Theo lý thuyết quản trị, một nhà Doanh nghiệp được xem là thành đạt khi trong vòng 3 năm kể từ ngày đi vào họat động, Doanh nghiệp bắt đầu ổn định và phát triển. Thương hiệu của Doanh nghiệp bắt đầu hiện diện trên thị trường.
Trong bối cảnh nóng hiện nay, có nhiều Doanh nghiệp mới ra đời và nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công, đó là những doanh nghiệp có nền tảng từ gia đình và thường thuộc vào thế hệ 8X. Có những doanh nghiệp xuất phát từ thế hệ 7X, không có gì, từ hai bàn tay trắng, nên việc khởi nghiệp rất khó khăn, trong khi những Doanh Nhân thế hệ 8X, thuận lợi hơn nhiều về tài chính, về công nghệ quản lý và về môi trường kinh doanh đã rộng mở. Nhưng vẫn có những Doanh nghiệp mới ra đời đã không chống chọi nổi bởi cơn suy thoái trầm trọng của nền kinh tế, vì sao họ thất bại.
Thứ nhất, khi chọn thị trường để kinh doanh sản phẩm mới, nhưng quy mô độ lớn thị trường không đủ để tạo nên doanh số như mong muốn. Độ lớn thị trường ở đây là do khả năng khai thác của Doanh nghiệp mới chưa đủ, chưa tới, một phần do năng lực tài chính không đáp ứng để dùng vào việc khai phá thị trường. Các chủ Doanh nghiệp sau này đa phần xuất thân từ quản lý cấp trung ở các công ty, tập đoàn lớn trước đây, sau khi nhận thấy một chút cơ hội thị trường đã bung ra làm ăn riêng nên thường thất bại trong việc thiết lập hệ thống phân phối. Mặc dù có quan hệ với nhân viên trên hệ thống, nhưng nhân viên đó thường chỉ làm bán thời gian nên việc khai phá thị trường cũng không đủ cho Doanh nghiệp mới.
Thứ hai, việc định ra mục tiêu doanh số “ảo”. Thường một doanh nghiệp mới: khi đầu tư, chủ doanh nghiệp thường đặt ra một mục tiêu doanh số tuyệt vời trong điều kiện lý tưởng. Doanh số này sẽ tương ứng với chi phí họat động sẽ bỏ ra trong giai đọan đầu. Giá bán sản phẩm xây dựng lý tưởng, cạnh tranh được với các “ông lớn” hiện hữu trên thị trường, thậm chí thấp hơn từ 15-20%, nên nghĩ rằng sản phẩm của sẽ được chấp nhận, nhưng bài toán không chỉ nằm ở giá bán. Do cách định giá quá lý tưởng, nên khi tham gia thị trường, sản phẩm hy vọng có giá bán tốt, lợi nhuận cao đã không “ra” hàng được, doanh số không đảm bảo, thế là quay ra bán bất cứ sản phẩm gì, thậm chí sản phẩm có lợi nhuận rất thấp, miển là bảo đảm được doanh thu trong giai đọan này. Nghẹt một nổi, doanh số với 80% chủng loại hàng có lợi nhuận thấp, đã không kham nổi chi phí cho cả một bộ máy được xây dựng trên nền tảng mọi thứ đều lý tưởng ban đầu, do vậy phải chống chọi với việc thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, lỗ lũy kế bắt đầu lớn… Một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, khi hoạch định đầu tư đã định giá bán sản phẩm ngang bằng Kinh Đô, Kraft Food, nhưng khi đưa hàng ra bán không được, buộc phải sản xuất hàng bánh “xá”, bán từng kg cho khách hàng, do vậy không thể tồn tại nổi với chi phí họach định lớn lao ban đầu.
Thứ ba, sản xuất, kinh doanh quá nhiều chủng loại sản phẩm trong giai đoạn đầu, do có “máu” và thấy nhiều cơ hội, nên không tập trung được và không quản trị được danh mục sản phẩm, bán nhưng không biết từng chủng loại sản phẩm có lợi nhuận như thế nào. Mà làm ra quá nhiều sản phẩm trong giai đọan đầu nên chi phí in bao bì, khuôn mẫu, nghiên cứu rất lớn, sản phẩm bán không được nằm trong kho, do vậy “chết” về chi phí vật tư nguyên liệu, bao bì… Doanh số không đủ bù đắp chi phí họat động, nay không có tiền trả nguyên liệu, vay muợn thêm lãi suất cao để họat động “cầm hơi”, và thế là trượt dốc… Một công ty sản xuất gạch tại Miền Trung, khi đưa vào sản xuất hàng loạt mẫu mã trong 3 tháng đầu giống các mẫu bán chạy của Đồng Tâm, Bạch Mã, ….. đến khi hàng tồn kho chất ra đến “cổng bảo vệ” thì mới giật mình trở lại, không biết mình sản xuất sản phẩm gì và bán sản phẩm gì, chỉ biết rằng “chưa buôn thì vốn còn dài, khi buôn thì vốn đã theo ai mất rồi”.
Trần Văn Phát, CEO – công ty ổn áp, dây cáp điện ROBOT.
Nguồn: ybahcm.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét