Điều gì đưa một phụ nữ xinh đẹp, từ tâm, trong mấy năm nổi như cồn và chỉ chưa đầy hai tháng đầu năm 2012, lại bị phê phán nặng nề?
Thuở lên mây
Nhiều người phụ nữ giọng khàn, nói năng mạnh dạn, trực diện thì tính cách cũng thường mạnh mẽ, kinh doanh thành đạt. Bà Phạm Thị Diệu Hiền có những nét ấy. Đầu thế kỷ 21, từ tỉnh Sóc Trăng chân ướt chân ráo lên Cần Thơ, bà làm ngay dự án khu dân cư Diệu Hiền ở nam sông Cần Thơ.
Lúc đó, có dự án bất động sản là giàu. Nhưng nhiều chủ dự án tiến hành theo cách cũ, dựa vào chính quyền ép dân lấy đất giá rẻ nên khiếu kiện kéo dài, riêng bà thỏa thuận thêm với dân nên có mặt bằng nhanh.
Bà khoe với tôi: “Nền nhà em bán một mình một chợ”. Bà còn thu lợi lớn ở tiền sử dụng đất, vì lúc đó bắt đầu chính sách mỗi năm tăng giá đất một lần, bà đã nộp tiền theo giá cũ, rẻ chỉ bằng một phần mấy những năm về sau mà các chủ dự án khác phải kêu ca.
Sách báo ca ngợi bà Diệu Hiền tại buổi lễ khánh thành nhà máy nước uống collagen ngày 30/6/2011
Từ thành công của dự án khu dân cư, bà ra cái cồn giữa sông Hậu thuộc tỉnh Vĩnh Long, mua 50 ha đào ao nuôi cá tra, cũng là người đầu tiên táo bạo như thế. Chồng của bà, ông Trần Văn Trí kể: “Lúc mới ra thấy mịt mù lau sậy, tôi hoảng quá, khuyên can thì vợ bảo anh mặc em”.
Khi đã thành ao nuôi cá khang trang, vẫn thấy ngợp giữa sóng gió sông Hậu ào ạt. Phải đầu tư rất lớn, nhưng nuôi cá tra giữa sông Hậu như thế, cá lớn nhanh và chất lượng tốt. Những năm đó, 2005 – 2007, nuôi cá tra lời rất lớn, ông Trí nói “một năm lời chừng 80 tỷ đồng”.
Khi xây dựng nhà máy chế biến cá tra, bà được tặng danh hiệu “người đàn bà thờ cá” bởi vài tờ báo, cũng do bà thường nói phải biết ơn con cá tra đã đưa giàu có về cho đồng bằng sông Cửu Long và bà cho làm những con cá bằng đá hoặc gỗ rất lớn để thờ. Trong viện nghiên cứu thủy sản, bà còn tạc tượng thờ người “có công giúp đỡ Bình An”.
Cuối năm nọ, đang gặp khó về vốn thì Chính phủ mở ra gói cứu trợ doanh nghiệp, bà được vay món khá, thế là có một cái Tết vui vẻ không ngờ. Khi đưa cá tra sang Mỹ, giữa thị trường mênh mông gặp nhiều đối thủ cạnh tranh chơi xấu, bà không bán được phải lưu kho mấy trăm container. Đang lo thì xảy ra vụ tràn dầu vịnh Mexico, nhu cầu tôm cá nhập khẩu của thị trường Mỹ tăng vọt mà các nước chưa kịp đem sang, bà mở kho bán “đếm tiền mỏi tay”.
Tiếng tăm
Ngày 29 và 30 Tết, vừa ở nước ngoài về, bà vào ngay bệnh viện tặng quà cho người nghèo: “Năm hết Tết đến mà còn nằm viện là những người bệnh quá nặng hoặc quá nghèo, em phải vào lúc đó để tặng quà mới đúng lúc và đúng người cần tặng”.
Chuẩn bị một lễ, có mấy giỏ hoa đặt bên đường không thật thẳng hàng, bà cứ đứng giữa nắng bảo chỉnh sửa, tôi nói hoa đặt bên đường có ai để ý kỹ đâu mà phải quá chi ly?
Bà nói “em đã làm phải cẩn thận từng chút một”. Tính bà thích vui vẻ, khánh thành khu dân cư mà thuê nhiều ca sỹ nổi tiếng về hát mấy đêm “cho bà con coi”.
Có lẽ cái cách cư xử cứ rộn ràng, khéo léo, kỹ càng như vậy mà bà được nhiều người… thương. Những lễ lạt bà tổ chức thường “hoành tráng”, mời được đủ giới khắp cả nước. Hiển nhiên, tốn tiền. Song cái khó của người mở ra kinh doanh lớn, mỗi bước rộng ra là thêm quá nhiều người cần chi “không tiếc tiền”, đôi lúc không biết đâu là giới hạn.
Các cấp các ngành vốn đã đông, các cơ quan “chức năng” đông không kém. Kinh doanh lớn thì ngân hàng và thuế vụ cả đời chưa biết mặt cũng phải coi như anh em. Nhiều người rất ngạc nhiên với sự đầu tư của Cty Bình An, mở ra liên tục, nhất là nhà cửa xây dựng khang trang, ngôi nhà với cổng ngõ ở khu nuôi cá trên cồn phù sa giữa sông Hậu cũng như tòa biệt thự.
Phải thừa nhận, bà lanh lẹ và biết cách PR. Có lần, bà đi nước ngoài và dư luận đồn thổi “trốn ra nước ngoài”. Về nước hôm trước, hôm sau vừa ngày doanh nhân, tối bà lên sân khấu truyền hình trực tiếp cả nước để hát, dư luận đồn thổi lập tức biến mất. Rồi dịp bà ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Hà Nội, bà là doanh nhân duy nhất diện kiến bắt tay, chụp ảnh truyền đi khắp nơi.
Dường như truyền thông cả nước ca ngợi bà. Thỉnh thoảng, thấy nhà văn nhà thơ xa lắc đột nhiên có bài ca ngợi bà là biết ngay vừa ghé Cty Bình An hoặc gặp bà chốc lát đâu đó. Nhưng chơi như thế quả tốn kém.
Mấy năm gần đây, bà còn xáp vô giới showbiz. Khi đổ nợ nần lớn, ông Trí nói tại cuộc họp báo ngày 7/3: “vợ tôi lên mây xanh là nhờ báo chí”, nói ra một sự thật khiến nhiều nhà báo lúc đó phì cười.
Bà Diệu Hiền cuối tháng 6/2011
Phúc, họa
Giữa năm 2011, gặp một số giám đốc chi nhánh ngân hàng ở Cần Thơ, nghe họ nhắc nhau “đừng cho Diệu Hiền vay tiền nữa”. Có người than thở, biết vậy rồi nên rất sợ cấp trên về và gọi đi ăn cơm với Diệu Hiền.
Sát Tết, có chỉ đạo từ trên, tiếp tục cho Cty Bình An vay tiền, rồi mấy chuyên gia một ngân hàng vào nhà máy xem xét. Cuộc xem xét quá lâu, sau tết cả tháng vẫn chưa thấy quyết định cho vay thì tôi biết đã rất khó khăn.
Chợt nhận ra sự chòi đạp cuối cùng. Nợ nần lớn quá, đã vượt quá khả năng tiếp sức của “vận may”, mọi sự “hoành tráng” bên ngoài không còn cứu vãn được nữa, đã đến lúc phải bằng lý tính như ông Trí nói hôm họp báo “phải cơ cấu lại tổ chức”.
“Bây giờ báo chí lại giúp vợ tôi xuống mặt đất”, ông Trí nói tại hôm họp báo. Ít nhất, vận may chưa rời bỏ gia đình bà. Khi bà bị bệnh nặng phải đi chữa, để lại món nợ lớn và chồng bà đã dũng cảm đứng ra gánh vác.
Nói ra điều này vì một lần, đến ngôi biệt thự bên đường 30/4, thành phố Cần Thơ, mà sau này người nuôi cá tra đến căng biểu ngữ đòi tiền, được bà tâm sự: “Chúng em xây lên biệt thự mà không mấy khi vợ chồng cùng ở. Em thì nay đây mai đó nước trong nước ngoài, anh Trí cũng đi Bắc về Nam nhiều lúc không biết ở đâu”. Ông Trí thừa nhận, thời gian bà “ở trên mây”, tình cảm vợ chồng có lạnh nhạt.
Sau bữa cưới vợ cho con mấy hôm, ông Trí mời tôi đến ăn cơm tối, chỉ vài người thân và hai ông hàng xóm, có một ông thợ rèn nước da màu muội than. Gần cuối bữa, ông Trí mời mấy ông hàng xóm hát, ông thợ rèn giọng như ống thổi lò rèn, thiệt tình nên khá vui vẻ.
Vui chuyện, ông Trí kể, dịp Tết vì nợ nần nên không đến nhà ai mà ở nhà mời sáu anh xe ôm đứng ngoài đường vào ăn Tết. Mời rượu tây, các anh xe ôm nói từ nhỏ chưa hề được uống, hết rượu xin chai không mang về kỷ niệm. Ông Trí mừng tuổi mỗi người một triệu đồng.
Còn buổi tối hôm ấy, sau bữa cơm, tôi và ông Trí ngồi uống trà. Ông cho biết, ngày mai Diệu Hiền lại ra nước ngoài chữa bệnh ung thư. Vừa kể ông vừa khóc. Có khi hoạn nạn khó khăn thì vợ chồng lại về thật gần nhau, biết đâu trong họa lại có phúc.
Theo 24h
kienthuckinhte.com
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét