Con đường của một cậu bé tỉnh lẻ nghèo khó đến CEO của Goldman Sachs, định chế tài chính hàng đầu thế giới, không hề trải hoa hồng.
Bronx. Brooklyn. Harvard. Hollywood. Từ một cậu bé bán đậu phộng tại sân vận động Yankee cho đến việc thế chỗ 2 người thừa kế tại Goldman Sachs để trở thành CEO, phải chăng Lloyd Blankfein đang sống trong Giấc mơ Mỹ?
Trong trích đoạn của cuộc sách “Tiền bạc và Quyền lực: Goldman Sachs đã thống trị thế giới như thế nào?”, tác giả William D. Cohan đã kể lại câu chuyện của CEO Lloyd Blankfein từ khi còn tay trắng và đưa ra lý do tại sao Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ không muốn ai khác ngoài Lloyd Blankfein đảm nhiệm vị trí CEO của Goldman Sachs.
Vươn lên trong nghèo khó
Con đường đi lên đỉnh cao ngành tài chính của Lloyd Blankfein cũng khó khăn, vất vả như người tiềm nhiệm huyền thoại Sidney Weinberg, người sinh ra trong một gia đình nấu rượu lậu có đến 7 đứa con và bắt đầu công việc tại Goldman Sachs với vị trí một nhân viên dọn dẹp.
Năm 3 tuổi, Blankfein cùng gia đình chuyển từ South Bronx nơi ông sinh ra cho đến địa chỉ 295 Cozine Avenue tại Brooklyn để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Gia đình của ông sống trong khu Linden Houses, khu bao gồm 19 tòa nhà được xây xong năm 1957. Khi đó khu có tất cả khoảng 1.590 căn hộ. Sau khi mất việc tại một tiệm bánh ngọt, cha của Blankfein, ông Seymour đã nhận làm việc phân loại thư buổi đêm tại bưu điện. Blankfein kể lại: “Trong khu vực của chúng tôi lúc đó, công việc như vậy đã quá tốt rồi. Làm ca đêm lương cao hơn 10% so với ca ban ngày. Trong suốt những năm cuối đời của bố tôi, tôi đã nghĩ rằng ông đang làm một công việc mà cái máy có thể làm tốt và hiệu quả hơn.”
Mẹ của Blankfein làm lễ tân tại một công ty kinh doanh chuông chống trộm, một trong số ít lĩnh vực kinh doanh phát triển tốt tại khu vực của ông lúc bấy giờ. Blankfein ngủ chung giường với bà nội. Chị gái đã ly hôn của ông và con trai ngủ trong phòng bên cạnh.
Richard Kalb, người đã lớn lên cùng với Blankfein và cho đến nay vẫn làm bạn với ông, cho biết bố của ông cũng làm việc tại bưu điện. Kalb hồi tưởng: “Thế nhưng Lloyd thường nói với tôi rằng bố tôi là quản lý còn bố anh ấy chỉ là nhân viên.” Kalb và Blankfein cùng đi học tại trường công lập tại địa phương. Họ cùng học với nhau đến hết phổ thông và được bỏ qua lớp 8.
Tại trường trung học, Blankfein luôn là một học sinh xuất sắc. Các bạn cùng trường đều bảo ông có tiềm năng thành công. Cậu học sinh rất thông minh và lập kế hoạch rất tốt.
Để kiếm chút tiền tiêu trong khi học tại trường trung học Thomas Jefferson ở Brooklyn, Blankfein đi làm bảo vệ và nhờ thế có thân hình gọn gàng hơn. Trước đó, chàng trai trẻ thường xuyên trong tình trạng thừa cân. Anh bán xúc xích và soda tại sân vận động Yankee. Blankfein thường rủ Kalb đến làm cùng với mình nhưng Kalb từ chối. Kalb nói: “Và nay anh ấy làm CEO của Goldman Sachs còn tôi làm cho Cục An ninh Nội địa Mỹ.”
Thập niên 1970, khi Kalb và Blankfein cùng học trung học, tình hình kinh tế khu vực nơi họ sống đi xuống trầm trọng. Các băng đảng thường nắm kiểm soát trường học. Blankfein đến trường bằng xe bus vào buổi sáng nhưng nếu khi đến trường thấy trường đang có đám hỗn loạn, Blankfein sẽ tiếp tục ngồi trên xe và quay ngược về nhà.
Blankfein thích nghi rất nhanh chóng với môi trường xung quanh và học cách cẩn trọng nhưng không để bị cô lập. Blankfein nói: “Ngay cả trong một khu ổ chuột cũng có rất nhiều trẻ con và việc làm sao để được chọn cũng là một vấn đề. Khi chơi bóng, cuối cùng thường có đến 16 cầu thủ mỗi bên và phải cạnh tranh để giành bóng với chúng.” Blankfein là một sinh viên thông mình và rất được lòng giáo viên. Kalb cho biết: “Blankfein rất thân thiện và thông minh. Vì thế anh ta có thể giao tiếp được với giáo viên tốt hơn so với phần đông chúng tôi.”
Về phần mình, Blankfein cho biết ông học giỏi ở trường phổ thông không phải bởi tài năng gì xuất chúng mà bởi ông muốn thành công: “Thật dễ dàng để làm bản thân trở nên khác biệt nhưng để có động lực muốn làm việc đó còn khó khăn hơn.”
Học sinh trường địa phương “lạc” trong Harvard danh tiếng
Blankfein đã có thể tốt nghiệp trung học ở tuổi 15 thế nhưng ông đã ở lại trường thêm một năm nữa. Blankfein từng là một trong những học sinh xuất sắc nhất trường của ông khóa 1971.
Ông Robert Steel, một trong những đối tác cũ của Blankfein tại Goldman nhớ lại những gì Blankfein kể với ông về Jefferson High: “Bạn phải trở thành một vận động viên xuất sắc hay hài hước và biết làm người khác vui. Tôi chọn cách thứ 2.”
Trường Harvard về tuyển sinh viên tại trường trung học Thomas Jefferson High School, đại diện trường đã chú ý đến Blankfein và tạo mọi điều kiện để Blankfein theo học Harvard.
Tại Harvard, ông thấy mình lạc trong thế giới của những sinh viên giàu có, có thế lực, nhiều người trong số học đã biết cuối cùng mình sẽ thuộc về tầng lớp nào và làm sao để tạo dựng được những mối quan hệ kéo dài suốt cả cuộc đời.
Blankfein không thuộc bất kỳ nhóm nào ở trên. Ông vào Harvard bằng học bổng, làm việc trong tiệm cà phê của trường và bị nhiều sinh viên trong trường coi thường. Ông kể: “Tôi vẫn là một kẻ tỉnh lẻ đến từ Brooklyn.”
Khi ông đọc TheCatcher in the Rye, ông thậm chí không nhận ra Holden Caulfield đang học trung học bởi trong truyện thường đề cập đến một từ viết tắt “prep”. Ông đã nghĩ khi đó Holden Caulfield đang trong khóa học dự bị đại học.
Blankfein còn rất trẻ và ông biết điều đó. Ông chơi với một nhóm bạn có hoàn cảnh gần tương đồng. (Thậm chí đến nay, ông vẫn thân nhất với nhóm bạn từ hồi trẻ). Ông không buồn quan tâm đến nhóm ồn ào xung quanh ông. Ông nói: “Tôi không việc gì phải đề phòng khi tôi làm gì. Tôi thường thấy rằng chính nhóm sinh viên giàu mới phải xem lại mình.”
David Drizzle, con trai của một công nhân sản xuất gạch tại Atlanta, người ở cùng phòng với Blankfein tại trường Harvard hay là trưởng tư vấn tại Cơ quan hàng không liên bang Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi đã hoàn toàn không được chuẩn bị trước cho cái thế giới mà chúng tôi gia nhập. Vấn đề không phải là tiền bởi ở thời điểm đó của xã hội, người ta rất coi thường tính phô trương. Khi đến đây, mọi thứ xung quanh quá trần tục. Chúng tôi lạc lõng và có lẽ chính điều đó kéo chúng tôi đến với nhau.”
Drizzle nhớ lại những ngày học tại Harvard, khi đó Blankfein thường chẳng mấy khi quan tâm đến bài tập của trường. Khi đó ông và Blankfein thường xem phim và ăn uống suốt đêm này sang đêm khác trước khi ngó đến sách.
Drizzle kể: “Khi kỳ thi đến gần, cảm giác sợ hãi bao trùm tâm lý chúng tôi và chúng tôi học ngày học đêm trong suốt vài ngày, thề rằng kỳ sau sẽ chăm chỉ học sớm hơn nhưng rồi mọi chuyện vẫn thế. Sinh viên cùng lớp rất nhớ về khướu hài hước và trí nhớ cực tốt của Blankfein. Ông thường nhìn ra nhiều khía cạnh hài hước, mỉa mai của câu chuyện mà tôi nghĩ không ai làm được như vậy.” Blankfein hát hay và hát nhiều bài hát, từ những bài vớ vẩn cho đến bài nổi tiếng.
Blankfein nhớ khi ở trường trung học, bạn cùng trường thường hay gọi ông là “luật sư bang Philadelphia và biệt danh đó luôn ám ảnh ông. Bỗng nhiên ông nghĩ nhiều đến việc mình sẽ làm luật sư. Ông nộp đơn học trường luật Harvard và được chấp thuận.Tại trường luật Harvard, ông đã học chăm chỉ hơn nhưng chẳng phải để giành được danh hiệu nào.
Luật sư Lloyd Blankfein nổi tiếng
Năm 1978, Blankfein tốt nghiệp trường luật Harvard và trở thành luật sư tại công ty luật Donovan, Leisure một công ty luật nhỏ được sáng lập năm 1929. Trong khoảng thời gian 4 năm làm việc tại đây, ông đại diện cho ngành phim ảnh trong vụ rắc rối về thuế với Cơ quan thuế vụ Mỹ (IRS).
Ông đã tốn khá nhiều công đi lại giữa Los Angeles và New York. Tuy nhiên ngay cả khi làm việc vất vả như vậy, ông cũng không thực sự cống hiến cho ngành luật.
Năm 1980, trong buổi họp mặt sinh viên Harvard, trong phần thời gian rỗi, ông viết: “Làm luật sư thuế, nghề duy nhất của người đàn ông ưa hành động.” Năm 2000, ông viết về công việc tại Donovan, Leisure: “Yêu cầu các tập đoàn lớn đóng đủ thuế.”
Ông cũng có thêm một số tật xấu trong khoảng thời gian này. Ông từng hút 3 bao thuốc/ngày. Cha mẹ của ông hút thuốc và ông bắt đầu hút từ thời niên thiếu. Thế nhưng đến khi học trường luật, ông mất kiểm soát thói quen của mình. Cân nặng tăng vùn vụt, tóc bạc đi nhiều. Ông cho biết: “Đã có ngày tôi nhìn vào gương và thấy mình giống ông nội.”
Ông thích cả đánh bạc tại Las Vegas. Khi làm luật sư ở Hollywood, ông và một đồng nghiệp thường nhảy xe đi vào tối thứ Sáu và lái thẳng đến bãi biển, khu núi non hay Sin City để chơi bài hay xúc xắc trong các ngày cuối tuần.
Mỗi lần ra ngoài đánh bạc như vậy, họ để lại thông báo cho ông chủ: “Nếu thứ Hai chúng tôi không đi làm, chúng tôi hẳn đã thắng bạc.”
Từ ngành luật bước sang thế giới tài chính
Năm 1981, ông Blankfein đã nắm vị trí cao cấp tại Donovan nhưng ông không còn ham thích gì công việc luật nữa. Ông tìm cơ hội chuyển sang làm việc tại ngân hàng đầu tư, cái mà ông coi như hấp dẫn hơn luật.
Ông nộp đơn xin việc tại Morgan Stanley, Dean Witter, và Goldman Sachs và tất nhiên chẳng nhận được lời mời nào. Ông nói: “Nó cũng bình thường thôi. Tôi là luật sư và không có kinh nghiệm tài chính. Tôi chỉ giải quyết vấn đề thuế trên cấp độ doanh nghiệp lớn. Sau đó, một chuyên gia săn đầu người gọi ông đến và hỏi ông có thích làm kinh doanh hàng hóa tại công ty con J. Aron & Company mà Goldman Sachs đã mua lại vào năm 1981.
Ông Blankfein cho biết: “Tôi thậm chí chẳng biết nó là cái quái gì. Tại sao họ tuyển tôi nhỉ?” Vợ ông khi biết quyết định chuyển việc của ông đã khóc rất nhiều bởi lo sợ cuộc sống ổn định mà họ đang có sẽ thay đổi. Cuối năm 1982, ông đến làm nhân viên kinh doanh hàng hóa tại J.Aaron.
Ở thời điểm đó, J. Aron rất bị “ghẻ lạnh” tại Goldman Sachs. J. Aron đã kiếm được nhiều tiền, nhưng trong năm đầu tiên khi thuộc về Goldman Sachs, công ty thua lỗ. Nhân viên J. Aron thậm chí phải đi riêng thang máy với nhân viên Goldman Sachs tại tòa nhà trụ sở của ngân hàng này. Từ một luật sư uy tín với nhân viên thư ký lúc nào cũng kè kè bên cạnh chuyển sang làm nhân viên cấp thấp, ông không khỏi choáng váng.
Trong vai trò nhân viên kinh doanh, Lloyd Blankfein góp phần không nhỏ vào thành công của J. Aron. Ông thực hiện thành công giao dịch 100 triệu USD, giao dịch lớn nhất cùng loại mà Goldman từng thực hiện, cho một khách hàng người đạo Hồi. Ông luôn thuộc nằm lòng quan điểm đặt quyền lợi khách hàng lên trên quyền lợi của Goldman Sachs. Tuy nhiên con đường trở thành một trong những CEO quyền lực nhất trung tâm tài chính lớn nhất thế giới không phải toàn “hoa hồng”…
Ngọc Diệp
Theo Economist
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét