Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Chiếc vòng

Một ngày nọ, Vua Salomon bỗng muốn làm bẽ mặt Benaiah, một cận thần thân tín của mình. Vua bèn nói với ông: "Benaiah này, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong ngày lễ Sukkot và ta cho ông sáu tháng để tìm thấy chiếc vòng đó. "

Benaiah trả lời: "Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thưa đức vua, tôi sẽ tìm thấy nó và mang về cho ngài, nhưng chắc là chiếc vòng ấy chắc phải có gì đặc biệt? "

Nhà Vua đáp: "Nó có những sức mạnh diệu kỳ. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó, sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn, nhìn vào nó sẽ thấy vui". Vua Salomon biết rằng sẽ không đời nào có một chiếc vòng như thế tồn tại trên thế gian này, nhưng ông muốn cho người cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.

Mùa xuân trôi qua, mùa hạ đến nhưng Benaiah vẫn chưa có một ý tưởng nào để tìm ra một chiếc vòng như thế.

Vào đêm trước ngày lễ Sukkot, ông quyết định lang thang đến một trong những nơi nghèo nhất của Jerusalem. Ông đi ngang qua một người bán hàng rong đang bày những món hàng trên một tấm bạt tồi tàn. Benaiah dừng chân lại hỏi "Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc vòng kỳ diệu làm cho người hạnh phúc đeo nó quên đi niềm vui sướng và người đau khổ đeo nó quên đi nỗi buồn không? ". Người bán hàng lấy từ tấm bạt lên một chiếc vòng giản dị có khắc một dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ trên chiếc vòng đó, khuôn mặt ông rạng rỡ một nụ cười.

Đêm đó toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón mừng lễ hội Sukkot.

"Nào, ông bạn của ta, " Vua Salomon nói, "Ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa? ". Tất cả những cận thần đều cười lớn và cả chính vua Salomon cũng cười.

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Benaiah đưa chiếc vòng ra và nói: "Nó đây thưa đức vua". Khi vua Salomon đọc dòng chữ, nụ cười biến mất trên khuôn mặt vua. Trên chiếc vòng đó khắc dòng chữ: "Điều đó rồi cũng qua đi"

Vào chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng tất thảy những sự khôn ngoan, vương giả và quyền uy của ông đều là phù du, bởi vì một ngày nào đó, ông cũng chỉ là cát bụi.

Nguồn inspirationalstories.com

Bức tranh

Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng đều khen ngợi.

Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông không mấy khi khen ngợi ai, cũng không bao giờ đề cập đến thời gian của khóa học. Ông nói, một học trò chỉ có thể thành công khi ông hài lòng với kỹ năng và hiểu biết của người đó. Ông truyền cho học trò những phương pháp đánh giá, ước định của ông, và chúng cũng độc đáo như những tác phẩm của ông vậy. Ông không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò.

Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo, nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.

Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:

- Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi.

Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:

- Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó.

Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất.

Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X. Nhưng Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa. Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.

Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói:

- Con đã thành công vào ngày hôm nay. Bởi vì nếu chỉ thành thạo về mỹ thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng con người bao giờ cũng đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều đó cả. Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng. Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm hay nghiêm túc gì cả. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não. Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ hiểu biết - những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh đi là hơn. Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình. Và tất nhiên, cũng đừng bao giờ đánh giá người khác quá dễ dàng.

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Bí quyết của triệu phú: Hãy là một tỷ phú!

42% các triệu phú thế giới không có cảm giác rằng mình giàu cho đến khi họ sở hữu lượng tài sản khoảng 7.5 triệu đôla. Hãy tham khảo bí quyết của họ để khởi động cho lộ trình làm giàu đó.

Trên thương trường, chỉ cần một phút nhẹ dạ cả tin thì dù có cả trăm triệu đô cũng không đủ để mang lại sự ổn định tài chính bền vững cho bạn cũng như gia đình mình. Trên thực tế, một nghiên cứu về các triệu phú trên thế giới của tổ chức Fidelity Investment thực hiện vào năm ngoái đã chỉ ra rằng 42% trong số họ không có cảm giác rằng mình giàu. Và chỉ khi họ sở hữu lượng tài sản có thể đầu tư được với giá trị tương đương tầm 7.5 triệu đôla thì các triệu phú này mới bắt đầu thấy mình giàu có.

Làm giàu không phải là dùng cả đời dành dụm từng xu để tiết kiệm. Làm giàu là biết cách trở thành tỷ phú mà vẫn hưởng thụ được những thành quả trong quá trình thực hiện khát vọng đổi đời ấy. Hãy tham khảo 7 bí quyết của các tỷ phú dưới đây và khởi động cho lộ trình làm giàu không hề dễ dàng trước mắt.

1. Phải quyết tâm trở thành một tỷ phú

Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất: bạn phải quyết tâm đi lên bằng chính sức lực của mình và trở thành một tỷ phú. Tôi luôn nhắc nhở mình: “Tôi bắt đầu bằng hai bàn tay trắng! Tôi không có tiền bạc, chỉ có một cái đầu biết tính toán và sự cần cù lao động. Tôi sẽ tạo ra những giá trị đích thực bền vững trong cuộc đời mình!”. Bước đầu tiên bạn cần làm là đưa ra quyết định và đặt một mục tiêu mà bạn quyết tâm thực hiện được. Mỗi một ngày trong năm, tôi đều viết đi viết lại duy nhất một câu: “Tôi đáng giá nhiều hơn 100 triệu đôla!”

2. Đừng suy nghĩ như một người nghèo

Trên trái đất này, tiền là thứ không hề thiếu, chỉ thiếu người biết suy nghĩ đúng hướng về đồng tiền. Muốn trở thành tỷ phú, đừng suy nghĩ như một người nghèo. Tôi hiểu điều này bởi tôi lớn lên trong một gia đình thiếu bàn tay chăm sóc của cha. Mẹ tôi một mình chật vật cố gắng cho cả ba anh em tôi được đến trường. Mẹ từng dạy tôi rất nhiều bài học mang một nỗi ám ảnh thường trực về sự thiếu thốn và sợ hãi: “Hãy ăn hết đồ ăn của con, nhiều người còn đang chết đói đấy!”, “Đừng lãng phí bất cứ thứ gì”, “Tiền không nhiều như lá ngoài đường đâu con!”. Tuy nhiên, sự giàu có và dư giả sẽ không bao giờ được làm nên từ những lối suy nghĩ kiểu đó.

3. Hãy coi việc làm giàu là một trách nhiệm

Động lực của những tỷ phú đi lên từ chính sức mình không chỉ là tiền bạc mà còn là khao khát được xã hội công nhận những đóng góp của mình. Trên con đường làm giàu, tôi bị chi phối nhiều hơn bởi nhu cầu được đóng góp chính những tiềm năng của bản thân mình một cách thích hợp. Các nhà tỷ phú không bao giờ hạ thấp mục tiêu cá nhân khi gặp trở ngại. Thay vào đó, họ càng kỳ vọng hơn ở chính mình. Gian nan sẽ cho họ thấy họ có thể làm được gì cho gia đình mình, cho công ty cũng như cả cộng đồng.

4. Hãy tiếp cận thế giới của những tỷ phú

Tôi bắt đầu tìm hiểu về những người giàu có từ năm tôi lên mười tuổi. Tôi đọc những mẩu truyện về họ và quan sát xem họ trải qua những gì. Họ chính là những người thầy tạo động lực phấn đấu cho tôi. Bạn sẽ không thể học cách kiếm tiền từ những người không xu dính túi. Bởi ai là người hay nói: “Tiền sẽ không mang lại hạnh phúc cho bạn.”?- những người không có tiền! Ai hay phàn nàn: “Người giàu nào mà chả tham lam.”?- người không giàu! Người giàu không bao giờ nói những lời như thế cả. Bạn hãy quan sát cách họ làm giàu và học hỏi theo họ. Hãy tìm hiểu xem họ đọc sách gì, đầu tư như thế nào, bị chi phối bởi điều gì và duy trì động lực cũng như tinh thần lạc quan bằng cách nào?

5. Làm việc như một tỷ phú

Người giàu xử lý thời gian theo một cách hoàn toàn khác. Nếu người nghèo bán thời gian, thì họ là người mua lại. Người giàu biết thời gian quý giá hơn tiền bạc nên họ thuê người khác làm thay những việc mà họ không giỏi hay không sử dụng thời gian một cách hiệu quả như: nội trợ, việc nhà. Nhưng đừng cho rằng như thế có nghĩa là người giàu không chăm chỉ lao đng! Những con người thành công trên lĩnh vực tài chính thường biết cách tìm đến thành công và làm việc tới chừng mực mà họ cho là đủ.

6. Đầu tư thay vì tiêu sài

Người giàu không chỉ tiêu tiền mà còn biết đầu tư đúng hướng. Họ hiểu rằng nước Mỹ đánh thuế đầu tư thấp hơn thuế chi tiêu. Bạn mua một ngôi nhà và thế là xong. Nhưng người giàu sẽ mua một toà nhà với nhiều căn hộ, chuyển nhượng qua lại từ năm này sang năm khác để tạo ra vòng quay đồng tiền. Bạn mua xe theo phong cách và sở thích của riêng mình. Người giàu mua xe cho công ty mà giá trị của chúng sẽ được khấu trừ và tiếp tục được sử dụng để tạo ra lợi nhuận.

7. Tạo ra nhiều nguồn thu nhập

Những người thực sự giàu không bao giờ trông đợi vào duy nhất một nguồn thu nhập. Họ thu lợi nhuận từ nhiều việc khác nhau. Khi tôi bắt đầu đầu tư vào một công ty nhà đất, công việc kinh doanh mới mang lại thu nhập 7 con số trong nhiều năm. Sau đó tôi tiếp tục đá chân sang một lĩnh vực khác, đó là phát triển phần mềm hỗ trợ các nhà bán lẻ cải thiện kinh nghiệm về khách hàng. Tôi thu được nhiều hơn mức lương 7 con số.

Cuối cùng, bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi nghe thấy điều này: người giàu thường ước muốn sự giàu có đến với người khác nữa. Họ không hiểu tại sao ai đó không thể làm giàu. Họ nghĩ mình cũng chỉ là những người bình thường và sự giàu có luôn giành cho tất cả những ai biết cố gắng và kiên trì. Người giàu muốn bạn cũng giàu có như họ bởi hai lý do: 1- Bạn sẽ có đủ tiền để mua hàng hoá hay sử dụng dịch vụ của họ. 2- Họ cũng muốn kết giao với người giàu.

Trong đời mình, hãy là một tỷ phú!



Link to full article

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Helena Rubinstein: Phù thủy làng mỹ phẩm xây đế chế từ 12 lọ kem dưỡng

Aladin có cây đèn thần, còn Helena có 12 chiếc lọ đựng kem dưỡng da đưa bà bước lên đài vinh quang. 20 năm sau ngày bà qua đời, đế chế mỹ phẩm Helena Rubinstein đã được bán cho hãng L’Oreal.

“Từ một lọ kem dưỡng da mặt duy nhất, bà đã tạo nên một đế chế hùng mạnh với 62 loại kem, 78 loại phấn, 46 mùi nước hoa, 69 loại kem dưỡng thể và 150 các loại son môi, xà phòng thơm, phấn hồng, và phấn mắt.”

Người đàn bà thành đạt...

Trong suốt những năm đầu tiên của thế kỉ 20, make-up (trang điểm) bắt đầu trở thành xu hướng làm đẹp không thể thiếu cho phụ nữ ở Mỹ và các nước châu Âu, do những ảnh hưởng mạnh mẽ từ các ngôi sao giải trí Hollywood, những vở nhạc kịch hoành tráng và các nghệ sĩ múa ba-lê.

Helena Rubinstein, bên cạnh Max Factor và Elizabeth Arden, là một trong những người đi đầu trong sự phát triển của nghệ thuật làm đẹp nói chung và mỹ phẩm nói riêng, được biết đến như bà “phù thủy” của làng mỹ phẩm, giúp cho ngành công nghiệp mỹ phẩm phát triển trên toàn thế giới. Sinh ra tại Ba Lan năm 1871, là người Do Thái, Helena Rubinstein chuyển đến nước Anh sinh sống năm 20 tuổi và bắt đầu việc kinh doanh mỹ phẩm của bà chỉ với một sản phẩm duy nhất: một lọ kem dưỡng da mặt đơn giản.

Với câu nói bất hủ “không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ lười”, Helena Rubinstein nổi tiếng là người làm việc chăm chỉ và đầy hoài bão. Câu chuyện kể rằng, bà dành 18 tiếng hàng ngày cho công việc, thức dậy lúc 4 giờ sáng bất kể mùa đông hay mùa hè, tham gia tất cả các cuộc họp với nhân viên của công ty, đi bộ vài tiếng trong công viên, sau đó đi thăm tất cả các cửa hàng kinh doanh mang tên bà trong thành phố, và chỉ dừng làm việc lúc nửa đêm.

Kể cả khi đế chế mỹ phẩm Helena Rubinstein đã trở nên hùng mạnh, bà vẫn giữ thói quen đi lại giữa các nước để kiểm soát chuỗi cửa hàng của mình. Bà chẳng bao giờ nghĩ đến việc nghỉ ngơi, thậm chí bà vẫn đến văn phòng làm việc, chỉ hai ngày trước khi bà qua đời. Có lẽ vì thế mà những năm đầu thế kỉ, khi phụ nữ hầu như chưa có cơ hội để phát triển sự nghiệp, thì Helena đã tạo dựng được cho mình một cơ ngơi khổng lồ trải dài từ Melbourne đến London, từ Paris cho đến New York, chỉ với việc kinh doanh mỹ phẩm. Malcom Gladwell, trong một bài viết về Helena Rubinstein cho tờ The New Yorker thống kê: “Từ một lọ kem dưỡng da mặt duy nhất, bà đã tạo nên một đế chế hùng mạnh với 62 loại kem, 78 loại phấn, 46 mùi nước hoa, 69 loại kem dưỡng thể và 150 các loại son môi, xà phòng thơm, phấn hồng, và phấn mắt.”

Kem dưỡng da có lẽ là sản phẩm nổi tiếng nhất, cũng là sản phẩm đầu tiên tạo nên thương hiệu Helena Rubinstein. Dựa trên thực tế của việc phụ nữ Úc thường có làn da bị cháy nắng, ửng đỏ và thô ráp, bà đã cho sản xuất một loại kem bôi mặt, bán chủ yếu trong salon đầu tiên của bà tại Melbourne vào năm 1902, với tên gọi rất Pháp “Crème Valaze”. Ít ai biết rằng, tên gọi của sản phẩm kem bôi mặt đầu tiên mà Helena Rubinstein sản xuất là sự tri ân của bà đối với những phụ nữ Pháp, bởi theo bà, họ trân trọng việc làm đẹp hơn phụ nữ Úc gấp nhiều lần. Crème Valaze được tạo nên từ sự kết hợp của mỡ lông cừu (lanolin) và rất nhiều loại thảo mộc chỉ mọc trên dãy Carpathian, vùng Đông Âu, có tác dụng chống lão hóa. Crème Valaze mang đến cho Helena Rubinstein rất nhiều lợi nhuận, mở đường cho những thành công sau này.

Đến London, Helena Rubinstein biết rằng để chinh phục những người Anh sành điệu, bà cần một địa điểm đẹp để mở salon và trang trí nó một cách xa xỉ. từ đó, “Maison de Beaute Velaze” ra đời! tên tuổi của helena càng ngày càng nổi tiếng, đặc biệt khi bà là người đầu tiên đưa sắc tố vào phấn nền và phấn phủ khi nhận ra sự khác biệt của mỗi loại da. Bà cũng là người tiên phong trong việc sử dụng tơ tự nhiên trong mỹ phẩm.

Có lẽ sẽ không ngoa khi cho rằng Helena Rubinstein là một trong những người phụ nữ kinh doanh thành đạt nhất thế kỉ 20, khi bà mở rộng thị trường mỹ phẩm của mình tới cả Paris và New York. Không ai quên câu nói bất hủ của Helena khi bà đặt chân lên nước Mỹ: “Phụ nữ Mỹ có những cái mũi tím tím, những đôi môi thâm sì và da mặt thì trắng xóa như phấn viết bảng vì mỹ phẩm rẻ tiền. Tôi nghĩ nước Mỹ chính là nơi tôi sẽ làm nên sự nghiệp.” Không lâu sau đó, bà nổi tiếng trên toàn nước Mỹ, cạnh tranh khốc liệt với Elizabeth Aden, để trở thành nữ hoàng mỹ phẩm. Cuộc chiến giữa Helena Rubinstein và Elizabeth Aden trở thành câu chuyện thú vị và nổi tiếng, tưởng chừng không bao giờ kết thúc cho mãi đến khi cả hai qua đời. Chỉ cách nhau 1 năm. Và cùng là một trong những người phụ nữ giàu nhất thế giới!

Có lẽ, người có công lớn nhất trong việc mở rộng ngành công nghiệp mỹ phẩm, từ châu Âu, đến Mỹ và trên toàn thế giới chính là Helena Rubinstein.

Thử thách lớn nhất trong suốt cuộc đời bà là cuộc chiến chống lại thời gian để duy trì và bảo vệ sắc đẹp, là sự sáng tạo không ngừng nghỉ để hoàn thiện những sản phẩm làm đẹp. Lịch sử ghi nhận rằng, Helena Rubinstein nổi tiếng không chỉ bởi bà đã tạo ra vô số sản phẩm làm đẹp mà còn là người đầu tiên nhận thức được sự đa dạng của các loại da và không thể dùng chung một loại mỹ phẩm cho tất cả mọi người (1910).

Bà là người đầu tiên tạo ra sản phẩm mascara không trôi vào năm 1939. Mascara lúc đầu tồn tại dưới hình dạng như một chiếc bánh. Phụ nữ phải dùng một chiếc bàn chải, làm ướt, quét lên “chiếc bánh mascara” và sau đó phủ lên lớp lông mi của họ. Cho đến năm 1957, khi Helena Rubinstein giới thiệu một hình thức sử dụng mascara mới. Giống như một cuộc cách mạng về sản phẩm, những chiếc mascara đầu tiên của Helena có hình dáng giống với những chiếc mascara thông thường ngày nay, dạng ống và bên trong có chổi quét. Phát minh này khiến cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới vui mừng, làm cho quá trình chải mascara thuận tiện, dễ dàng và lông mi đẹp hơn. Helena Rubinstein cũng là người đầu tiên giới thiệu son môi dạng thỏi.

Có tiền và quyền lực, nhưng cuộc đời bà vẫn là một bản nhạc nhiều thăng trầm, như bất cứ người đàn bà nào khác.

Bà gặp và yêu nhà báo người Mỹ Edward William Titus - điều mà bà chưa bao giờ nghĩ tới, bởi quá bận rộn với lịch làm việc đặc kín của mình. Khi Edward ngỏ lời cầu hôn, bà nói rằng bà yêu ông, nhưng trước hết bà muốn... mở một salon ở London. Edward lại kiên trì tới tận London để cầu hôn lần thứ hai, và lần này thì bà đồng ý.

Lễ cưới riêng tư được tổ chức vào năm 1908, lúc này bà 38 tuổi. Sau này, Titus vẫn làm công việc viết báo, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các lời khuyên, cũng như tham gia vào các chiến dịch truyền thông cho Helena.

Dĩ nhiên, bà cưới Edward vì yêu và muốn gắn bó với ông, nhưng có lẽ phải tới khi mang thai đứa con đầu tiên, bà mới nhận ra rằng cuộc sống riêng, xét cho cùng, mới là điều quan trọng nhất. Bà xây dựng cho mình một nơi gọi là “ngôi nhà thực sự với một khu vườn”, và trải qua những năm tháng mật ngọt của tình yêu. Tiếc rằng quãng thời gian ngọt ngào này không kéo dài. Bà sinh hai con trai năm 1909 và 1912, và tới khi cậu con trai thứ 2 được 2 tuổi, bà trở lại với công việc.

Giai đoạn này lại đánh dấu những bước tiến mới, khi Helena nhận ra rằng phụ nữ Paris rất hứng thú với các phát minh về trang điểm của bà. Khi thế chiến I trở nên cam go, bà cùng gia đình chuyển sang sinh sống ở Mỹ, và đó tất nhiên cũng là một lý do để Helena Rubinstein mở rộng thêm tầm ảnh hưởng của mình.

Helena nhanh chóng lấy lại đam mê, có lẽ là chưa bao giờ nguội tắt, với công việc. Bà gửi hai đứa con vào trường nội trú, dù chồng ra sức phản đối, rồi lao vào làm việc ngày đêm như vẫn thường thấy. Tới một ngày, Edward tìm gặp Helena chỉ để nói một điều ngắn gọn: Ông đã yêu một người phụ nữ trẻ hơn. Helena, choáng váng với sự thật, lập tức bán đi một phần doanh nghiệp đang thời kỳ lớn mạnh cho anh em nhà Lehman, để dành thời gian chiếm lại tình cảm của Edward. Bà muốn ông thấy với bà gia đình vẫn là quan trọng nhất. Nhưng tất cả đã quá muộn!

Cùng lúc đó, sau rất nhiều xáo trộn thị trường, Helena đã giành lại quyền kiểm soát doanh nghiệp của mình từ tay anh em nhà Lehman, chỉ bằng một phần nhỏ so với cái giá mà ngày trước anh em họ đã phải trả cho bà. Nhưng không biết, cái giá nào mới gọi là đắt.

Helena trong thời gian này liên tiếp mất đi cha và mẹ mình, và đau đớn là bà đều không kịp nhìn mặt họ lần cuối. Để vượt qua khủng hoảng tâm lý, nghe theo lời khuyên của một người bạn, bà dành cho mình một kỳ nghỉ dài tới Thụy Sĩ, tham gia một khóa trị liệu giảm cân với tiến sĩ Bircher-Benner. Bà trở lại Mỹ, nhẹ hơn 10 pound (4,5kg), và tràn đầy năng lượng. Bà mở ra các “ngày của sắc đẹp” trong các salon của mình, và nó nhanh chóng trở thành trào lưu trên khắp thế giới.

Năm 1935, tại một bữa tiệc tổ chức ở nhà riêng của con gái Jeanne Lanvin (người đàn bà quyền lực khác đã được Câu Chuyện Làm Đẹp nhắc tới trong số trước), bà gặp một người đàn ông Gruzia tên là Artchil Gourielli-Tchkonia, và kết hôn 3 năm sau đó. Lúc này, bà đã hơn 60 tuổi.

Trong suốt những năm thế chiến 2, gia đình bà thường sống ở New York vào mùa đông và ở châu Âu vào mùa hè. Nhiều người cho rằng trong thời kỳ khó khăn, giữa những chết chóc và đói khát, sẽ chẳng ai còn nghĩ tới việc làm đẹp, và nền công nghiệp làm đẹp cũng như sản nghiệp của bà chẳng mấy chốc sẽ đi tong. Nhưng bà lại cho rằng, càng trong những hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, phụ nữ càng cần tìm thấy niềm vui và niềm an ủi ở những điều rất-đàn-bà như mỹ phẩm. Bà kể, chính tổng thống Franklin Roosevelt đã có lần nói với bà: “Nhiệm vụ của bà là giúp giữ nhuệ khí cho những người phụ nữ của chúng ta. Và bà đã làm điều đó một cách xuất sắc.” Cuộc hôn nhân thứ 2 của bà diễn ra êm đềm tới năm 1956, khi ông Gourielli Tchkonia qua đời.

Trong những năm cô đơn sau này, bà tìm thấy niềm vui ở nghệ thuật. Bà có một bộ sưu tập đồ sộ những tác phẩm nghệ thuật bao gồm tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ nổi tiếng từ châu Phi, châu Á, châu Đại Dương và nhiều món đồ cổ của người Ai Cập cổ đại. Người ta còn ví von bà mua nghệ thuật bằng những chuyến xe tải. Người ta cũng nói rằng bà sở hữu “những tác phẩm không quan trọng của tất cả những tác giả quan trọng nhất của thế kỷ 19 và 20”. Chỉ trong một căn phòng nhỏ của căn hộ ở Park Avenue, có thể bắt gặp 7 bức tranh của Renoir treo phía trên lò sưởi.

Bộ sưu tập trang sức huyền thoại của bà được cất trong một chiếc tủ riêng, phân loại theo bảng chữ cái. “A” là thạch anh tím (Amethyst), “B” là ngọc bích (Beryl), “D” là kim cương (Diamond). Brandon, tác giả cuốn sách “Ugly Beauty” đã viết: “Căn phòng của Rubinstein ở New York, cũng giống như bất cứ thứ gì khác của bà, trông chẳng có gu nhưng mang đầy cảm giác hưởng thụ. Nó chưng ra một cái thảm xanh được thiết kế bởi Miró, một chiếc ghế bành kiểu Victoria được bọc vải màu tím và đỏ tươi, một cái bàn khảm sứ Trung Hoa, cái đèn bằng vàng ròng của Thổ Nhĩ Kỳ, những bức tượng điêu khắc kiểu các vùng đảo Phương Đông kích thước như thật, 6 cái lộc bình xanh, mặt nạ châu Phi treo xung quanh lò sưởi, và tranh vẽ treo không chừa một chỗ trống nào trên tường.”

Bà cũng tìm thấy một niềm vui khác, đó là... chàng trai kém bà tới nửa thế kỷ. Bà đưa anh ta đi cùng tới mọi nơi, kể cả tới bữa ăn riêng với thủ tướng Israel David Bengurion. Ông hỏi bà: “gã ngoại đạo của bà là ai vậy?” (nguyên văn: “Who’s your goy?”. “goy” là từ mà người Do Thái dùng để chỉ những kẻ ngoại đạo, đồng thời phát âm gần giống từ “guy”). Bà trả lời: “Cậu ấy là Patrick! Và... và, ừ, là gã ngoại đạo của tôi”.

Có một vài điều đặc biệt về Helena Rubinstein là bà chỉ cao 1m47, và bà thường phục sức với vẻ rất “kịch tính”. Khi nói chuyện, bà thường kết hợp một cách kì quặc giữa tiếng Ba Lan, tiếng Đức cổ của người Do Thái vùng Đông Âu (Yiddish), tiếng Pháp và tiếng Anh. Helena Rubinstein bắt mọi người phải dùng “Madame” khi gọi tên bà. Mặc dù rất giàu có, nhưng bà mang đồ ăn trưa đến văn phòng hàng ngày để tiết kiệm tiền. 20 năm sau ngày bà qua đời, đế chế mỹ phẩm Helena Rubinstein đã được bán cho một hãng mỹ phẩm Pháp, L’Oreal.



Link to full article

Vay VND hay USD?

Kể cả khi lãi suất cho vay giảm được như tính toán của Thống đốc NHNN, chênh lệch lãi suất vay giữa VND và USD vẫn khá lớn.

VND sẽ trở nên "có giá"?



Tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng đã được giữ nguyên ở mức 20.828 VND/USD kể từ ngày 26/12/2011. Tỷ giá mua - bán USD của các ngân hàng thương mại (NHTM) và thị trường tự do có xu hướng giảm, có thời điểm giá bán USD trên thị trường tự do thấp hơn giá bán USD tại các NHTM từ 20 - 50 đồng/USD. Tỷ giá ổn định, nguồn cung USD dồi dào, NHNN tăng mua vào, khiến quỹ dự trữ ngoại hối đã tăng 30% so với cuối năm 2011.

HSBC cũng vừa đưa ra nhận định, VND sẽ hấp dẫn hơn, nhưng với điều kiện cán cân thương mại được cải thiện và lãi suất thực dương có thể bền vững hơn. HSBC dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ổn định ở mức 21.500 đồng/USD trong trung hạn.

Nếu VND thực sự trở nên hấp dẫn hơn, huy động vốn bằng VND tăng, sẽ cải thiện đáng kể tình trạng khó khăn về thanh khoản của các NHTM hiện nay. Song trước mắt, theo thống kê của NHNN, tháng 2/2011, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 1,66% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VND tăng 2,24%, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 0,81%.

NHNN cho rằng, việc giảm lượng ngoại tệ tiền gửi trong NHTM cho thấy USD bị giảm sức hấp dẫn, nhưng đó chỉ là một khía cạnh. Vấn đề là cùng với huy động giảm thì tín dụng USD cũng giảm đến 1,27% (tính đến 8/3).

Điều đó cho thấy, sản xuất kinh doanh đang đình đốn do không chỉ chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới mà còn do doanh nghiệp không thể chịu được mức giá vốn lên đến 22-25%/năm như hiện nay. Tiền đang nằm chết trong két sắt của các ngân hàng.

Đây chính là lý do không cần chờ đến khi NHNN yêu cầu hạ trần lãi suất huy động về 13%/năm các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ trước đó cả tuần. Thị trường đã chia thành những nhóm ngân hàng rõ rệt hơn trước. Ngân hàng nào dư dả về nguồn cung vốn huy động thì giảm lãi suất huy động sớm nhất, trái lại ngân hàng nào còn khó khăn về thanh khoản thì không giảm mà còn tăng.

Thế nhưng trong biểu lãi suất huy động VND vẫn tồn tại điều bất hợp lý là kỳ hạn gửi càng dài, lãi suất càng thấp. Điều đó cho thấy bản thân các NHTM cũng dự tính về dài hạn lãi suất sẽ tiếp tục hạ.

Nhưng trước mắt, họ không thể giảm nhiều lãi suất huy động, một mặt nhằm duy trì được mức tăng trưởng huy động vốn, mặt khác nếu đầu vào giảm, dư luận sẽ có sức ép buộc ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay.

Nhưng, tiền không phải cứ vào ngân hàng rồi chảy sang người vay. Vì thế, trong ngân hàng hiện vẫn còn lượng vốn không nhỏ với lãi suất huy động cao, khiến lãi suất cho vay chưa thể giảm theo đà của lãi suất huy động.

Theo trù tính của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm còn 14,5% - 16,5%. Nhưng đó là lãi suất cho vay các đối tượng được ưu tiên. Còn trên thực tế, số lượng doanh nghiệp được vay ở mức lãi suất thấp không nhiều. Bằng chứng rõ ràng nhất là tăng trưởng tín dụng hai tháng qua là âm.

Trong khi các NHTM tuyên bố lãi suất cho vay thấp nhất đối với những lĩnh vực được ưu tiên hiện nay là 13,5%/năm, nhưng lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh khác khoảng 18-20%/năm, còn lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất lên tới 25%/năm - một khoảng cách quá lớn.

Lãi suất thôi chưa đủ!

Nếu so với lãi suất vay bằng USD hiện là 9%/năm, thì chênh lệch giữa lãi suất VND và ngoại tệ rất hấp dẫn. Thống đốc NHNN cũng đưa ra thông tin, từ nay đến cuối năm, nếu NHNN có điều chỉnh tỷ giá thì mức điều chỉnh không quá 3%.

Như vậy, dù có cộng thêm mức điều chỉnh tỷ giá này thì lãi suất vay bằng ngoại tệ có thể lên đến 12%/năm, vẫn thấp hơn mức lãi suất VND là 16,5%/năm mà Thống đốc Bình dự báo.

Hiện, theo Thông tư 07/2011/TT-NHNN, những khách hàng vay ngắn hạn có đủ ngoại tệ để trả nợ từ nguồn thu xuất khẩu và vay ngoại tệ để sử dụng trong nước sẽ được vay ngoại tệ với điều kiện bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot).

Nhưng từ ngày 2/5/2012, theo Thông tư 03/2012/TT-NHNN, những đối tượng khách hàng này không được vay vốn bằng ngoại tệ nữa. Như vậy, chủ trương của NHNN là thu hẹp đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, nhằm giảm cầu ngoại tệ, giảm sức ép lên tỷ giá.

Chênh lệch lớn giữa lãi suất cho vay bằng VND và USD đã diễn ra trong một thời gian dài, khiến tín dụng bằng ngoại tệ có thời điểm có tốc độ tăng gấp đôi VND. Đã có rất nhiều kiểu vay "sáng tạo" bị phát hiện. Do đó, tới đây NHNN sẽ siết chặt quản lý, tăng cường thanh tra kiểm soát đối với tín dụng ngoại tệ.

Và như Thông tư 03 quy định: đối với các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh hàng hóa thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, hiệu quả mà tổ chức tín dụng đã thẩm định… phải do NHNN quyết định.

Như vậy, việc vay vốn bằng ngoại tệ sẽ khó khăn hơn trước nhiều. Bên cạnh đó, xu hướng giảm lãi suất cho vay bằng VND ngày càng rõ nét hơn. Và dù trước mắt vay ngoại tệ lãi suất thấp cùng với sự ổn định của tỷ giá có thể tạo cho doanh nghiệp những lợi ích nhất định.

Song, kinh nghiệm cho thấy, phải luôn đề phòng rủi ro tỷ giá. Nhất là vay ngoại tệ thường chỉ ngắn hạn, lại phải vay theo hình thức spot. Việc cầu ngoại tệ tăng đột biến sau 3-6 tháng là rất dễ xảy ra khi cùng lúc nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ.

Về dài hạn, đồng tiền chung châu Âu chưa thoát khỏi bờ vực tan rã, nên vẫn còn cơ sở để USD lấy lại vị thế của mình. Mặt khác, Chính phủ nỗ lực kiềm chế lạm phát, nâng cao vị thế cho VND.

Thế nhưng, 50% yếu tố tác động đến lạm phát lại thuộc về giá nhập khẩu những mặt hàng mà chúng ta không thể kiểm soát giá như xăng dầu; phần lớn nguyên, phụ liệu cũng như thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất trong nước.

Vì thế, cũng cần cảnh giác với việc lạm phát cao sẽ quay trở lại. Như vậy doanh nghiệp phải tính toán việc vay vốn bằng VND hay USD dựa trên nhiều yếu tố (thời hạn, mục đích vay, nguồn trả nợ…) chứ không chỉ nhìn vào chênh lệch lãi suất cho vay giữa hai loại tiền như trước đây.

Kienthuckinhte.com



Link to full article

Tham chiếu thông tin ứng viên

Trong quy trình tuyển dụng của hầu hết các công ty, tham chiếu thông tin (reference check) là một trong những phần rất quan trọng, thậm chí là bắt buộc. Vậy tham chiếu thông tin là gì? Trước khi đưa ra một lời mời làm việc, các nhà tuyển dụng, thông thường, sẽ thực hiện việc xác minh thông tin của ứng viên.


Có những trường hợp, các nhà tuyển dụng trước kia không đồng ý cung cấp thông tin của nhân viên cũ ngoại trừ những thông tin như ngày bắt đầu làm việc, ngày kết thúc và tiền lương.

Tuy nhiên, trên thực tế, họ có thể sẵn sàng chia sẻ nhiều thông tin hơn về hiệu suất làm việc, đạo đức nghề nghiệp, thái độ làm việc và các yếu tố khác của bạn.

Kết quả từ việc tham chiếu này sẽ ảnh hưởng đến quyết định liệu một ứng viên có được nhà tuyển dụng chọn hay không. Lưu ý sau đây sẽ giúp ứng viên chuẩn bị tốt cho quá trình tham chiếu:

Lựa chọn người cho ý kiến tham chiếu

Thông thường, các nhà tuyển dụng sẽ tiến hành tham chiếu thông tin trên ít nhất là 2 người mà bạn cung cấp.

Vì vậy, để chắc rằng bạn không bỏ qua những cơ hội nghề nghiệp tốt nhất, hãy chuẩn bị sẵn sàng nếu bạn được yêu cầu cung cấp danh sách những người có thể cho ý kiến tham chiếu.

Điều quan trọng là phải xác định ai sẽ là người cho ý kiến tham chiếu về bạn, để chọn đúng người và để có được sự cho phép của họ. Bạn cần những người có thể xác minh rằng bạn đã từng làm việc tại công ty cũ, chức vụ của bạn, lý do bạn rời khỏi, và các chi tiết khác.

Ngoài nhà tuyển dụng cũ thì các đối tác, các khách hàng, các nhà cung cấp hay thậm chí là giáo viên cũ của bạn đều có thể là những người xác minh thông tin tuyệt vời.

Xin thư giới thiệu khi nghỉ việc

Khi rời khỏi một vị trí, bạn nên yêu cầu một lá thư giới thiệu từ người quản lý. Bởi vì, khi thời gian trôi qua, họ có thể đã thuyên chuyển công việc và bạn có thể mất liên lạc với họ.

Do đó, với thư giới thiệu trong tay, bạn có thể cung cấp chúng cho những nhà tuyển dụng mà bạn muốn ứng tuyển trong tương lai.

Kết nối

Để tránh trường hợp người cho ý kiến tham chiếu vì quá bận rôn mà trì hoãn hoặc không trả lời nhà tuyển dụng của bạn, bạn hãy chủ động liên lạc và kết nối tạo điều kiện cho thông tin liên lạc được kịp thời giữa hai bên.

Bạn nên bắt đầu bằng cách cung cấp email, số điện thoại liên lạc của người cho ý kiến tham chiếu cho nhà tuyển dụng. Ngoài ra, nên liên lạc trước với họ để biết lịch trình làm việc của họ và thời điểm nào là thời điểm thuận lợi để họ có thể trò chuyện với nhà tuyển dụng của bạn.

Sau đó, hãy cho nhà tuyển dụng của bạn biết những thông tin này.

Luôn nói sự thật

Đừng nên phóng đại hay thổi phồng những thành tích mà bạn đã đạt được. Nguy cơ bị phát hiện là rất cao. Bạn sẽ bị mất điểm và điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cá nhân cũng như sự nghiệp lâu dài của bạn.

Chọn lọc trong việc chia sẻ thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội

Ngày nay, những nhà tuyển dụng có nhiều cách để kiểm tra thông tin bạn. Với một cú click chuột, họ có thể tìm kiếm thông tin về bạn trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkedIn,...

Có trường hợp nhà tuyển dụng đã từ chối ứng viên vì dựa trên những thông tin họ tìm thấy trên Facebook. Chính vì thế, cần chọn lọc thận trọng những thông tin mà bạn muốn chia sẻ.

Tại một số nước phát triển, các nhà tuyển dụng phải tham chiếu rất nhiều thông tin trước khi tuyển dụng một vị trí, đặc biệt là các vị trí quản lý cấp cao, chẳng hạn như kiểm tra lý lịch tư pháp, kiểm tra tín dụng...

Các công ty có thể thuê một cơ quan kiểm tra lý lịch chuyên nghiệp để thực hiện việc kiểm tra thông tin ứng viên. Tại thị trường lao động Việt Nam, các nhà tuyển dụng đang bắt đầu sử dụng những hình thức tham chiếu này trong quá trình tuyển dụng.

NGUYỄN THỊ VÂN ANH – Giám đốc Điều hành - Công ty Tư vấn và Tuyển dụng Nhân sự cấp cao Navigos Search


NGUYỄN THỊ VÂN ANH – Giám đốc Điều hành - Công ty Tư vấn và Tuyển dụng Nhân sự cấp cao Navigos Search

Link to full article

10 cách tăng lợi nhuận cho công ty

Hãy điểm qua 10 cách có thể giúp doanh nghiệp của bạn ngày càng phát triển và sinh lợi nhuận.
Khi bắt đầu thành lập một doanh nghiệp, có lẽ tiền công, trang thiết bị và nguồn cung cấp vật tư luôn là những vấn đề làm bạn đau đầu. Không chỉ có vậy, mỗi ngày, bạn sẽ phải dành một lượng lớn tiền bạc và thời gian điều hành doanh nghiệp. Liệu có phương án nào nhàn hạ hơn mà vẫn hái ra tiền?
Hãy điểm qua 10 cách có thể giúp doanh nghiệp của bạn ngày càng phát triển và sinh lợi nhuận.

1. Quảng cáo


Trước khi mở hiệu bánh cao cấp  Cinnaholic, Shannon Radke đã mở một blog trên đó liên tục đăng tuyển những thông tin như tìm địa điểm, các thử thách cho phép và những người chủ nhà khó tính. Chỉ trong vòng hai tháng, lượt truy cập trung bình của blog ngộ nghĩnh này đã đạt tới con số 15.000 lượt/ tháng.
Hai vợ chồng Shannon và Florian Radke
Địa chỉ và giao diện blog tràn ngập trên các trang web phổ biến trong khu vực như SF Weekly và East Bay Express. Cặp đôi này cũng đầu tư khoảng 3,000 đô la cho một trang web và giành 150 đô la mỗi tháng cho các mục quảng cáo trên Facebook. Khi cửa hiệu mở cửa vào tháng Sáu vừa rồi, rất đông khách hàng ‘xếp thành hàng dài” chờ thưởng thức bánh, - Florian Radke người đồng sáng lập, chồng của Shannon Radke cho hay.
2. Nghiên cứu khách hàng
Brett Brohl đã giành khoảng một tháng và 300 đô la thăm dò ý kiến của các chuyên gia y tế để thu hút sự quan tâm của họ tới cửa hàng bán lẻ đồng phục y tế trực tuyến với trang web Scrubadoo.com (thuộc thành phố Minneapolis - tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ). Thông qua dịch vụ khảo sát trực tuyến trên SurveyMonkey, anh lọc ra những thương hiệu được người tiêu dùng yêu thích, đạt doanh thu bán hàng lớn và được các phương tiện truyền thông để ý. Nghiên cứu này đã giúp anh “mở mang tầm mắt” về nâng cao thương hiệu của công ty và xác định đối tượng khách hàng mục tiêu của mình. Nhờ vậy, anh có thể đưa ra những quyết định chuẩn xác hơn về đưa ra tỷ lệ tồn kho cho các mặt hàng.
Trước khi thành lập công ty, Brett Brohl (chủ nhân của trang web Scrubadoo.com) đã sử dụng SurveyMonkey để biết đích xác rằng khách hàng mục tiêu của ông sẽ mua những gì.
3. Tự động hóa

Brett Brohl
Khi mới thành lập trang web của mình, Brohl luôn phải nhập tất cả các giao dịch bằng tay. Nhưng việc nhập tay sẽ trở thành cực hình cả về thời gian và công sức với hàng chục nghìn giao dịch. Trong khi đó, anh đã tìm ra một giải pháp mới: Đầu tư 1.500 đô la cho một phần mềm giúp tự động nhập các lệnh đặt hàng và thanh toán trong khoảng thời gian từ ba đến bốn tháng. Nhờ vậy, anh đã có được những kỳ nghỉ thư giãn. Tự động hoá các tính năng và thủ tục đối với các nhiệm vụ giống nhau cho phép bạn rảnh rỗi hơn rất nhiều.

4. Chuyên môn hoá
“Đôi khi, bạn không nhất thiết phải làm một việc gì đó mà có thể nhờ một người có chuyên môn hơn giúp đỡ”, Jennifer Crews, người sáng lập ra công ty tư vấn kinh doanh Pearl Advisory Partners cho hay. Cũng theo bà, khi chọn lựa phương án này, bạn sẽ có nhiều thời gian để làm những việc khác hữu ích hơn, từ đó giúp mọi người tiết kiệm nhiều tiền bạc hơn.

5. Lựa chọn kế toán tốt hơn
“Cân đối sổ sách là công việc không hề đơn giản. Thuê một kế toán tự do hay thậm chí chỉ cần đầu tư vào phần mềm kế toán với chi phí trong khoảng 39,95 đến 1.000 đô la sẽ mang đến cho bạn lợi từ thế từ những khoản chiết khấu do thanh toán sớm, tránh mất phí do thanh toán muộn và các khoản lệ phí tài chính khác”, Crews chia sẻ. Bạn cũng nên lưu ý đến việc cố gắng giữ cho lịch sử tín dụng của mình luôn trong sạch. Được vậy, bạn sẽ có cơ hội đạt được mức lãi suất thấp hơn và những điều khoản thuận lợi hơn khi đàm phán với nhà cung cấp.

6. Đào tạo

Sean Clemmons

Crew từng cho rằng: “Đối với những hoạt động cần tiến hành theo nhóm, đào tạo là việc làm cần thiết”. Sean Clemmons – giám đốc công ty tư vấn kinh doanh thông minh, Piraeus Data ở Seattle (Washington, Hoa Kỳ) cũng đồng tình với quan điểm này. Ông mở ra các lớp đào tạo nội bộ, dành nhiều thời gian hơn cho nhân viên và mở ra các buổi họp tiếp nhận thông tin phản hồi hàng ngày, và dĩ nhiên, năng suất lao động của nhân viên tăng hẳn lên. Theo ước tính của ông, thời gian để một nhân viên mới trở thành nhà quản lý đã giảm từ hơn một năm xuống chỉ còn hai hoặc ba tháng. Và chi phí cho việc đào tạo vào khoảng 1.000 đô la/nhân viên/một tuần.

7. Công nghệ
Khi Radke thiết kế tiệm bánh của mình, anh muốn mang đến sự khác biệt và độc đáo cho doanh nghiệp của mình. Vì vậy, thay vì việc mua một hệ thống máy tính hoặc hệ thống thanh toán tiền mặt (với tổng chi phí khoảng trên 3.000 đô la), anh đã lựa chọn một chiếc iPad giá 600 đô la, được cài đặt ứng dụng Square miễn phí và một đầu đọc giúp biến Ipad, IPhone, và các thiết bị Android thành hệ thống thanh toán qua thẻ tín dụng mà không cần hợp đồng hoặc tài khoản thanh toán kèm theo.
Mặc dù tiền mặt được thanh toán miễn phí thông qua các ứng dụng Square, phí giao dịch đối với thẻ tín dụng vẫn dao động trong khoảng từ 2,75% đến 3,5% cộng 15 xu vẫn còn áp dụng. "Vì thế, ngoài việc tiết kiệm hàng trăm đô la, hình thức thanh toán độc đáo này còn giúp thương hiệu của chúng tôi trở nên nổi tiếng hơn", anh nói.

8. Dữ liệu bán hàng
Ngay cả Clemmons và người đồng sáng lập Ethan Chin đã điều hành Piraeus Data trong nhiều năm, họ vẫn thừa nhận rằng mình không hiểu rõ về khách hàng cũng như và thói quen mua sắm của họ. Để khắc phục vấn đề này, họ sử dụng một công cụ quản lý mối quan hệ của khách hàng trên trang web Salesforce.com.
Chỉ với mức phí khoảng 4.000 đô la một năm, nhân viên kinh doanh của Piraeus có thể cập nhật dữ liệu khách hàng toàn diện hơn và chính xác hơn. Clemmons cho biết tần suất liên hệ với khách hàng và triển vọng đã giảm từ trên một năm xuống dưới 90 ngày, giúp tăng gấp đôi các cuộc hẹn với khách hàng. Ngay cả trong năm 2010, khi mà hầu hết các công ty tư vấn đều gặp khó khăn, doanh thu của công ty vẫn tăng 5%.

9. Kiềm chế tình trạng "vượt phạm vi”
Hai mươi phần trăm các dự án tư vấn của Piraeus đã chịu hậu quả từ việc "vượt phạm vi" - một thuật ngữ dùng để mô tả các dự án tiến triển vượt ra ngoài dự tính ban đầu. Mặc dù đã trở thành các vấn đề phổ biến đối với nhà tư vấn, vượt phạm vi vẫn là một thách thức cho nhiều công ty khi họ luôn nỗ lực để làm hài lòng khách hàng. Clemmons và nhóm của ông đã dành khoảng 160 giờ phân tích và đánh giá cách thức họ quản lý dự án và tìm cách để ngăn chặn tình trạng vượt phạm vi. Hoạt động này đã giúp tiết kiệm gần 200.000 đô la tiền làm việc bù cho công ty.

10. Nhà cung cấp chất lượng
Một nhà cung cấp lý tưởng sẽ không chỉ giữ chân khách hàng bằng cách đưa ra mức giá hợp lý và cam kết thời gian giao hàng đúng hạn, bạn còn có thể tận dụng những dịch vụ và sản phẩm khác của họ. Radke cho biết với các thành phần hảo hạng mà nhà cung cấp mang lại cho anh, một chiếc bánh quế cuộn của anh sẽ có giá từ 5 đến 6 đô la, trong khi các đối thủ cạnh tranh của anh lại đưa ra mức giá khoảng 3,5 đô la.

Kienthuckinhte.com


Link to full article

10 Bí quyết của những nhà lãnh đạo thành công

Thực tế cho thấy những kỹ năng và nghệ thuật cần thiết để lãnh đạo tổ chức của bạn đi theo đúng hướng có thể chỉ rất đơn giản, và bất kỳ ai cũng có thể học hỏi, phát triển nếu có quyết tâm

Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt đã từng nói: “Một nhà lãnh đạo tốt là người biết truyền cảm hứng cho những người khác để họ có niềm tin vào nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo xuất sắc là người biết truyền cảm hứng cho những người khác để họ có niềm tin vào chính bản thân họ”. Thế nhưng để trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc không phải là điều dễ dàng. Làm thế nào để dẫn dắt thành công tổ chức của mình vượt qua được những thăng trầm trong giai đoạn đầu khởi nghiệp là một trong những thách thức lớn nhất mà một người chủ doanh nghiệp có thể phải đối mặt.

Theo John C. Maxwell - chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực lãnh đạo, tác giả của cuốn “21 Quy tắc Lãnh đạo không thể bác bỏ” (Nhà xuất bản Thomas Nelson ấn hành năm 1998) và “Phát triển Nhà lãnh đạo trong chính bạn” (Nhà xuất bản Thomas Nelson ấn hành năm 1993), lãnh đạo là một trong những lĩnh vực quan trọng then chốt mà rất nhiều doanh nhân thường không chú ý tới.


Maxwell nói: “Bạn làm việc cực nhọc để phát triển sản phẩm và dịch vụ của công ty bạn. Bạn nỗ lực hết mình để giải quyết những vấn đề về tài chính cho công ty bạn. Bạn làm mọi việc để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty bạn tới thị trường. Nhưng bạn lại không chú tâm thích đáng đến việc làm thế nào để lãnh đạo nhân viên của bạn và tìm kiếm được những nhân viên giỏi nhất”.

Thực tế cho thấy những kỹ năng và nghệ thuật cần thiết để lãnh đạo tổ chức của bạn đi theo đúng hướng có thể chỉ rất đơn giản, và bất kỳ ai cũng có thể học hỏi, phát triển nếu có quyết tâm. Dưới đây là 10 bí quyết giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo thành công.

1. Hãy tạo dựng một đội ngũ cán bộ tận tụy

Nhân viên của bạn phải tận tụy với bạn và với công ty. Những doanh nhân thành đạt không chỉ giỏi về giao tiếp xã hội và kinh doanh, mà còn có bí quyết để thuê tuyển nhân viên một cách hiệu quả. Theo Harvey Mackay, bậc thầy giảng dạy về nghệ thuật lãnh đạo, tác giả của cuốn “Bơi cùng cá mập mà không bị ăn tươi nuốt sống” (Ivy Books, 1995): “Chỉ đơn thuần là một ý tưởng kinh doanh lớn thì không đủ. Bạn phải có khả năng nhận diện, thu hút và giữ chân nhân tài-những người có thể giúp bạn biến ý tưởng thành thành công thực sự”.

Khi tạo dựng đội ngũ nhân viên của mình, hãy tìm kiếm những người có giá trị đồng hành với mục đích và sứ mệnh của công ty. Suzanne Bates- một nhà tư vấn về nghệ thuật lãnh đạo, tác giả của cuốn “Hãy nói như một CEO” (McGraw Hill, 2005) cho rằng những nhân viên của bà luôn sát cánh bên nhau trong giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ suy thoái bởi vì họ đều tin tưởng vào điều mà họ đang làm. Theo bà: “Việc có những con người ngoan cường và thẳng thắn trong đội ngũ nhân viên của bạn là một việc vô cùng quan trọng”.

2. Luôn cởi mở, chú trọng việc giao tiếp

Đây là một điều thực sự quan trọng. Ngay cả trong một đội ngũ chỉ bao gồm từ 5 tới 10 người, khó mà có thể biết được điều gì đang diễn ra đối với tất cả mọi người. Nhằm khai thác sức mạnh giao tiếp, hàng tuần Bates tổng hợp một bản tin cập nhật trong tuần mà bà gọi là “Dự báo Ngày thứ sáu” và gửi qua email cho nhân viên của mình.

Bà nhận xét: “Nhân viên của tôi luôn luôn ngạc nhiên về tất cả những tin tốt mà tôi gửi cho họ mỗi tuần. Nó khiến mọi người cảm thấy bạn thực sự có rất nhiều động lực để cống hiến, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn”.

3. Đừng giả định điều gì

Khi bạn điều hành một doanh nghiệp nhỏ, bạn có thể nghiễm nhiên cho rằng đội ngũ nhân viên của bạn hoàn toàn hiểu được mục tiêu và sứ mệnh của công ty- và thực tế có thể là như vậy. Nhưng vẫn cần phải nhắc nhở mọi người về cái đích mà công ty đang hướng tới và triển vọng sẽ như thế nào nếu đạt được mục tiêu. Nhân viên của bạn có thể hỏi: “Triển vọng của tôi khi đó là gì”. Một điều hết sức quan trọng là bạn phải vẽ lên bức tranh về tương lai cho nhân viên của mình. Hãy dành thời gian để thực sự hiểu về những con người đang giúp bạn gây dựng công ty của mình.

Theo Beverly Flaxington, người sáng lập The Collaborative- một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn doanh nghiệp ở Medfield, Mass: “Các ông chủ doanh nghiệp có tầm nhìn, có nhiệt huyết, và họ thành lập doanh nghiệp để biến tầm nhìn và nhiệt huyết của họ thành hành động. Nhưng họ thường giả định về nhân viên quá nhiều. Họ thường nghĩ nhiệt huyết của họ sẽ dễ dàng lan truyền sang những người khác – nhưng thực tế không phải như vậy. Bạn phải đưa mọi người vào thế giới của mình và hết sức chủ động trong giao tiếp”.

4. Hãy trung thực và đáng tin cậy

Theo Faxington, các nhà lãnh đạo tốt thường truyền dẫn tính cách và niềm tin của họ vào tổ chức. Bà nói: “Nếu bạn là chính bạn, không cố gắng hành động như một người nào khác, và tập hợp quanh bạn những người cùng chia xẻ các giá trị với bạn, doanh nghiệp của bạn sẽ có nhiều khả năng thành công hơn”.

Theo Faxington: “Các doanh nghiệp đều có những đặc thù riêng và mỗi ông chủ doanh nghiệp lại có những tính cách riêng. Nếu bạn trung thực và đáng tin cậy, bạn sẽ thu hút được những người bạn cần cho tổ chức của mình, bao gồm cả nhân viên và khách hàng.”

5. Biết được những trở ngại của mình

Hầu hết các chủ doanh nghiệp đều lạc quan và chắc chắn rằng họ đang tiến thẳng tới mục tiêu của họ. Nhưng theo Flaxington, một nhà lãnh đạo nếu không dành thời gian để hiểu rõ những trở ngại của mình sẽ trở thành nhà lãnh đạo thiển cận.

Theo bà: “Bạn cần biết bạn đang chống lại cái gì và bạn phải có khả năng lên kế hoạch xung quanh những việc này. Sẽ là điên rồ nếu nghĩ rằng chỉ bởi vì bạn có nhiệt huyết và năng lượng là bạn sẽ có thể chinh phục tất cả. Sẽ thông minh hơn nhiều nếu lùi lại một bước và nghĩ xem bạn đang phải đối mặt với những trở ngại gì, và tính đến những trở ngại này khi lập các kế hoạch hành động”.


6. Tạo ra một Hiến chương cho tổ chức

Theo Ken Blanchard, đồng tác giả của cuốn sách “Giám đốc một phút” (William Morrow & Co., 1982), đồng thời là nhà sáng lập The Ken Blanchard Cos., một công ty chuyên về đào tạo kỹ năng lãnh đạo và xây dựng nơi làm việc, quá nhiều tổ chức mới vội vã lên đường đua trước khi họ kịp xác định họ là ai, họ định đi về đâu, với chiến lược nào. Nếu chỉ gọi một tập hợp người là một tổ chức và giao cho họ một nhiệm vụ rõ ràng thì không có gì đảm bảo là tổ chức đó sẽ thành công.

Theo Blanchard, “Điều quan trọng là tạo ra một loạt các đồng thuận về những mục tiêu một tổ chức phải hoàn thành, chỉ rõ tại sao những mục tiêu này lại quan trọng và tổ chức này cần phối kết hợp như thế nào để đạt được những kết quả mong đợi. Hiến chương của một tổ chức sẽ đóng vai trò như là một bản ghi chép các thỏa thuận chung và có thể được sửa đổi cùng với sự lớn mạnh của tổ chức hoặc khi tổ chức cần có sự thay đổi”.

7. Hãy tin vào nhân viên của mình

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải giúp nhân viên của mình phát triển niềm tin, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn. Như Napoleon Bonaparte đã từng nói "Các nhà lãnh đạo là những người kiến tạo hy vọng". Theo Maxwell, niềm tin mà những người nhân viên có được một phần bắt nguồn từ chính sự tin tưởng của nhà lãnh đạo vào họ. Ông nói: “Tôi nghĩ về nhân viên của tôi như những người ưu tú nhất, tôi đối xử với họ như những người ưu tú nhất, và kết quả là họ cố gắng làm việc và đạt thành tích như những người ưu tú nhất”. Ông cũng nhắc nhở: “Nhưng chỉ tin vào nhân viên của mình thôi thì chưa đủ. Bạn phải giúp họ chiến thắng”.

8. Đừng tiết kiệm những lời khen

Theo Mackay, một nhân viên bán hàng giỏi là người biết thứ âm thanh ngọt ngào nhất trên thế giới là gì. Đó chính là âm thanh về tên của họ phát ra trên đôi môi của ai đó. Thế nhưng quá nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp lại lầm tưởng rằng đó là tiếng sột soạt của tiền mới in hay tiếng ngã huỵch của đối thủ cạnh tranh.
Theo Mackey: “Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp quá say sưa với những ý tưởng của chính mình mà không biêìt phân phát lời khen. Một tiền vệ xuất sắc là người luôn biết yểm trợ tốt cho hàng phòng thủ của anh ta”.

9. Giữ cho nhân viên của bạn luôn bận rộn và hứng thú với công việc

Theo Stephen Covey – một chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo, tác giả của cuốn “Bảy thói quen của những người thành đạt” (Free Press, 1989), các nhà lãnh đạo xuất sắc thường giao những nhiệm vụ mang tính thách thức cho nhân viên của mình và làm cho họ hứng thú với những nhiệm vụ này. Ông nêu ví dụ về một cửa hàng pizza nhỏ ở một thị trấn tầm trung mà có thể đánh bại cả một chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh lớn về doanh số bán. Theo ông, sự khác biệt lớn giữa chuỗi cửa hàng và cửa hàng bánh pizza nhỏ này chính là nhà lãnh đạo.

Theo lời kể của ông Covey, cứ tuần nào cũng vậy, người chủ cửa hàng bánh pizza nhỏ lại tập hợp những nhân viên ở tuổi thiếu nhi của ông ta lại và hỏi họ một cách hào hứng: “Tuần này chúng ta có thể làm gì mà chúng ta chưa bao giờ làm trước đây?” Bọn trẻ thường ưa thích thách thức. Chúng bắt đầu nhắn tin cho tất cả bạn bè chúng mỗi khi có một loại bánh pizza đặc biệt được bán. Chúng mang máy quẹt thẻ tín dụng ra tận lề đường để khách đi xe máy, ô tô đi qua có thể mua pizza ngay trên phố. Chúng chở bánh pizza nóng trên xe tải để mang bánh tới bán tại các điểm vui chơi của trường. Và thế là tiền cứ đổ về và người chủ cửa hàng không bao giờ phải lo lắng về vấn đề nhân viên bỏ việc".

10. Hãy bình thản

Theo Mackay, học giả đến từ Minneapolis: “Một người đứng đầu doanh nghiệp phải biết trấn an nhân viên không phản ứng quá mức với những tình huống nhất thời”. Điều này đặc biệt quan trọng ở thời điểm hiện nay, khi mà tin tức về môi trường kinh tế khó khăn đang lan truyền khắp mọi nơi.

Ông nói: “Kể từ năm 2008, các phương tiện truyền thông chỉ nhai nhải các tin tức xấu. Nhưng hay nhìn những gì mà các công ty và tên tuổi sinh ra chính từ trong suy thoái như iPod, GE và Federal Express đã đạt được”.
Dịch từ Entrepreneur


Link to full article

Tại sao Apple từ bỏ đánh số phiên bản trong tên nhãn hiệu của iPad?

Tại sao Apple từ bỏ đánh số phiên bản trong đặt tên nhãn hiệu của iPad?


- Đại chúng nay đã đủ trưởng thành để nhận biết sự khác biệt (developed public awareness, large base of enthusiasts, brand advocates and loyal consumers)
- Đánh số cấp đầu cản trở sự mở rộng của nhãn hiệu iPad (brand stretching)
- Sự phân hoá của thị trường tablet (segmentalization)

Ví dụ dễ thấy là cách Apple từ bỏ đánh số phiên bản trong nhãn hiệu iPod:


- iPod tiền thế hệ 5 chỉ được gọi đơn giản là iPod Gen 1,2,3,4,5.
- Tuy nhiên sự phân hoá của thị trường music portable player tại thời điểm sau iPod thế hệ 5 đã đủ lớn và tạo ra các niche segments. Apple chuyển dòng iPod ban đầu thành iPod Classic, và tạo ra các dòng mới: Shuffle, Mini, Nano, Touch. Kể từ thời điểm đó, các phiên bản mới của những sản phẩm này chỉ đơn thuần được gọi là new iPod + (line title).
- Bằng loại bỏ đánh số, thay bằng sử dụng tên, Apple có thể phủ các ngách nhanh + thuận lợi hơn đối thủ, đánh được vào cả low-end + middle + hi-end.
- Sử dụng tên trong iPod làm cho khách hàng dễ nhận biết đặc điểm cái mình cần mua. Vd: Tôi dùng iPod Classic, nhưng khi tập thể dục sẽ dùng iPod Shuffle, hoặc khi cần những tính năng cao cấp hơn có thể mua thêm iPod Touch mà không cần phải tậu thêm iPhone.
- Apple có thể linh hoạt cắt bỏ các nhánh nếu thị trường declining hoặc obsolete mà không ảnh hưởng đến umbrella brand. Sự suy thoái của dòng iPod Classic là một ví dụ.
- Khai thác tốt nhất innovation opportunities cho mỗi dòng. Vd: Classic -> Mini, Shuffle -> Nano. Về nội tại, mỗi dòng này vẫn có thể phát triển tính năng độc lập với các dòng khác.

Brand 'Mac' và 'Macbook' của Apple cũng không hề sử dụng đánh số, mà sử dụng tên ngay từ đầu. Tương tự với iPad, quan điểm là rằng high-yield consumers có xu hướng mua sản phẩm mới nhất, hiện đại nhất, mua nhiều các sản phẩm liên quan. Có thể tóm gọn thành: iPad 1: dành cho low-end; iPad 2: dành cho middle, transition; 'new iPad': dành cho hi-end, và 7-in iPad dành cho phân khúc mới.


Link to full article

"Săn" cá mập thu tiền tỷ

Ngư cụ để làm nghề câu cá mập không hề giống với nghề vây rút chì, giã cào, đánh bắt gần bờ. Chỉ riêng dàn câu đã thuộc vào loại “độc” với 1.000 lưỡi câu và dây cước.

Tuy được biết đến là loài vật hung tợn vào loại nhất nhì của biển cả, nhưng vì lợi nhuận kinh tế mang lại, cá mập vẫn không thể ngáng chân những ngư dân lão luyện ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi năm, với 4-5 phiên ra khơi, một tàu trung bình câu được khoảng 200-300 con cá mập lớn nhỏ và thu về hàng tỷ đồng.

Nghề chỉ dành cho những người “to gan”

Trở về sau chuyến đi khơi dài cả tháng trời, ông Cao Văn Tận (42 tuổi) chủ tàu QNg 97319 và các bạn thuyền, ai cũng phấn khởi vì bội thu 40 con cá mập, trị giá hơn 400 triệu đồng. Trong đó, có con cá mập nặng đến gần 1 tấn.

Ngư dân phấn khởi vì bội thu cá mập sau một thời gian dài lênh đênh trên biển


Tuy nhiên, để có được niềm phấn khởi ấy trong ngày vào bờ, trước đó, cả 8 ngư dân trên tàu đã phải bỏ ra bao nhiêu mồ hôi, sức lực và thậm chí là máu. Với ông Tận và nhiều ngư dân khác làm nghề câu cá mập ở xã Nghĩa An, loài chúa biển tuy rất hung dữ nhưng lại có tiềm năng kinh tế rất lớn nhờ bộ vây, nên đã mang lại thu nhập khá cao cho họ.

Từ xưa đến nay, nghề săn cá mập chỉ dành cho những ngư dân có sức khỏe, kinh nghiệm lão luyện, tinh nhanh và lòng gan dạ đáng khâm phục. Ông Tận kể cho chúng tôi nghe về buổi đầu xuống thuyền ra biển câu cá cùng các anh và cha.

Ngay khi nhìn thấy con cá mập thuộc loại trung được mọi người hò kéo lên thì ông đã run sợ, chạy vào buồng lái để trốn, vì chưa bao giờ thấy con cá to mà hung tợn đến vậy.

Ấy vậy mà, trải qua mấy chục năm lăn lộn, sống chết với nghề, giờ đây ông Tận lại trở thành khắc tinh của loài chúa biển. Chưa lần nào ra khơi mà tàu của ông Tận lại tay trắng trở về.

Ông Tận tâm sự: "Hàng chục năm lăn lộn với nghề, các anh em ngư dân đã không ít lần gặp sự cố vì loài “cọp biển”. Để săn được một con cá mập, họ phải có một sự đoàn kết, phối hợp vô cùng ăn ý với nhau để vật lộn với loài cá hung dữ hàng tiếng đồng hồ. Có lần, khi kéo được con cá mập to lên khoang thuyền, tưởng nó đã đuối sức nhưng bất thình lình lại há cái miệng rộng, đầy nanh sắc nhọn cắn bay luôn gót chân, bắp chân của các anh em ngư dân trên tàu".

Dù là loài vật vô cùng hung tợn, nhưng cá mập vẫn không thể thoát khỏi tay của các ngư dân Nghĩa An lão luyện


“Nghề này đâu có dễ, phải ra khơi xa hàng tháng trời thì để hiểu về thuộc tính, tập quán ăn uống của từng loại cá mập cũng phải tốn một thời gian dài. Đó là chưa kể những lần tàu gặp bão ngoài khơi. Lúc đó, anh em ngư dân chỉ còn biết tìm cách cầu cứu các tàu lớn để thoát thân và nhìn tàu mình bị sóng biển cao hàng chục mét nhấn chìm” - ông Tận kể.

Một mẻ giăng câu thu về tiền tỷ

Trước mỗi chuyến đi khơi, các ngư dân trên tàu của ông Tận phải chuẩn bị rất nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là dàn câu và các ngư cụ “khủng” khác. Hiện tại, tài sản mà ông Tận có để làm nghề câu cá mập là chiếc tàu có công suất 160 mã lực trị giá 700 triệu đồng.

Lưỡi câu khủng và bộ phao là 2 trong số nhiều ngư cụ đặc biệt dùng cho việc câu cá mập

Ngư cụ để làm nghề câu cá mập không hề giống với nghề vây rút chì, giã cào, đánh bắt gần bờ. Chỉ riêng dàn câu đã thuộc vào loại “độc” với 1.000 lưỡi câu và dây cước. Mỗi lần giăng câu, các ngư dân phải quăng xa trên 20 hải lý, mỗi lưỡi câu cách nhau chừng 50m. Mồi câu cá mập cũng phải thật tanh và có nhiều máu mới nhử được loài cá cực kỳ tinh khôn này. Và còn có nhiều dụng cụ chuyên dụng cho việc săn cá mập như kháu, chĩa… đều được xếp vào loại “hàng độc”.

Công việc câu cá mập trên biển thường bắt đầu từ 3 giờ chiều, và kéo dài đến mãi tận 11,12 giờ đêm. Ngư dân Võ Phi Hùng, có kinh nghiệm hơn chục năm trong nghề câu mập nói chắc nịch: "Lúc sẩm tối là thời điểm cá mập đi kiếm mồi nên thả câu giờ này chắc chắn cá sẽ dính câu".

Mỗi chuyến ra khơi, trung bình một tàu phải bỏ ra khoảng 150 triệu đồng tiền xăng dầu, thực phẩm… để chuẩn bị đầy đủ cho cuộc sống của ngư dân trên biển trong 1 tháng.

Anh Hùng chia sẻ: “Nói là một tháng, nhưng thực ra chỉ có vài ngày anh em tui làm việc thực sự thôi. Loài này chỉ xuất hiện ở vùng biển cách bờ khá xa. Mỗi lần ra khơi, chúng tôi phải cho tàu chạy suốt 6, 7 ngày đêm mới đến được".

Như vậy, chỉ cần 3-5 ngày tập trung làm việc, các anh em ngư dân đã lời to với 40-60 con cá mập. Đặc biệt, mùa biển năm trước, ông Cao Văn Trung là ngư dân ở Nghĩa An, chủ tàu QNg 92092, đã may mắn mang về 98 con cá mập trị giá gần 1 tỷ đồng chỉ sau một lần ra khơi.

Có lẽ, nghề câu cá mập không hề mới lạ ở nhiều địa phương ven biển trong cả nước. Tuy nhiên, nhiều ngư dân ở xã Nghĩa An cho biết, chỉ có dân nơi đây mới có gan đi tàu công suất lớn, lăn lộn trên cả vùng biển Đông rộng lớn để săn loại cá này.

Bà Võ Thị Lệ Thu- Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết, nghề câu cá mập ở Nghĩa An đã tồn tại bao đời nay, nối nghiệp từ đời cha ông đến đời con. Có thời gian, trong xã Nghĩa An có đến 25 chiếc thuyền công suất lớn hành nghề săn cá mập. Tuy nhiên, vì phải đối đầu với hiểm nguy bất ngờ nơi đầu sóng ngọn gió, lênh đênh trên biển cả tháng trời nên hiện tại chỉ còn 6 chiếc tàu của các ngư dân thôn Phổ An, Tân An vẫn bám nghề.

sưu tầm: kienthuckinhte.com


Link to full article

Gerhard Richter: Số 1 thị trường thế giới

Chỉ riêng tại các sàn đấu giá trong năm 2011, các tác phẩm của họa sĩ người Đức Gerhard Richter đã bán được với giá tổng cộng là 200 triệu USD, hơn toàn bộ số tranh, tượng của Claude Monet, Alberto Giacometti và Mark Rothko đã bán trong năm và vượt xa các tác giả đương đại còn sống.

Gerhard Richter trước tác phẩm trừu tượng hình học của ông. Bị một cơn đột quỵ cách đây ba năm nhưng ông vẫn đi lại bình thường và vẫn sáng tác được


Vào đầu những năm 1980, Gerhard Richter đã vẽ một xê-ri 24 bức tranh những ngọn nến trắng và chẳng bán được bức nào. Tháng 10/2011, tại nhà đấu giá Christie’s ở London, một ngọn nến trong loạt tranh Nến ấy đã bán được với giá khủng: 16,5 triệu USD!

“Thánh” Gerhard Richter

Thật khó để có thể xác định được lúc nào thì một họa sĩ sẽ trở thành thần tượng trong thế giới hội họa như cách mà Pablo Picasso hay Andy Warhol đã trở thành, nhưng nay có một người đã được phong thánh từ khi ông còn sống - đó chính là Gerhard Richter.

Tại gallery của chính Gerhard Richter ở New York, danh sách khách hàng phải chờ để có được một bức tranh của ông lên đến vài chục, trong khi giá tranh tối thiểu phải 3 triệu USD mỗi bức!

Vào tháng 11/2011 tại nhà Sotheby’s ở London, nhà sưu tập Lily Safra đã trả đến 20,8 triệu USD để sở hữu bức Trừu tượng - mức giá cao nhất đối với một tác phẩm của Gerhard Richter.

Có những tác giả đương đại cũng bán được tác phẩm với giá đó hay cao hơn, nhưng chỉ là một bức nhưng không ai có thể lập kỷ lục với hàng loạt tranh được bán với giá cao ngất chỉ trong một khoảng thời gian như Gerhard Richter. Ông đang dẫn đầu thị trường hiện nay.

Đấu giá bức tranh Nến (vẽ năm 1982) tại nhà Christie’s ở London vào tháng 10-2011 với giá 16,5 triệu USD


Lý do để Gerhard Richter trở thành họa sĩ được săn đón như vậy, ngoài tác động của thị trường còn có sự góp sức của các nhà giám tuyển: họ háo hức tìm kiếm các bậc thầy mới để giới thiệu với công chúng và các nhà sưu tập, nhà kinh doanh đang khao khát cái mới, và thế là hàng loạt triển lãm tác phẩm của Gerhard Richter được tổ chức ở các bảo tàng danh tiếng khắp thế giới với tốc độ chưa từng thấy ở bất kỳ tác giả nào vẫn đang sáng tác đều đặn.

Thêm vào đó là một làn sóng các nhà sưu tập và nhà kinh doanh tác phẩm mỹ thuật hàng đầu thế giới đang chờ cơ hội để mua hoặc bán tranh của Gerhard Richter, trong đó có tỉ phú Roman Abramovich (Nga), tỉ phú ngành mỹ phẩm Bernard Arnault (Pháp), tỉ phú Steven Cohen và chủ nhân gallery Larry Gagosian (Mỹ), ông trùm ngành điện tử Pierre Chen (Đài Loan, Trung Quốc)…

Trong suốt sự nghiệp sáng tác trên 60 năm của Gerhard Richter, ông đã vẽ được hơn 3.000 bức tranh và có tới gần 40% trong số đó hiện thuộc về sưu tập của các bảo tàng trên thế giới. Chưa có một họa sĩ đương đại nào có được vinh dự như thế.

Cuộc triển lãm hoành tráng có tên “Gerhard Richter: Toàn cảnh” được lưu chuyển qua các thủ đô nghệ thuật của châu Âu. Bắt đầu vào tháng 11/2011 tại Bảo tàng Tate ở London, kế đó là bảo tàng quốc gia Neue Nationalgalerie ở Berlin (Đức) và sẽ kéo dài đến tháng 5/2012.

Tới tháng 6/2012 triển lãm sẽ diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật hiện đại Pompidou ở Paris (Pháp) và chắc chắn sẽ thu hút những dòng người nối đuôi nhau vào xem như tại London và Berlin.

Gerhard Richter có thể vẽ những chân dung rất đẹp như bức Betty này


Hợp với mọi khẩu vị

Tác phẩm của Gerhard Richter có thể thỏa mãn mọi khẩu vị trên thị trường nghệ thuật hiện nay. Giống như Picasso, ông có thể vẽ mọi thể loại tranh với nhiều phong cách khác nhau, từ những tranh trừu tượng đầy màu sắc cho tới những bức chân dung hiện thực thật tình cảm, cho phép các nhà đầu tư thoải mái chọn lựa.

Và giống như Warhol, ông có thể vẽ nhiều, vẽ những xê-ri tranh theo một chủ đề đủ để cung ứng cho thị trường mà cũng vừa vặn để tránh sự thừa mứa ở các bộ sưu tập tranh ông tại nhiều bảo tàng.

Và với sự ra đi của hai tên tuổi lớn là Cy Twombly và Lucian Freud hồi năm ngoái, các nhà sưu tập phải tìm ra một thủ lĩnh khác của hội họa thế giới với những phẩm chất nghệ thuật tương xứng: không ai hơn được Gerhard Richter ở vị trí này hiện nay.

Những tranh trừu tượng khổ lớn được ông vẽ vào cuối thập niên 1980 hiện được các nhà sưu tập trả với giá cao đặc biệt. Người ta có thể nhận ra ngay những tranh trừu tượng của ông khiến các tác phẩm ấy dễ dàng trở thành những biểu tượng vững chắc.

Nhà buôn tranh Anthony Meier ở San Francisco nói: “Các nhà sưu tập muốn một tác phẩm mẫu mực với khuôn khổ mà ai cũng nhận ra được tác giả”.

Bức Dì Marianne vẽ năm1965 hiện thuộc sưu tập của một nhà buôn tranh Đài Loan (Trung Quốc)


Năm nay 80 tuổi, Gerhard Richter tuy chưa phải là một tên tuổi quen thuộc tại Mỹ song đã được sùng bái khắp châu Âu. Sinh trưởng ở Dresden, sau đó ông sang Tây Đức sống không lâu trước khi bức tường Berlin bị xóa bỏ, nước Đức thống nhất.

Buổi đầu đến Tây Đức, ông vẽ những tranh chân dung gia đình đầy ám ảnh, trông như những mẩu giấy báo ố vàng, nhòe nhoẹt, trong số đó có bức Dì Marianne, người bị bọn quốc xã Đức giết chỉ vì bà mắc bệnh tâm thần, hay bức Cậu Rudi, một lính Đức phát xít bị chết trong Thế chiến thứ II…

Chính các tác phẩm đó đã khiến ông nổi tiếng, trở thành một tên tuổi lớn trong số các họa sĩ châu Âu thời hậu Thế chiến thứ II.

Những tranh trừu tượng là một thành tựu nữa của Gerhard Richter. Khi vẽ các bức trừu tượng khổ lớn, ông thường dùng một chổi ngoại khổ để quét những nhát màu ào ạt trên mặt toan.

Dù tranh của Gerhard Richter đang cực kỳ “ăn khách” nhưng buổi đầu nó cũng vất vả tìm thị trường. Rudolf Zwirner, một trong những nhà buôn tranh đầu tiên chú ý đến tác phẩm của Gerhard Richter vào năm 1962.

Nhưng lúc đó giá tranh của ông chưa bao giờ lên đến 1.000 USD. Khi mà tác phẩm của các siêu sao như Lucian Freud, Francis Bacon đã có bao nhà buôn ở Mỹ săn tìm thì tranh của Gerhard Richter vẫn chỉ có một nhà buôn ở New York là Marian Goodman làm đại diện.

Gerhard Richter vẽ tranh trừu tượng với chổi quét khổ lớn

Nhưng dù có nhiều cố gắng để đưa tranh của Gerhard Richter vào dòng chảy thị trường, ông Marian Goodman cũng không thành công.

Ngay cả Jose Mugrabi và David Nahmad, hai nhà buôn tranh chủ yếu các tác phẩm của Picasso và Warhol cũng từng cho rằng Gerhard Richter chưa đủ sức để cạnh tranh với các bậc thầy hiện đại trên thị trường Mỹ.

Thậm chí ông Mugrabi còn nói nghệ thuật của Gerhard Richter chỉ mang tính thời trang và “không quan trọng”.

Tuy nhiên, các khuynh hướng trong mỹ thuật đương đại cũng có thể thay đổi rất nhanh chẳng kém các khuynh hướng thời trang.

Cuối thập niên 1980, các tranh trừu tượng hình học của họa sĩ Mỹ Frank Stella đã được nâng lên nhanh chóng ở mức gần 4 triệu USD trước khi đạt tới đỉnh vào năm 1989, nhưng sau đó hầu như cái tên Frank Stella biến mất ở các sàn đấu giá.

Các tác phẩm trừu tượng của họa sĩ Mỹ Mr. Rothko cũng từng được đẩy lên tới… trời với giá 72,8 triệu USD cho một bức được bán vào năm 2007, nhưng từ đó tới nay chẳng có tác phẩm nào của ông có được một nửa giá kỷ lục đó nữa.

Chính vì vậy mà Nicolai Frahm, một nhà tư vấn nghệ thuật cho biết ông đã khuyến cáo các nhà sưu tập là khách hàng của ông rằng “hãy tìm mua tranh của ông Richter trước khi giá tranh ông ấy bão hòa”.

NGÃ VĂN


Link to full article
Girls Generation - Korean