Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Link Cà phê: Kết nối đam mê

Bắt đầu từ người đi làm thuê, Nguyễn Thanh Huyền, cô nhân viên marketing ngày trước của Phở 24, giờ đã là bà chủ của Link Cà phê.


Cô chủ quán Nguyễn Thanh Huyền
“Người Việt Nam mình hầu như ai cũng uống cà phê. Bản thân Huyền cũng thường đi uống cà phê nên ý tưởng sẽ mở quán cà phê được ấp ủ từ thời sinh viên”, Thanh Huyền cho biết. Những năm đi làm tại một công ty quảng cáo và Phở 24 đã cho Huyền thêm kinh nghiệm và rồi biến ý tưởng mở quán của mình thành hiện thực.
Đem đến sự kết nối
Đem câu chuyện mở quán cà phê trao đổi với cô bạn thân, Huyền nhận được cái bắt tay hợp tác.
Đã có hàng ngàn quán cà phê, vậy quán cà phê mới của mình phải có điều gì khác? Sự khác biệt là điều đầu tiên được Huyền và cộng sự nghĩ đến khi bắt tay xây dựng quán. Lấy ý tưởng con người càng ngày càng có khuynh hướng kết nối với nhau qua không gian ảo, cả hai thống nhất đặt tên cho quán là “Link cà phê”. “Link là nơi cho người ta giao tiếp với nhau thật sự. Không gian của quán là một sự nhắc nhở về thế giới thật, con người thật và những chia sẻ thật. Những buổi online sẽ trở nên thật hơn, đời hơn khi người ta ngồi lại với nhau, chia sẻ với nhau những suy nghĩ, ý tưởng. Đây là điều mà chúng tôi muốn gởi gắm tới những khách hàng của Link”, Huyền bộc bạch.
Giải bài toán mặt bằng
Mở quán cà phê không thể không nghĩ đến chuyện thuê mặt bằng. Mặt bằng đẹp, chi phí sẽ cao và sẽ là một thách thức lớn với những người mới tập tễnh bước ra kinh doanh như Huyền. Chính vì thế, Huyền chọn một giải pháp khác, “dễ thở” hơn: thuê mặt bằng kinh doanh trong hẻm! “Quan trọng là mặt bằng phải đáp ứng các tiêu chí như: giá thuê “mềm”, thuận lợi đi lại, có chỗ để xe cho khách, quán phải có “gu”, nhân viên nhiệt tình. Mặt bằng trong con hẻm 92 Phạm Ngọc Thạch, Q.3 mà Huyền thuê mở quán cũng chưa hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chí này, nhưng Huyền nhanh chóng tìm ra cách giải quyết khó khăn: quán không có chỗ gửi xe thì nhân viên sẽ mang xe của khách đi gửi ở góc đường cách quán khoảng hơn 10m. Những khách quen thì lần sau sẽ tự mang xe đi gửi. Quán trong hẻm, dù bị giới hạn trong diện tích nhỏ, nhưng tinh thần cởi mở, “kết nối” của Link là điều quan trọng. Trên vách tường, bàn ghế, sắp đặt không gian luôn hướng tới sự giao tiếp, cởi mở và chia sẻ. Có những nơi để đối thoại 1:1, cũng có những chỗ để cả nhóm bạn hội họp, chia sẻ thông tin. Trên các bức tường xuất hiện những lời nhắc nhở: “Không được giận nhau nhé”, hoặc thông điệp “Live it, share it” (sống và chia sẻ)… như là một cách để những người chủ quán gửi gắm mong muốn giao tiếp, kết nối thực sự với mọi người. Và có lẽ dù ở lứa tuổi nào thì những khách đã đến với Link đều thấy ở đó thực sự là một nơi không phải là “cà phê một mình”.
Khéo liệu thu - chi
Đã làm kinh doanh thì sẽ không thể không nhắc đến những con số. Chi phí thuê mặt bằng, mua sắm trang thiết bị, chi phí nhân công, lời - lỗ đã được Huyền dự trù chu đáo. “Tôi và người bạn ngồi trao đổi với nhau thẳng thắn, phân công trách nhiệm, công việc rõ ràng để cùng nhau thực hiện theo đúng ý tưởng đề ra”. Trước mắt Huyền nghỉ hẳn công ty cũ để tập trung toàn lực cho việc điều hành quán. Còn người cộng sự vẫn vừa đi làm vừa tham gia một phần công việc. “Vui vì thấy quán đã đi vào hoạt động, nhưng có một thách thức đó là làm sao để duy trì được hoạt động, có lãi, và từ đó nhân rộng mô hình này cho nhiều người tham gia”.
Sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến một người: họa sĩ Lê Kinh Tài. Anh là người đã lắng nghe ý tưởng của hai cô chủ quán và hiểu được nguyện vọng của họ để thể hiện trên tường, trên trần… những hình ảnh, màu sắc sống động cho quán. “Tôi may mắn quen họa sĩ Tài. Anh là người giúp tôi thể hiện ý tưởng về sự kết nối”, Huyền chia sẻ. “Có một lần khi cùng nhau ngồi bàn ý tưởng trang trí cho quán, chúng tôi cãi nhau kịch liệt vì anh Tài cho rằng ý kiến mà tôi đưa ra có phần… giống người khác đã làm và anh nhất định không muốn mình là người đi copy. Tôi phải nói với anh rằng, ý tưởng có thể giống nhau, nhưng tôi là người không có chuyên môn về hội họa, trang trí, nên tôi muốn anh giúp tôi thể hiện ý tưởng đó, bằng cách nào đó thì là do anh. Tranh luận từ lúc trời chưa mưa đến đổ mưa và một người bạn họa sĩ khác có mặt hôm đó sau này đã vẽ một bức tranh cảnh mấy đứa ngồi dưới dù che mưa mà tranh luận… Tôi vẫn giữ bức tranh này treo trong quán, nó nhắc nhở tôi về những ngày đầu “máu lửa” để làm quán, phải làm sao cho tốt để quán phát triển”, Huyền tâm sự.
Link có những sắc màu trắng, đen, xám và xanh… như là sự đa dạng trong cuộc đời: có mảng sáng, mảng tối và cũng có màu xanh hy vọng. Ở những góc nhỏ trang trí trong quán, Huyền đặt thêm những món đồ xinh xinh hữu dụng, từ chiếc ly, chiếc áo thun, móc chìa khóa… để khách đến quán có thể mua làm vật lưu niệm. Tranh của một số họa sĩ cũng được mang đến treo ở quán, vừa để trang trí, vừa để khách mua, nếu ưng ý.
Ý tưởng kết nối ban đầu dần dà làm nảy sinh thêm nhiều ý tưởng mới. Trên bàn, trên kệ của Link bắt đầu có thêm danh thiếp của những sản phẩm, dịch vụ để giúp khách đến quán có thể dễ dàng mua được những sản phẩm dịch vụ một cách tiện lợi nhất.
Như để động viên những người trẻ dám nghĩ, dám làm, họa sĩ Tài tuyên bố đợi khi Link đủ lớn (mở đến quán thứ 3), anh mới tính tiền thiết kế! Chính điều này đã là một phần thưởng nhưng cũng đồng thời là một “áp lực” để Thanh Huyền và người đồng sự cố gắng nỗ lực phát triển mô hình kinh doanh này, thực hiện ước mơ “kết nối” vào phân khúc cà phê bình dân, tiện lợi, không đòi hỏi nhiềuvốn đầu tư ban đầu.
Minh An
DDDN.COM.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean