Vừa tròn 27 tuổi, nhưng Nguyễn Phương Nam đã là giám đốc của rất nhiều doanh nghiệp. Cứ có cơ hội mới là anh lại thử sức mình.
Những giấc mộng không thành
Sinh ra ở Bình Dương trong một gia đình có truyền thống kinh doanh nhà trọ, nhưng Phương Nam lại thích mày mò kỹ thuật nên đã theo học Đại học Sư phạm Kỹ thuật ngành cơ điện tử chuyên đào tạo kỹ sư ngành tự động hóa. Thế nhưng, trong hai năm học đầu tiên, khi phải “nhai đi nhai lại” các môn học đại cương, Nam bỗng thấy nản và bắt đầu hoài nghi về sự lựa chọn của mình. May sao, sang năm học thứ ba, cuộc thi “Robocon 2004 ” với chủ đề: “Cuộc đoàn tụ của Ngưu Lang - Chức Nữ” đã mở ra cho chàng sinh viên trẻ một hướng đi. Năm đó, nhóm của Nam đã giành hạng 3 toàn miền Nam và là một trong 16 đội ra miền Bắc tranh giải toàn quốc.
Chiến thắng lúc ấy tuy nhỏ, nhưng đã là một động lực lớn giúp Nam định hướng và có mục tiêu trong học tập. Đề tài tốt nghiệp đại học của Nam là chế tạo sản phẩm cửa tự động. Lúc bấy giờ, trên thị trường Việt Nam, cửa tự động chủ yếu nhập từ Đức, Đài Loan với giá từ 2.500 - 4.000 USD/cửa. Sản phẩm của Nam sau khi nghiệm thu có giá thành chỉ khoảng 1.000 USD và được một doanh nghiệp ở Bình Phước đặt hàng ngay. “Thừa thắng xông lên”, Nam cùng hai người bạn tập trung nghiên cứu sâu để đưa vào sản xuất hàng loạt.
Nhưng giấc mộng ấy phải đối đầu với thực tế: ở Việt Nam, do thiếu các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như nguyên vật liệu, phụ liệu để sản xuất; tất cả đều phải nhập ngoại. Không có vốn để đầu tư sản xuất, gõ cửa một số doanh nghiệp mời đầu tư nhưng không có hồi âm, nhóm tan rã. Hai người bạn bỏ đi hợp tác lao động ở Nhật. Một mình Nam âm thầm trở về quê.
Nhưng đây không phải là thất bại đầu tiên của chàng trai trẻ. Thời còn đi học, Nam có một ông thầy “ruột” đã rất thành công khi thành lập một trung tâm dịch vụ và đào tạo tin học cho thanh thiếu niên ở Bình Dương. Năm thứ tư đại học, khi Thành đoàn TP.HCM khởi động chương trình “Xóa mù tin học cho thanh niên nông thôn”, Nam đã mượn vốn gia đình thành lập một công ty dịch vụ tin học ở Hóc Môn. Huyện đoàn hỗ trợ mặt bằng, Thành đoàn hỗ trợ một phần chi phí, còn Nam đầu tư dàn máy móc, trả lương giáo viên… Và lần này, Nam học được một bài học thực tế: đời sống ngoại thành còn nhiều khó khăn, các bạn trẻ sau khi được hỗ trợ đào tạo kiến thức cơ bản, ít ai có điều kiện học thêm. Học trò thưa thớt dần. Nam như bị hụt hơi, sau một thời gian chạy vạy trước sau để trang trải chi phí cho trung tâm… thì đóng cửa.
Bay cao cùng Bình Dương
Những thất bại ban đầu đã ngốn của Nam một số tiền kha khá, nhưng anh tự an ủi là được rèn luyện sức chịu đựng, sự trải nghiệm thực tiễn. Ra trường, Nam về Bình Dương tìm việc làm. Nộp đơn vào vị trí kỹ sư ở khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, anh đã lọt qua nhiều vòng phỏng vấn gắt gao, nhưng lại rớt ở vòng cuối cùng.
Chưa có việc làm, hàng ngày ngồi lướt web tìm việc, quan sát công nhân ở nhà trọ, Nam đã phát hiện ra một nghịch lý: các công ty ở khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng công nhân rất nhiều, nhưng không có ai trực tiếp hỗ trợ họ. Còn thanh niên ở các vùng đồng bằng nhàn rỗi, muốn có công ăn việc làm nhưng lại không dám xông xáo đến nơi xa lạ để tìm việc. Sau khi tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp ở Bình Dương, Nam mạnh dạn mở công ty cho thuê lao động với nhiệm vụ tuyển dụng lao động, đào tạo cơ bản và cho các công ty thuê lại. Chật vật vay mượn được 300 triệu đồng để ký quỹ, Nam mượn nhà của anh trai làm văn phòng. Công ty TNHH giới thiệu và cung ứng lao động Đông Nam Hải buổi đầu chỉ có Nam vừa là giám đốc, vừa là nhân viên. Hàng ngày, 8 giờ sáng, Nam lướt các website tuyển dụng lao động, lấy địa chỉ email, gửi thư liên lạc… Buổi trưa đi gặp các doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu; 2,3 giờ chiều đi treo băng rôn tuyển dụng, 6 giờ khi công nhân tan sở thì phát tờ rơi. Kiên nhẫn làm, sau nửa năm, đã có doanh nghiệp thuê lao động của Nam. Có được hợp đồng rồi, việc tìm nguồn lao động cũng khá trần ai. Nam phải khoác ba lô về các tỉnh, tham gia lễ hội Ooc-om-boc của người Khmer, đăng ký gian hàng, chiếu phim, thuê sinh viên phát tờ rơi, tư vấn... tháo gỡ từng mối băn khoăn của người dân, cam kết các chế độ, chính sách, quyền lợi của họ, từ chuyện nơi ăn, chốn ở cho tới ứng tiền mua mùng mền, chiếu, gối.
“Tôi muốn xây dựng một dự án có sự tham gia của nhiều người cùng chí hướng. Khi bạn có một đội, bạn sẽ thấy mình mạnh hơn rất nhiều” |
“Có lần, chúng tôi phát 1.500 tờ rơi, người dân nhận hết nhưng chỉ… có 2 người quay trở lại hỏi về thủ tục”, anh kể. “Nằm vùng” sau gần một tháng, chuyến đầu tiên Nam đưa được 20 công nhân về Bình Dương, ổn định nơi ăn chốn ở, đào tạo việc làm. 20 công nhân này sau khi ổn định việc làm đã gọi điện về quê chia sẻ và chỉ trong vòng một tháng rưỡi sau đó, Công ty của Nam đã tuyển đủ 600 công nhân theo hợp đồng. Như mạch nước được khơi thông, sau Kiên Giang, Nam mở thêm các văn phòng ở Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh… và đến nay đã có 6 văn phòng tuyển dụng lao động ở các tỉnh miền Tây với 1.300 công nhân luôn luân chuyển. Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đã tín nhiệm tìm đến công ty của anh mỗi khi cần tuyển dụng nhân sự.
Không dừng lại ở đó, Nam luôn chịu khó quan sát, khám phá được nhiều cái mới. Thấy nhu cầu vệ sinh công nghiệp chưa được đáp ứng nhiều, Nam mở ngay dịch vụ này. Là người sợ độ cao, chưa bao giờ phải làm việc quét dọn, vậy mà trong hợp đồng đầu tiên, người ta thấy Giám đốc Nam tự đi mua chổi, mắt kiếng, khẩu trang, thuê giàn giáo… rồi trèo lên làm mẫu hướng dẫn cho nhân viên. Dịch vụ phát triển, hợp đồng làm không kịp, Nam đầu tư máy móc vệ sinh, liên kết với các công ty dịch vụ khác để cung cấp cho khách hàng dịch vụ tốt và kịp thời nhất.
Cứ thấy nhu cầu mới là Nam lại như bị nam châm hút. Thành công trong các dịch vụ trên, Nam tiếp tục triển khai một dự án mới: liên kết với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân thuê với giá hỗ trợ theo mô hình nhà ở kết hợp với dịch vụ, siêu thị, nhà trẻ… Hiện nay, dự án đã hoàn thành được 50% với 300 phòng ở, đáp ứng cho nhu cầu của khoảng 1.600 công nhân.
Từ bánh Pavaroti đến sân banh mini
Khi các dự án cho người lao động ở Bình Dương dần ổn định, Nam chuyển giao công việc quản lý rồi khăn gói lên TP.HCM... đi học. Trong 6 tháng theo học chương trình quản lý của Pace, Nam không chỉ học hỏi được rất nhiều ở thầy cô, bạn bè mà còn “nhặt” thêm được nhiều cơ hội lớn nhỏ để thử sức. Một anh bạn cùng lớp đang Franchise hệ thống cửa hàng bánh Pavaroti từ Malaysia, Nam thử đầu tư hai quầy bánh ở siêu thị Bình Dương, khoán cho 6 sinh viên chia nhau làm việc bán thời gian, Nam chỉ quản lý từ xa. Không ngờ, cả hai quầy bánh đều đem lại lợi nhuận ổn định.
Sau giờ làm việc, dạo quanh thành phố, thấy các bạn trẻ mê sân banh cỏ nhân tạo mà ở Bình Dương chưa có, suốt ba ngày Nam lấy xe máy quần thảo ở các sân tìm hiểu về kỹ thuật, nhà cung cấp, rồi lên mạng tìm kiếm thông tin. Tìm được một chuyên gia lắp sân banh ở tận Hà Nội, Nam bay ra học nghề rồi về thuê đất ở khu Sóng Thần mở mô hình sân banh mini - cà phê sân vườn với mục đích khuyến khích dân văn phòng tham gia thể thao. Sau 8 tháng, ba sân cỏ mini và quán cà phê sân vườn hoàn tất. Giờ, đây đã là địa chỉ quen thuộc mà giới trẻ Bình Dương tìm đến để thư giãn với không gian đẹp, thức uống ngon bên cạnh các hoạt động thể thao.
Thử mọi cơ hội
Sau bốn năm, Nam đã có trong tay 7 dự án. Tuổi đời còn trẻ, cơ hội kinh doanh còn nhiều, nhưng bất ngờ, mọi người lại thấy Nam “sống chậm” lại và đắm đuối xây dựng thương hiệu: aothun.vn. Nam tâm sự: “Một mình với ý tưởng, một mình khởi dựng mọi việc khiến đôi lúc tôi thấy mình hơi đơn độc. Tôi muốn có một quãng ngừng lại, suy ngẫm và tìm kiếm những ý tưởng lâu dài. Hơn nữa, tôi muốn xây dựng một dự án có sự tham gia của nhiều người cùng chí hướng. Khi bạn có một đội, bạn sẽ thấy mình mạnh hơn rất nhiều vì mỗi người có một thế mạnh và bổ sung, hỗ trợ cho nhau”.
Từ suy nghĩ đó, Nam đầu tư xây dựng thương hiệu aothun.vn. Mong muốn góp phần định hướng cho phong cách tiêu dùng của giới trẻ, áo thun của Nam không chỉ là một sản phẩm tiêu dùng mà còn thể hiện văn hóa, phong cách sống. Khách hàng của Nam có thể tự thiết kế mẫu áo hoặc được công ty tư vấn để có những mẫu áo riêng biệt, ấn tượng cho từng cá nhân hay một nhóm, một đội, một công ty… “Áo thun của chúng tôi giúp các bạn trẻ thể hiện lối sống năng động, tích cực, vì cộng đồng”. Aothun.vn không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn cung cấp dịch vụ trọn gói, cùng chia sẻ, sáng tạo, tư vấn xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp.
Một định hướng nữa mà anh hướng tới: do Việt Nam là một nước sản xuất hàng may mặc, có điều kiện để xuất khẩu, aothun.vn sẽ chủ động tạo ra những sản phẩm khác biệt, mang đậm dấu ấn và bản sắc riêng. Hiện nay, khách đến du lịch Việt Nam chủ yếu mua các loại áo thun in hình ảnh quê hương đất nước, nhưng chất lượng thấp, ít sáng tạo, thiếu sự độc đáo. “Chúng tôi muốn thiết kế những hình ảnh đẹp, lạ, thể hiện được dấu ấn Việt Nam vừa truyền thống, vừa hiện đại, khiến các bạn trẻ khi mặc nó cảm thấy tự hào về cội nguồn”, anh nói. Để có những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Nam mạnh dạn đầu tư máy móc với công nghệ hiện đại. Nam bỏ tiền tham dự Hội chợ ngành in quốc tế, nhập về máy in lụa, in kỹ thuật số, mực in đạt tiêu chuẩn không gây hại môi trường, bảo vệ người tiêu dùng và sản xuất. Từ những chiếc áo thun, anh còn đang ấp ủ kế hoạch mở cửa hàng mua sắm trên online.
Ở ngoài đời, nhìn Nam giống một sinh viên hơn là một doanh nhân. Anh bảo: “Ngày trước, khi chưa có tiền thì mình muốn kiếm tiền để bảo đảm cuộc sống. Nhưng khi có tiền rồi thì tự hỏi: Mình làm vì thích kinh doanh hay kiếm tiền? Có một người thầy đã cho tôi một định nghĩa để tự tin và hào hứng đi tiếp: “Kinh doanh là kiếm tiền để phụng sự xã hội”.
Việt Hà
DDDN.COM.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét