Tiểu sử của Zuckerberg thì hầu như ai cũng biết, bao gồm tuổi thơ ở thị trấn Dobb Ferry, bang New York (Mỹ), cuộc chiến giành quyền sở hữu Facebook tại Đại học Harvard và sự thành công vượt bậc tại thung lũng Silicon.
Nhưng đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) đã mở ra một chương hoàn toàn mới cho câu chuyện về một trong những công ty vĩ đại nhất của thế giới. Và nó cũng biến Zuckerberg trở thành một trong những người giàu nhất thế giới với số cổ phần nắm giữ có giá trị ước tính lên đến 18,7 tỉ USD.
Tuy nhiên, gạt những con số qua một bên thì câu hỏi mà nhiều người muốn biết nhất chính là liệu Zuckerberg đã sẵn sàng cho chuyện này? Liệu anh ấy đủ “trưởng thành” để điều hành một công ty đại chúng với giá trị vốn hóa lớn hơn cả tập đoàn tài chính khổng lồ Goldman Sachs và hãng bán lẻ lừng danh McDonald?
Để đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc nói trên, tờ New York Times (Mỹ) đã có một bài phân tích về tính cách và con người của Mark Zuckerberg.
Thiên tài nhưng tính khí... hơi thất thường
“Khi quyết định đầu tư vào một công ty nào đó, bạn thường phải đặt cược vào khả năng lèo lái của người sáng lập. Và Mark làm điều đó rất xuất sắc" - Reid Hoffman, đồng sáng lập trang mạng xã hội Linkedln, đồng thời cũng là cố vấn của Zuckerberg và là người ủng hộ tài chính cho Facebook trong thời gian đầu thành lập, nói với tờ The New York Times.
Bạn bè và đồng nghiệp của Zuckerberg đều khẳng định rằng trở thành Giám đốc điều hành của một tập đoàn là mục tiêu của anh trong một thời gian dài trước đây. Giống như các lập trình viên, Zuckerberg luôn cố vá các lỗ hổng trong các đoạn mã mà mình viết ra để đảm bảo chúng không bị lỗi.
Ngay cả bây giờ, khi đã nắm trong tay hàng tỉ USD, Zuckerberg vẫn cực kỳ dè chừng những giới hạn của bản thân. Đối với thế mạnh về thiết kế sản xuất và lên kế hoạch của mình, Zuckerberg muốn đích thân tổ chức và sắp xếp từng công đoạn. Còn đối với hạn chế về mặt quản lý quy trình hoạt động hằng ngày, Zuckerberg thuê những người giỏi trong từng lĩnh vực về làm thay cho mình.
Tuy nhiên, thành thật mà nói thì tính khí của Zuckerberg vẫn có chút gì đó thất thường, nhất là đối với giới đầu tư tại thị trường tài chính Phố Wall, vốn nặng về truyền thống.
Trong cuộc họp với các cổ đông chiến lược tại New York hôm 7.5, một vài cổ đông cảm thấy khó chịu với bộ cánh quần jean, áo khoác trùm đầu của vị CEO trẻ và cho rằng Zuckerberg coi thường giới tài chính.
“Khoác trên mình cái áo khoác trùm đầu, Mark muốn cho các nhà đầu tư thấy mình không mấy quan tâm đến những việc đang diễn ra. Tôi cho rằng đây là một biểu hiện của sự thiếu chín chắn. Anh ta nên tôn trọng các cổ đông vì anh ta đang cần tiền của họ mà", chuyên gia tài chính Michael Pachter của công ty chứng khoán Wedbush Securities nói với kênh truyền hình Bloomberg TV.
Nhưng phải thừa nhận là hình ảnh một Mark Zuckerberg với kiểu ăn mặc bất cần như vậy đã trở nên quen thuộc với hơn 900 triệu người dùng Facebook trên toàn thế giới, bao gồm cả các nhà đầu tư tại Phố Wall.
“Nói về tìm tòi, học hỏi thì anh ấy như miếng bọt biển, luôn cố gắng tìm hiểu cho đến cùng. Anh ấy là người có tần suất đặt câu hỏi nhiều nhất mà tôi từng gặp. Luôn miệng hỏi "tại sao? tại sao?" và đặc biệt là luôn ý thức được mình hay, dở chỗ nào", một người bạn giấu tên của Zuckerberg cho biết.
Nhà quản lý "độc tài"
Người ta khó tìm thấy ở Zuckerberg các tính cách đặc trưng của mẫu CEO độc tài, luôn khó gần và hà khắc với nhân viên. Tuy nhiên, những người biết rõ Zuckerberg thì cho biết anh có tố chất của một nhà lãnh đạo độc tài.
Joe Green, từng là bạn chung phòng ký túc xá với CEO hiện tại của Facebook hồi ở Harvard, nói rằng rất khó kết bạn với Zuckerberg.
"Có thể bạn thấy điều này không tốt, nhưng để có thể sáng tạo ra những thứ như Facebook, bạn phải có cá tính như vậy", Green cho biết.
Vì vậy, có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên cho nhiều người khi được biết rằng Zuckerberg mê mẩn lịch sử Hy Lạp cổ đại và Rome. Trò chơi điện tử ưa thích của cậu bé Zuckerberg chính là tựa game xây dựng nổi tiếng Civilization, vốn đòi hỏi người chơi phải dựng nên một đế chế mà có thể trường tồn cùng thời gian.
Suýt bán Facebook cho Yahoo
Vào năm 2006, Giám đốc Yahoo lúc đó là Daniel L. Rosensweig tỏ ra muốn mua Facebook cho bằng được. Và Zuckerberg đã ra giá 1 tỉ USD, vốn chỉ bằng một phần 100 giá trị mà Facebook dự kiến đạt được trong đợt IPO sắp tới.
Cả hai đã đi đến thống nhất về thương vụ nói trên chỉ bằng một cái bắt tay. Tuy nhiên, cổ phiếu Yahoo bất ngờ giảm mạnh và tập đoàn này đề nghị Zuckerberg hạ giá xuống còn 850 triệu USD.
Zuckerberg cuối cùng đã từ chối. Sau đó, anh thề sẽ kiên quyết nắm giữ quyền lãnh đạo Facebook cho đến cùng và sa thải những nhân viên đã ủng hộ thương vụ với Yahoo.
Theo Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét