Thoạt nghe những ý tưởng này không ít người cho rằng tác giả của chúng viển vông hoặc nhẹ hơn là…thích nói đùa. Vậy nhưng chính những sáng kiến “không giống ai” đó lại đang đem về hàng triệu USD cho những người dám theo đuổi đến cùng.
1. Kính mát dành cho…chó
Kính râm giúp các chú chó trông thật sành điệu
Đây là ý tưởng của Roni Di Lullo năm 1997 trong một ngày đi dạo trong công viên dành cho chó ở gần nhà. Chú cún cưng của bà là MidKnight, rất nhạy cảm với ánh sáng và khá khó khăn khi đuổi bắt vật dụng mà chủ ném ra. “Khi ấy tôi đang đeo kính mát và chợt nghĩ, tại sao không đeo cho nó thứ gì đó”. Vậy là bà tự làm cho MidKnight một cặp kính.
Từ chỗ tận dụng vật liệu sẵn có, bà lấy luôn cả tiền tiết kiệm ra đầu tư để thiết kế những kiểu kính khác nhau cho phù hợp với từng khuôn mặt của mỗi chú chó. Vậy là thương hiệu Doggles ra đời giúp các chú chó có thể đi xe hơi mà thoải mái ngó đầu ra ngoài cửa hóng gió, không lo nắng, tia tử ngoại hay bụi bẩn. Hàng năm công ty của Di Lullo đang đạt doanh số tới 3 triệu USD và giờ còn mở rộng sang cả sản xuất túi xách, áo phao và đồ chơi cho mèo.
2. Đồng hồ báo thức…biết chạy
Đồng hồ báo thức biết chạy là giải pháp cho những ai ham ngủ nướng
Gauri Nanda, sinh viên của học viện công nghệ Massachusetts rất ham ngủ và cứ mỗi lần đồng hồ báo thức kêu, cô lại tắt chuông ngủ thêm vài lần. Vậy nên khi phải thiết kế một sản phẩm theo yêu cầu của thầy giáo, ý tưởng về một chiếc đồng hồ báo thức “biết chạy” xuất hiện. Với 2 bánh xe được gắn vào, mỗi khi đến giờ báo thức mà chủ nhân nhấn nút tắt chuông, chiếc đồng hồ báo thức sẽ lăn từ trên tủ đầu giường xuống và chạy khắp phòng, buộc kẻ ham ngủ phải choàng dậy đuổi theo để tắt chuông.
Khi tốt nghiệp Nanda lấy chiếc đồng hồ mẫu ngày nào ra và kêu gọi tài trợ từ gia đình để bắt đầu sản xuất. Từ đó thương hiệu Clocky ra đời. Đến nay nó đã có mặt ở trên 45 quốc gia với hàng nghìn nhà phân phối, đem về doanh thu gần 10 triệu USD mỗi năm. Hiện công ty còn cho ra đời loại đồng hồ không cần bánh xe mà tự lăn đi bằng động năng.
3. Hàm răng giả…kinh dị
Bị làm phiền bởi một người có hàm răng siêu xấu trong một trận bóng đá ở trường năm 1994, Jonah White tìm hiểu và biết rằng người đàn ông đó là Rich Bailey và hàm răng đó là giả, được đeo vào với mục đích gây chú ý. Vậy là ông nhờ Bailey làm cho mình 1 bộ. Không lâu sau White và Bailey bắt đầu kinh doanh bộ răng giả Billy Bob Teeth. Ban đầu họ chỉ dám làm và bán từng bộ một nhưng đến nay, White đã có vốn để mở rộng sản xuất sang cả dép xăng-đan, các loại mũ nhờ doanh thu lên tới 50 triệu USD từ hàm răng giả Billy Bob Teeth.
4. Dĩa lai dao
Không ít người cảm thấy chán ngán vì lúc nào ra bàn ăn cũng phải dùng 1 bộ dao và dĩa (nĩa) đi kèm. Vậy tại sao không dùng một chiếc dĩa mà có thể cắt được như dao? Ý tưởng này đã được Mike Miller ấp ủ từ hồi học lớp 8 khi đang cố ăn chiếc pizza của mình bằng dĩa. Quan sát thấy một nhân viên nhà hàng dễ dàng cắt chiếc bánh với dụng cụ có mép vát, vậy là Miller nghĩ đến việc sản xuất những chiếc dĩa có cạnh được làm vát đi.
Dù vậy cũng mãi đến khi học đại học năm 2001 cậu mới bắt tay vào triển khai dự án với số tiền 10.000 USD vay từ ông bà. Sản phẩm mẫu đầu tiên được dùng ngay trong gia đình. Vài năm sau chúng được sản xuất đại trà với thương hiệu Knork và nhanh chóng được đón nhận. Năm 2011, doanh số của Knork Flatware đạt gần 2 triệu USD.
5. Búp bê xấu xí
Mặc dù có hình dáng không hề dễ thương như những búp bê khác, nhưng doanh số mà những con búp bê kinh dị mang lại cho chủ nhân của nó thật đáng khát khao: hơn 100 triệu USD kể từ ngày ra đời. Tất cả bắt đầu năm 1996 khi Sun-Min Kim và David Horvath gặp nhau hồi còn là học sinh trường thiết kế Parsons School. Họ buộc phải chia tay ít năm sau do Kim chuyển về Hàn Quốc và chỉ thường liên lạc bằng thư. Trong một lần viết thư Horvath vẽ một nhân vật nhỏ màu da cam và đặt tên cho nó là Wage ở cuối thư.
Kim khiến bạn mình vô cùng ngạc nhiên khi tự thêu một búp bê theo hình vẽ đó rồi gửi tặng bạn trai. Trong một lần vô tình Horvath mang búp bê này tới một cửa hàng dành cho dân mê nhạc Pop châu Á ở Los Angeles, người chủ đã đề nghị đặt hàng. Phải mất vài tháng Kim mới thêu thêm một số mẫu mới nhưng ngay khi xuất hiện ở cửa hàng chỉ ngày hôm sau đã bán hết sạch. Kể từ đây Kim và Horvath quyết định mở công ty lấy tên là Pretty Ugly năm 2002 và cũng kết hôn với nhau để chấm dứt cảnh xa cách.
Thanh Tùng
Theo CNBC
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét