Trên vùng rừng tràm năm xưa hoang hóa bên dòng sông Cái Lớn, nay có một ông chủ trang trại trồng dứa (khóm) nổi tiếng từ nhiều năm qua. Ông là cựu chiến binh nhà nghèo nhưng mạnh dạn và biết cách làm ăn, nay đã trở thành tỷ phú. Nghe kể về gương sáng trong lao động sản xuất của ông, tôi đã thầm cảm phục. Ông tên là Dương Thanh, thường gọi theo thứ bậc ở Nam bộ là Bảy Thanh.
Từ thân phận ở vùng quê nghèo, lại trải qua chiến tranh, không được học hành, ông tự học để biết đọc, biết viết. Do gia cảnh quá nghèo, đông con, ông phải đi làm thuê. Nay ông đã trở thành tỷ phú, chủ trang trại trồng dứa xuất khẩu ở Vị Thanh (Hậu Giang). Ông khoe: "Bây giờ trang trại khóm (dứa) của tôi rộng 200ha. Năm rồi, trừ khoảng 2 tỷ đồng cho các khoản chi thuê đất, phân bón, vật tư nông nghiệp, thuê mướn lao động, tôi cũng thu lãi hơn tỷ đồng".
Đặc sản dứa Cầu Đúc
Đang mùa dứa chín, ông bảo đứa cháu trai ra vườn bẻ dứa vào tiếp khách. Tôi nghe người ta khen ngợi thứ đặc sản dứa Cầu Đúc từ lâu, nay mới được thưởng thức ngay giữa trang trại của ông Bảy Thanh. Miếng dứa gọt ra có màu ô liu, tươi rói. Ăn ngọt lừ. Cái vị ngọt thơm đến lạ. Lúc đầu thấm đẫm đầu lưỡi, dòng mật ngấm vào chân răng, rồi vị ngọt ngào cứ thế thấm tận cổ họng, ăn xong thấy ngọt thơm có hậu, êm mát tận lòng. Ăn xong, vị ngọt ngào của dứa cứ ngấm sâu vào từng tế bào cảm vị. Đúng là loại dứa xuất khẩu rất quý. Thấy tôi thưởng thức món đặc sản này rất nhiệt tình, ông Bảy Thanh hỏi: "Ngon không chú?". Tôi nói: "Thật tuyệt!".
Ông Bảy Thanh cười rất tự hào và sảng khoái. Năm nay đã tuổi 65 nhưng ông còn rất cường tráng. Chủ trang trại đúng là có vóc dáng, tướng mạo của một lão nông tri điền. Da dẻ nhuộm nắng màu đồng điếu, tóc bạc, gương mặt phương phi, tay chân còn nổi gân chắc lẳn. Người ta nói lao động chân tay, chạy vạy suốt ngày còn hơn cả tập luyện thể dục, thể thao.
Suốt đời ông là vậy: Chân chạy, miệng nói, tay làm. Thế nên ông vẫn cường tráng vào gần tuổi "cổ lai hy". Ông là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của tỉnh Hậu Giang, đã mấy lần đi dự hội nghị và báo cáo điển hình tiên tiến tại Tp.HCM và Thủ đô Hà Nội. Đồng đội ở Hội cựu chiến binh tỉnh Hậu Giang thường gọi ông bằng cái tên thân mật "Bảy Khóm". Và ông đã được coi như "Vua khóm Cầu Đúc".
Cầu Đúc là địa danh một cây cầu bê tông có từ xa xưa ở vùng Hỏa Lựu, Tân Tiến. Gần chục năm qua, từ khi trái dứa ngon ở vùng này xuất khẩu sang nhiều quốc gia, đặc sản dứa Cầu Đúc càng thêm nổi tiếng khắp vùng gần xa. Dứa Cầu Đúc theo đường thủy và đường bộ đưa lên tận Tp.HCM và các khu công nghiệp ở miền Đông Nam bộ để làm hàng xuất khẩu. Ông Bảy Thanh không những làm chủ trang trại trồng dứa chuyên canh rộng lớn, mà còn làm giám đốc Công ty Dương Thanh, chuyên mua bán cung cấp dứa cho các nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu. Quả là một sự kết hợp đầy ý thức lợi nhuận, coi trọng hiệu năng tự chủ giữa sản xuất và kinh doanh trong cơ chế thị trường hiện nay.
Tính cả dứa thu hoạch ở trang trại và dứa thu mua, mỗi năm riêng ông Bảy Thanh đã bán cho các nhà máy trên 20.000 tấn dứa. Riêng cơ sở thu mua dứa của ông cũng thu lãi 200.000 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 60 lao động là con em gia đình liệt sĩ, thương binh, dân nghèo.
Thoát nghèo thành tỷ phú
Đầu mùa mưa, chân trời phía U Minh Thượng đã kéo mây đen kịt. Mùa mưa là mùa cây dứa đâm thêm chồi mới. Nhưng đây cũng là mùa lo lắng của những người trồng dứa như ông Bảy Thanh. Nếu mưa dầm lâu ngày, dứa không kịp thu hoạch sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái dứa. Trái dứa đem đến nhà máy sản xuất đồ hộp xuất khẩu phải đủ độ chín, tươi ngon. Nếu mưa nhiều, nắng ít, trái dứa bị "chín câm", nghĩa là dù trái dứa có chín, nhưng không được thơm và giảm vị ngọt. Vì thế, như ông Bảy Thanh giải thích: "Dứa chín tới là phải thu hoạch ngay, để quá lứa hoặc dầm mưa sẽ kém chất lượng".
Ông dẫn tôi ra thăm cánh đồng dứa. Hai bên đường, cạnh những lô dứa mới trồng vẫn còn khoảng rừng cây tạp rậm rạp ken dày cây tràm gió, ô rô, dây choại. Ông nói với tôi: "Khi chưa khai hoang, đất dứa của tui cũng rậm rì vầy nè. Gốc tràm và rễ cây dại chằng chịt. Nhát cuốc bổ mạnh xuống đất, nhưng gặp rễ cây, gặp gốc tràm, lưỡi cuốc bật tung lên. Cứ vài ngày lại đi rèn lại lưỡi cuốc. Để có một thước vuông lên liếp trồng dứa thật là cơ cực. Đất rừng hoang lâu năm bị nhiễm phèn nặng. Phải đào kênh, đắp bờ, rửa chua ém phèn. Những lô đã trồng dứa kia là đất đã "ngọt hóa" rồi đấy".
Tuy đã 65 tuổi, nhưng ông Bảy Thanh đi bộ, lội qua kênh cứ thoăn thoắt. Cái chất lính từ trong rừng căn cứ năm xưa như đã ngấm thành thói quen, thành tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát của ông. Tôi hỏi:"Tại sao sau ngày giải phóng, yên ổn rồi, ông không di học cho hết cấp 2 hoặc cấp 3?". Ông cười: "Trời đất ơi! Vợ con bìu ríu. Lại đẻ ra cả chục đứa, lo bữa ăn cho lũ lít nhít dạo đó đã trần thân cơ cực, còn học vào đâu được!".
Rồi ông dẫn tôi qua cây cầu khỉ, sang bên kia bờ kênh. Ông tâm sự: "Dạo đó nhà tui nghèo lắm. Không có ăn. Chạy được gạo độn khoai mì, độn bo bo cho lũ nhỏ có cái ăn là tối mặt tối mày rồi. Nay chúng nó có dư ăn, có nhà cửa, xe, xuồng đầy đủ. Trước đây, nhìn đàn con ăn đọt choại, rau muống chấm nước muối mà tui thấy xót xa".
Tôi hỏi về bí quyết để từ hộ nghèo, nay ông trở thành tỷ phú, thành chủ trang trại. Ông nói tỉnh bơ: "Bí quyết bí quẹo gì đâu. Nghèo quá, nhưng không chịu bó tay cam phận nghèo. Phải nghĩ cách. Phải lăn sức ra làm. Rồi tự công việc nó dạy nghề, tự nghề nó dạy tiết kiệm, tích lũy. Nhất là từ khi cơ chế thị trường bung ra, biết làm ăn, biết tính toán thì xóa nghèo cũng không khó. Huống hồ ngày xưa tui không tấc đất cắm dùi. Nhưng nay được Nhà nước cho thuê đất rừng hoang. Lui cui làm tới rồi cũng khá và giàu lên được. Ông trời cũng còn dành một chút may mắn cho số phận".
Nhà nghèo, đông con, không có đất, ông Bảy Thanh phải đi làm mướn lo cho cả chục miệng ăn. Dạo đó, ai mướn đi làm đất, xẻ mương, thu hoạch dứa là ông tắp lự đi liền. Ông theo ghe chở dứa lên Cần Thơ, Mỹ Tho, Chợ Lớn và ra cả miền Đông Nam bộ. Ông bốc vác, nấu cơm, thu dọn trên ghe, lấy chút tiền công ít ỏi về đong gạo nuôi vợ con. Rồi cũng do siêng năng và sáng trí, ông học được cách thu mua, buôn dứa, học cách bán sỉ, bán lẻ, mua tận gốc bán tận ngọn.
Ông tiết kiệm tiền, rồi đi vay thêm, mua được chiếc ghe nhỏ trị giá hơn 2 cây vàng. Tậu được ghe máy, ông không đi làm mướn nữa, mà tự đi thu mua dứa, bán dứa. Có lời lãi kha khá, ông Bảy Thanh rất mừng.
Ông lý giải: "Người ta giỏi làm ăn, có vốn lớn thì được "một vốn bốn lời". Mình mới ra làm ăn, chưa quen thị trường, chưa thông hàng thạo thổ, lại ít vốn, thì chấp nhận "một vốn một lời" cũng thấy ngon trớn rồi. Thời gian sau, tui mua thêm cái ghe lớn hơn, trị giá trên 5 cây vàng. Rồi thuê thêm đất Nhà nước khai hoang, trồng dứa. Tui kết hợp đứng cả hai chân, tức là cả sản xuất và kinh doanh. Nay tui đã có 30 công đất trồng dứa, lại thuê của Nhà nước 2.000 công nữa. Tui cho bà con dân nghèo thuê lại 600 công. Vậy là làm ăn khỏe re".
Cánh đồng dứa của ông Bảy Thanh chạy tít tắp, áp màu xanh đến cánh rừng xa xa bên dòng Cái Lớn. Đất trồng dứa nơi đây màu đen thẫm. Những lớp thực bì trầm tích hàng trăm năm ở vùng rừng tràm này đã đem đến biết bao phì nhiêu, màu mỡ cho cây trồng. Nhưng ông Bảy Thanh nói rằng đừng có ngồi đó trông chờ vào đất tốt. Đất dẫu phì nhiêu, nhưng gieo trồng vài vụ là phải lo bón phân. Trồng dứa xuất khẩu phải tuân thủ đúng kỹ thuật, phải tùy độ, tùy đất mà bón phân. Phải chăm sóc chu đáo thì dứa mới ngon và cho năng suất cao. Nếu chăm sóc tốt, 7 - 8 năm mới trồng lại.
'Vua dứa'
Ngồi bên liếp dứa, vun lại gốc cho cây dứa do mưa lớn bị đổ xẹo, ông nói: "Lạ cho giống dứa đặc sản Cầu Đúc. Chỉ có đất này trồng mới được ngon ngọt, giữ được hương vị vốn có của nó. Đem giống dứa này đến trồng nơi khác, dù chăm sóc rất tốt, dứa cũng nhanh chóng thoái hóa, "thịt" bị xơ và bị chua. Trồng thứ đặc sản này nhiều năm tui biết. Nó kén đất lắm đấy". Ông moi đất dằm lại cây dứa. Gân bàn tay của ông nổi lên chắc nịch, dính đất den hoẻn. Ông cười: "Người ta cứ gọi tui là ông chủ, có người lại tôn vinh là "vua dứa", rồi là tổng giám đốc. Gọi vậy cho vui thôi, chứ tui mà ông chủ cái gì. Tui vẫn là người lao động như bao người khác. Ngày nào không lội ra ruộng dứa là tui không chịu được, như thiếu một cái gì đó".
Nghe ông nói vậy, nhưng từ trong tâm tưởng, sau khi đã biết đến quy mô trang trại và cung cách làm ăn của ông, tôi vẫn đánh giá ông là một chủ trang trại xuất sắc. Một trang trại đi lên hầu như từ hai bàn tay trắng, làm ăn với hiệu quả ngày càng cao và bền vững. Từ một cựu binh, năm xưa chỉ lo đánh giặc, chống càn, trở về với hai bàn tay trắng, không được học hành, một nông dân nhà nghèo đông con, nay ông Bảy Thanh đã trở thành tỷ phú. Ông đã có vốn cố định 30 công đất dứa, 8 căn nhà, 6 chiếc xe ôtô tải cỡ lớn, 3 chiếc ghe máy chuyên lo việc chở dứa đi bán cho các nhà máy. Mới đây ông còn sắm thêm chiếc xe 7 chỗ ngồi để đi công chuyện cho trang trại và gia đình được tiện dụng.
Ông Bảy chưa học hết lớp 2 trường làng nhưng bấm máy tính thoăn thoắt. Ông tính tiền chi phí các khoản cho một công dứa mỗi vụ, rồi tính các chi phí khác như thuê mướn nhân công, vận chuyển, xăng dầu bảo đảm chính xác từng con số. Những năm đầu mới mở trang trại, ông chỉ thu lãi mỗi vụ 50 triệu, rồi vài trăm triệu đồng. Năm ngoái, sau khi khấu trừ hết các khoản chi phí đầu vào, trừ cả "vốn dằn chân" mùa vụ, ông thu lời trên 1 tỷ đồng. Ông không được học hành, nhưng các con ông nay đều được đi học chu đáo. Học xong, không xin việc ở đâu xa, trở thành nhân viên của ông, cùng ông lo cho trang trại và cơ sở thu mua dứa xuất khẩu. Con gái ông là Dương Thị Hạnh, năm nay 37 tuổi, làm kế toán trang trại.
Thấy có khách đến thăm, ở lại ăn cơm trưa, cô Hạnh vội đi lo bữa nhậu. Ông Bảy Thanh sôi nổi, nhiệt tình: "Các chú đến với trang trại tui, thiệt mừng có kể. Chẳng có "sơn hào hải vị" gì cả, nay ta nhậu các món đồng quê. Những món mà ra bờ kinh, vô khoảnh rừng rậm, vô lung đìa kiếm ở đâu cũng có". Ông giới thiệu: "Tui bảo mấy đứa nhỏ ra rừng hái đọt choại. Đọt choại là thứ rau rừng năm xưa hoạt động trong cứ, bộ đội và du kích phải ăn để chống đói, ăn đọt choại thay cơm mà đánh giặc. Nhưng nay thứ này lại trở thành đặc sản trong các nhà hàng ở thị thành. Bữa nay, tui nấu lẩu lươn đồng với mẻ, nhúng đọt choại để nhậu chơi. Rồi ăn cơm với cá rô mề kho tộ, tôm kho với khóm. Đồng quê chỉ có vậy".
Chúng tôi nhậu bữa trưa trong căn nhà lá tạm dựng để canh rẫy của ông Bảy Thanh giữa cánh đồng dứa. Mưa kéo đến bất chợt và đã tạnh. Phía chân trời tỏa lên vầng mây sáng, ửng hồng. Ông Bảy Thanh nhìn mây, nói: "Mai chắc có nắng to. Kiểu mưa chợt đến chợt đi rồi ửng hồng chân trời phía Tây như vầy chắc là nắng cả tuần. Dứa đang mùa chín, nắng lên lại được nguồn hàng dứa ngọt thơm, chất lượng". Ông tỏ ra rất vui khi nhìn ra cánh đồng dứa bát ngát đang mùa ửng chín vào kỳ thu hoạch rộ.
Theo vnbusines
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét