23 tuổi, cao 1,82, đẹp trai, giành được học bổng của đại học Mỹ, thế nhưng cơn bệnh trầm cảm của cả ba lẫn mẹ khiến Lê Đăng Khoa phải quay về Việt Nam, trở thành người đi bán… phân bón.
Bà Kim Lợi và ông Lê Quang Huấn – “hai nhà thiết kế” đầu tiên của công ty Phân bón Ba Lá Xanh (ảnh nhỏ là con trai Lê Đăng Khoa)
Những ngã rẽ
“Tôi đâu có muốn đi theo ngành kinh doanh. Nhưng tôi không có sự lựa chọn nào”, Lê Đăng Khoa tâm sự. Năm đó, 2005, những cuộc tranh chấp, kiện cáo, cạnh tranh trên thị trường phân bón, thuốc rửa rau quả khiến ông Lê Quang Huấn chủ công ty Ba Lá Xanh rơi vào suy sụp nặng. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Kim Lợi, cũng bị mất ngủ triền miên. “Bác sĩ buộc ba má tôi phải nghỉ ngơi hoàn toàn để điều trị bệnh trầm cảm”, Khoa nhớ lại những ngày tháng khủng hoảng mà gia đình anh phải đối phó. Khi đó, Khoa cũng vừa mới tốt nghiệp khoa tâm lý và anh quyết định về Việt Nam sớm hơn dự kiến để tiếp nối sự nghiệp của Ba Lá Xanh.
“Nghề chọn người” hay “người chọn nghề” dường như đều đúng trong trường hợp này. Bà Lợi muốn Khoa học kinh doanh để tiếp tục sự nghiệp gia đình, nhưng Khoa lại qua Mỹ tự chọn học ngành tâm lý, tự đi làm thêm kiếm tiền tiêu xài. Khoa không học ở California, dù có nhiều bà con sống ở đó, mà tự ý chuyển sang New York học, đủ thấy Khoa bướng bỉnh và muốn chứng tỏ mình cũng thực học, thực tài.
Dù không chọn học kinh doanh nhưng bước ngoặt của gia đình khiến Khoa chuyển hướng.“Tôi làm kinh doanh vì không muốn gia đình mình rơi vào bế tắc, nhưng cũng đồng thời muốn chứng tỏ mình có ích”, Khoa tâm sự.
Từ chỗ xa lạ cũng như chưa yêu thích kinh doanh, Khoa từng bước tiếp cận với công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình - mạnh mẽ, dứt khoát và quyết tâm đúng như cá tính - thích chinh phục gian khó.
Mẹ Khoa - bà Kim Lợi nói rằng, khi Khoa về Việt Nam bà như bớt được một gánh nặng tâm lý. Mảng kinh doanh, phân phối trước đây của chồng bà, nay được chuyển sang cho Khoa tiếp tục. Còn bà vẫn chưa thể “buông việc” hoàn toàn. Tiền bạc, tài chính vẫn là khâu quan trọng cần có người theo dõi chặt chẽ. Nhưng hơn ai hết, vào thời điểm đó, bà Lợi ý thức rất rõ ràng sức khỏe là điều quý giá, bà xác định: “Trước đây, tôi đứng sau lưng chồng thì nay sẽ đứng sau lưng con. Khoa còn khá trẻ, lại phải gánh vác việc điều hành cả công ty với hàng trăm con người, không thể nào “đốt cháy giai đoạn” mà phải từng bước giúp Khoa tiếp cận nhanh nhất những bí quyết kinh doanh của gia đình”.
Mẹ, con & chuyện kinh doanh
“10 tuổi tôi đã phải thức khuya, dậy sớm, cùng với mẹ tôi đổ bánh ướt rồi đạp xe cả chục cây số để bỏ mối cho quán ăn. Tuổi thơ tôi quá khổ cực nên tôi muốn con tôi phải học thật giỏi và có được những gì tốt nhất”. Bà Kim Lợi tâm sự.
Cơ duyên đến với bà khi những năm học trung cấp nông nghiệp, bà quen ông Huấn (nay là chồng) rồi cả hai cùng với 3 người bạn hùn nhau mở cửa hàng kinh doanh thuốc trừ sâu. Thời kỳ những năm 1980, thị trường chưa cạnh tranh nhiều, hàng hóa lại hiếm nên công việc buôn bán của gia đình bà khá thuận lợi. Nhìn thấy thị trường nông nghiệp đầy tiềm năng, có thể khai thác nhiều mặt, hai vợ chồng bà tiến thêm một bước: xây nhà máy, tìm tòi công thức sản xuất phân bón. Dù bận bịu kinh doanh, nhưng ngay từ đầu bà Lợi đã có một quan niệm giáo dục con cái rất kỷ luật và quyết liệt: những gì người khác làm được thì con bà cũng phải làm được! Cho con học thầy giỏi, trường chuyên là để con quen dần với áp lực học tập và làm việc sau này. Khoa tốt nghiệp xong cấp 3, bà bắt con phải đi du học ở Mỹ.
“Tôi đã giận mẹ tôi rất lâu vì lúc đó tôi vẫn nghĩ rằng mẹ cứ thúc ép tôi phải học, học và học. Bà nói tôi phải tự lập; ở Mỹ không ai bị chết đói. Tụi Mỹ học 1, mình phải học đến 3, 4. Lúc đó tôi thầm trách mẹ: tôi không chết vì đói nhưng có thể chết rét”. Cái ý nghĩ “mẹ muốn, mẹ ép” vẫn làm Khoa ấm ức lúc đó, anh tiết lộ.
Nhưng cũng chính vì bị “thúc ép” nên Khoa càng cố gắng thoát khỏi sự “giám hộ” của mẹ. Khoa quyết tâm tự học, vươn lên giành học bổng của trường, tự đi làm kiếm thêm tiền để làm những gì mình muốn…
Thương trường - trường học lớn
Tôi thấy phải cảm ơn mẹ, bởi từ nhỏ nhờ bà tạo cho tôi nhiều áp lực mà sau này tôi cảm thấy quen dần và thấy bình thường khi gặp phải những thách thức, khó khăn |
Với thị trường nông nghiệp, Khoa là người mới hoàn toàn. Khoa làm quen tất cả từ thuật ngữ chuyên môn, thời tiết, mùa màng, bạn hàng, mối lái, đại lý…“Nếu như trong ngành tâm lý, người ta dạy tôi phải quan sát người đối diện, lắng nghe những điều họ nói, đặt mình vào vai trò của họ để biết họ thực sự cần gì, mong muốn gì… thì trong kinh doanh, tôi cũng có thể áp dụng điều này cho công việc. Tôi tự đặt mình vào vị trí của họ, “đóng vai” của họ. Đó là cách để tôi tiếp cận được khách hàng của mình”, chàng giám đốc trẻ tiết lộ.Không chỉ vậy, ngay sau khi tiếp cận với công việc kinh doanh của gia đình, Khoa ý thức mình phải học nữa. Khoa đăng ký học luôn chuyên ngành kinh doanh thương mại của Đại học RMIT cuối năm 2006.
Thực sự, thời điểm này dù vẫn phải uống thuốc và điều trị chứng bệnh trầm cảm, bà Lợi vẫn kiên trì đứng sau Khoa để hướng dẫn công việc sản xuất, kinh doanh.
“Tôi và mẹ đụng nhau mỗi ngày, từ chuyện tiền nong, lời lỗ đến chuyện dùng người, quản lý”, Khoa kể. Nếu thế hệ của bà Lợi và ba má của bà chỉ đơn giản là chuyện công thức làm bánh, đảm bảo chất lượng, giờ giấc giao hàng, thu chi… thì thế hệ của bà Lợi - Đăng Khoa có cả trăm thứ phải tính: chuyện sổ sách, kế toán, lương bổng, hàng tồn, quay đồng vốn, giám sát, quản lý đội ngũ bán hàng…
“Mẹ nhắc tôi phải kiểm tra người này, người nọ; họ tiếp xúc nhiều với tiền bạc có khi dễ bị xao lãng công việc. Còn tôi, tôi tiếp thu tri thức phương Tây, tôi quan niệm “nếu tin thì giao; không tin thì không giao”. Có chuyện đấy mà mẹ con tôi vẫn chưa thể có tiếng nói chung”. Trước mặt mẹ, Khoa vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Rồi anh cũng làm theo cách của mình: tập hợp mọi người trong công ty, công bố các chính sách thưởng - phạt một cách minh bạch để mọi người cùng biết và thực hiện.
Nhưng rồi chính Khoa cũng nhận ra bà Lợi có cái lý của bà, có kinh nghiệm riêng để đưa ra những lời khuyên như thế. Khoa nói anh giống mẹ tính quyết liệt, không nhân nhượng. Chính vì vậy mà hai mẹ con thường xuyên tranh luận. Bà Lợi cũng nghiệm ra: “Tuổi trẻ có cái hay của nó. Đôi khi tôi bỏ đi nước ngoài cả tháng trời, về nhà thấy Khoa có những bước đi kinh doanh rất hay mà trước đây tôi không thể làm như vậy”.
Đã 5 năm nay, với sự xuất hiện của Khoa, Ba Lá Xanh đã có những bước phát triển mới. Công ty vẫn tiếp tục duy trì sự ổn định trên thị trường và còn xuất khẩu phân bón sang thị trường Mỹ. Chàng trai 27 tuổi không chỉ nhận ra anh đam mê công việc kinh doanh của gia đình mà còn muốn đi xa hơn: anh mở thêm một công ty in ấn; góp vốn cùng bạn bè mở trung tâm chăm sóc sắc đẹp. Khoa nói: “Tôi phục ba tôi vì có tầm nhìn xa; tôi nể má vì má cho tôi sự rèn luyện để sẵn sàng đương đầu, đối phó với khó khăn. Nhưng Ba Lá Xanh là của ba má gây dựng, tôi muốn đến năm 40 tuổi, tôi có sẽ có ít nhất 5 công ty”.
Có người nói trong kinh doanh, nếu nắm chắc khoảng 60% thắng thì cứ làm; nếu dự đoán được 90% những điều có thể xảy ra thì có nghĩa là đã giải quyết xong bài toán kinh doanh. Với Khoa, con đường trước mắt vẫn còn rộng mở và nhiều hứa hẹn. Còn với công ty Ba Lá Xanh, nhìn lại một chặng đường, có thể nghĩ về một triết lý “trong rủi có may”. Ba thế hệ cuối cùng đã tìm thấy một con đường chung: làm kinh doanh là không dừng bước trước khó khăn, tiếp tục tìm kiếm thách thức lớn để chinh phục và chiến thắng.
Th.Thủy
Nguồn: DDDN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét