Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Gerhard Richter: Số 1 thị trường thế giới

Chỉ riêng tại các sàn đấu giá trong năm 2011, các tác phẩm của họa sĩ người Đức Gerhard Richter đã bán được với giá tổng cộng là 200 triệu USD, hơn toàn bộ số tranh, tượng của Claude Monet, Alberto Giacometti và Mark Rothko đã bán trong năm và vượt xa các tác giả đương đại còn sống.

Gerhard Richter trước tác phẩm trừu tượng hình học của ông. Bị một cơn đột quỵ cách đây ba năm nhưng ông vẫn đi lại bình thường và vẫn sáng tác được


Vào đầu những năm 1980, Gerhard Richter đã vẽ một xê-ri 24 bức tranh những ngọn nến trắng và chẳng bán được bức nào. Tháng 10/2011, tại nhà đấu giá Christie’s ở London, một ngọn nến trong loạt tranh Nến ấy đã bán được với giá khủng: 16,5 triệu USD!

“Thánh” Gerhard Richter

Thật khó để có thể xác định được lúc nào thì một họa sĩ sẽ trở thành thần tượng trong thế giới hội họa như cách mà Pablo Picasso hay Andy Warhol đã trở thành, nhưng nay có một người đã được phong thánh từ khi ông còn sống - đó chính là Gerhard Richter.

Tại gallery của chính Gerhard Richter ở New York, danh sách khách hàng phải chờ để có được một bức tranh của ông lên đến vài chục, trong khi giá tranh tối thiểu phải 3 triệu USD mỗi bức!

Vào tháng 11/2011 tại nhà Sotheby’s ở London, nhà sưu tập Lily Safra đã trả đến 20,8 triệu USD để sở hữu bức Trừu tượng - mức giá cao nhất đối với một tác phẩm của Gerhard Richter.

Có những tác giả đương đại cũng bán được tác phẩm với giá đó hay cao hơn, nhưng chỉ là một bức nhưng không ai có thể lập kỷ lục với hàng loạt tranh được bán với giá cao ngất chỉ trong một khoảng thời gian như Gerhard Richter. Ông đang dẫn đầu thị trường hiện nay.

Đấu giá bức tranh Nến (vẽ năm 1982) tại nhà Christie’s ở London vào tháng 10-2011 với giá 16,5 triệu USD


Lý do để Gerhard Richter trở thành họa sĩ được săn đón như vậy, ngoài tác động của thị trường còn có sự góp sức của các nhà giám tuyển: họ háo hức tìm kiếm các bậc thầy mới để giới thiệu với công chúng và các nhà sưu tập, nhà kinh doanh đang khao khát cái mới, và thế là hàng loạt triển lãm tác phẩm của Gerhard Richter được tổ chức ở các bảo tàng danh tiếng khắp thế giới với tốc độ chưa từng thấy ở bất kỳ tác giả nào vẫn đang sáng tác đều đặn.

Thêm vào đó là một làn sóng các nhà sưu tập và nhà kinh doanh tác phẩm mỹ thuật hàng đầu thế giới đang chờ cơ hội để mua hoặc bán tranh của Gerhard Richter, trong đó có tỉ phú Roman Abramovich (Nga), tỉ phú ngành mỹ phẩm Bernard Arnault (Pháp), tỉ phú Steven Cohen và chủ nhân gallery Larry Gagosian (Mỹ), ông trùm ngành điện tử Pierre Chen (Đài Loan, Trung Quốc)…

Trong suốt sự nghiệp sáng tác trên 60 năm của Gerhard Richter, ông đã vẽ được hơn 3.000 bức tranh và có tới gần 40% trong số đó hiện thuộc về sưu tập của các bảo tàng trên thế giới. Chưa có một họa sĩ đương đại nào có được vinh dự như thế.

Cuộc triển lãm hoành tráng có tên “Gerhard Richter: Toàn cảnh” được lưu chuyển qua các thủ đô nghệ thuật của châu Âu. Bắt đầu vào tháng 11/2011 tại Bảo tàng Tate ở London, kế đó là bảo tàng quốc gia Neue Nationalgalerie ở Berlin (Đức) và sẽ kéo dài đến tháng 5/2012.

Tới tháng 6/2012 triển lãm sẽ diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật hiện đại Pompidou ở Paris (Pháp) và chắc chắn sẽ thu hút những dòng người nối đuôi nhau vào xem như tại London và Berlin.

Gerhard Richter có thể vẽ những chân dung rất đẹp như bức Betty này


Hợp với mọi khẩu vị

Tác phẩm của Gerhard Richter có thể thỏa mãn mọi khẩu vị trên thị trường nghệ thuật hiện nay. Giống như Picasso, ông có thể vẽ mọi thể loại tranh với nhiều phong cách khác nhau, từ những tranh trừu tượng đầy màu sắc cho tới những bức chân dung hiện thực thật tình cảm, cho phép các nhà đầu tư thoải mái chọn lựa.

Và giống như Warhol, ông có thể vẽ nhiều, vẽ những xê-ri tranh theo một chủ đề đủ để cung ứng cho thị trường mà cũng vừa vặn để tránh sự thừa mứa ở các bộ sưu tập tranh ông tại nhiều bảo tàng.

Và với sự ra đi của hai tên tuổi lớn là Cy Twombly và Lucian Freud hồi năm ngoái, các nhà sưu tập phải tìm ra một thủ lĩnh khác của hội họa thế giới với những phẩm chất nghệ thuật tương xứng: không ai hơn được Gerhard Richter ở vị trí này hiện nay.

Những tranh trừu tượng khổ lớn được ông vẽ vào cuối thập niên 1980 hiện được các nhà sưu tập trả với giá cao đặc biệt. Người ta có thể nhận ra ngay những tranh trừu tượng của ông khiến các tác phẩm ấy dễ dàng trở thành những biểu tượng vững chắc.

Nhà buôn tranh Anthony Meier ở San Francisco nói: “Các nhà sưu tập muốn một tác phẩm mẫu mực với khuôn khổ mà ai cũng nhận ra được tác giả”.

Bức Dì Marianne vẽ năm1965 hiện thuộc sưu tập của một nhà buôn tranh Đài Loan (Trung Quốc)


Năm nay 80 tuổi, Gerhard Richter tuy chưa phải là một tên tuổi quen thuộc tại Mỹ song đã được sùng bái khắp châu Âu. Sinh trưởng ở Dresden, sau đó ông sang Tây Đức sống không lâu trước khi bức tường Berlin bị xóa bỏ, nước Đức thống nhất.

Buổi đầu đến Tây Đức, ông vẽ những tranh chân dung gia đình đầy ám ảnh, trông như những mẩu giấy báo ố vàng, nhòe nhoẹt, trong số đó có bức Dì Marianne, người bị bọn quốc xã Đức giết chỉ vì bà mắc bệnh tâm thần, hay bức Cậu Rudi, một lính Đức phát xít bị chết trong Thế chiến thứ II…

Chính các tác phẩm đó đã khiến ông nổi tiếng, trở thành một tên tuổi lớn trong số các họa sĩ châu Âu thời hậu Thế chiến thứ II.

Những tranh trừu tượng là một thành tựu nữa của Gerhard Richter. Khi vẽ các bức trừu tượng khổ lớn, ông thường dùng một chổi ngoại khổ để quét những nhát màu ào ạt trên mặt toan.

Dù tranh của Gerhard Richter đang cực kỳ “ăn khách” nhưng buổi đầu nó cũng vất vả tìm thị trường. Rudolf Zwirner, một trong những nhà buôn tranh đầu tiên chú ý đến tác phẩm của Gerhard Richter vào năm 1962.

Nhưng lúc đó giá tranh của ông chưa bao giờ lên đến 1.000 USD. Khi mà tác phẩm của các siêu sao như Lucian Freud, Francis Bacon đã có bao nhà buôn ở Mỹ săn tìm thì tranh của Gerhard Richter vẫn chỉ có một nhà buôn ở New York là Marian Goodman làm đại diện.

Gerhard Richter vẽ tranh trừu tượng với chổi quét khổ lớn

Nhưng dù có nhiều cố gắng để đưa tranh của Gerhard Richter vào dòng chảy thị trường, ông Marian Goodman cũng không thành công.

Ngay cả Jose Mugrabi và David Nahmad, hai nhà buôn tranh chủ yếu các tác phẩm của Picasso và Warhol cũng từng cho rằng Gerhard Richter chưa đủ sức để cạnh tranh với các bậc thầy hiện đại trên thị trường Mỹ.

Thậm chí ông Mugrabi còn nói nghệ thuật của Gerhard Richter chỉ mang tính thời trang và “không quan trọng”.

Tuy nhiên, các khuynh hướng trong mỹ thuật đương đại cũng có thể thay đổi rất nhanh chẳng kém các khuynh hướng thời trang.

Cuối thập niên 1980, các tranh trừu tượng hình học của họa sĩ Mỹ Frank Stella đã được nâng lên nhanh chóng ở mức gần 4 triệu USD trước khi đạt tới đỉnh vào năm 1989, nhưng sau đó hầu như cái tên Frank Stella biến mất ở các sàn đấu giá.

Các tác phẩm trừu tượng của họa sĩ Mỹ Mr. Rothko cũng từng được đẩy lên tới… trời với giá 72,8 triệu USD cho một bức được bán vào năm 2007, nhưng từ đó tới nay chẳng có tác phẩm nào của ông có được một nửa giá kỷ lục đó nữa.

Chính vì vậy mà Nicolai Frahm, một nhà tư vấn nghệ thuật cho biết ông đã khuyến cáo các nhà sưu tập là khách hàng của ông rằng “hãy tìm mua tranh của ông Richter trước khi giá tranh ông ấy bão hòa”.

NGÃ VĂN


Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean