xúc không biết bao nhiêu là loại tóc. Khi mới vào nghề cũng chỉ là kiếm kế sinh nhai, đâu đã để ý gì đến chủng loại. Vậy nhưng càng ngày, tiếp xúc với càng nhiều loại tóc khiến con mắt trở nên tinh tường mới có thể phân biệt được giá trị các loại tóc.
Lúc đầu thì chúng tôi thu mua, bán vặt, rồi tăng dần số lượng, huy động toàn bộ thành viên gia đình, vợ chồng con cái, thuê người đi gom tóc. Rồi chúng tôi dần mở rộng buôn bán, ký hợp đồng nhập tóc với các doanh nghiệp nước ngoài sang đây thu mua. Đến nay, con gái tôi cũng theo nghiệp buôn tóc, trong nhà nuôi mười mấy thợ hàng ngày ngồi sơ chế, chải chuốt, phân loại tóc, đóng gói. Có được bao nhiêu là lại chuyển ra nước ngoài".
Kho tóc của ông Huy
Gia đình ông Huy còn lập cả cơ sở ở bên Thái Lan để thu mua tóc và bán. Đối với những loại tóc từng đưa ra tiêu thụ trên thị trường, người ta sử dụng lâu nên bị hỏng, xấu, ông vẫn thu mua lại, sau đó đem về cơ sở chế biến, phục hồi lại một phần và tiếp tục bán. Kể cả tóc vụn, dù bán rất rẻ nhưng doanh nhân nước ngoài họ vẫn nhập về.
"Loại hàng này được các doanh nghiệp nước ngoài tìm mua nhiều lắm. Có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Có những khi mỗi tháng, tôi nhập cho họ khoảng 3 tấn. Nếu các cô chú đi quanh làng này gom tóc thì hiện tại tôi khẳng định có không dưới 30 tấn tóc", ông Huy khẳng định.
Không giống như những làng nghề khác ở khắp nước Việt Nam như gốm, sứ, gỗ, đồ đan lát, may thêu thường phải phô trương, bày hàng khắp đường khắp phố để giới thiệu sản phẩm, mời chào du khách, đông vui nhộn nhịp, làng buôn tóc lại khá vắng vẻ, hơi kỳ bí.
Lần đầu đến đây, ít ai có thể nghĩ rằng đang bước chân vào làng buôn tóc, bởi chẳng hề nhìn thấy có biển hiệu quảng cáo hay hàng hóa trưng bày gì. Cũng dễ hiểu bởi nguồn khách chính mua tóc chủ yếu là thương nhân nước ngoài, người ta đã đặt hàng từ trước, làng này chỉ là đầu mối thu gom về, như là nơi sơ chế theo hợp đồng, rồi cứ làm xong là lại chuyển hàng đi. Thi thoảng có những người dò tìm đến đây để bán tóc, hoặc cũng có người đến hỏi mua nhưng chỉ là khách hàng nhỏ lẻ.
Vậy nhưng, đằng sau con đường làng làm bằng bê tông, vắng vẻ, trong các kho tóc, xưởng sơ chế, những người phụ nữ già trẻ lớn bé đang thoăt thoắt bàn tay bên hàng đống tóc đủ các loại màu sắc, dài, ngắn, rối, thẳng, to, nhỏ...
Ông Huy cho biết, mỗi khi tóc được thu gom về, cứ lẫn lộn đủ các kiểu, nên những thợ sơ chế phải biết cách phân loại, gội chải, phơi hong, dưỡng tóc, phải biết cách chăm sóc nó như những người phụ nữ trau chuốt mái tóc của chính mình vậy.
Khuôn mặt đại gia làng tóc có vẻ trầm xuống: "Sống nghề gì thì trau nghề đó, vốn là "vóc con người" nhưng khi rời khỏi đầu đã được coi là phế liệu, vậy nhưng chúng tôi phải hiểu tường tận từng thể loại tóc mới có thể làm giàu được từ loại hàng hóa này. Tôi làm nghề buôn tóc tính ra đã được gần hai chục năm nay, ăn với tóc, ngủ với tóc, nhiều khi nằm mơ cũng thấy tóc".
Tuy nghề buôn bán tóc được coi như nghề thu mua phế liệu, vậy nhưng giá bán mỗi bộ tóc là không hề rẻ. Một người đàn ông tự giới thiệu chỉ là dân làm ăn “nhỏ lẻ” dẫn chúng tôi đến tận nhà. Ngôi nhà 4 tầng khang trang nằm trong con ngõ nhỏ. Vợ chồng anh hàng ngày thường chia nhau đi mấy tỉnh lân cận để thu mua tóc. Họ cho biết thường đi về trong ngày và mỗi lần đi như thế mua được khoảng 7-10 bộ tóc, đôi khi chỉ được vài bộ, sau đó về lại nhập cho các cơ sở lớn trong làng (giống như cơ sở của ông Huy). Hoặc nếu có khách hỏi mua lẻ, thường giá một bộ tóc đẹp suôn dài khoảng 50cm thì giá cũng phải 500-600 nghìn đồng. Một cân tóc cùng loại (thường khoảng 10 bộ) có giá cỡ gần 6 triệu đồng. Ông Đỗ Văn Kiên – trưởng thôn An Bình – xã Đông Thọ cho PV biết, thôn ông có 200 hộ dân và khoảng 30% số người làm nghề này. Loại hàng phế liệu này thực sự đã đem lại nguồn thu nhập tốt, khiến nhiều gia đình trở nên khấm khá và tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. |
Theo Lệ Vân - Duyên Anh
Khampha.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét