Trong môi trường truyền thông hiện đại, xây dựng thương hiệu phải có những đột phá nhằm tạo nên sự khác biệt.
Theo ông George Nguyễn, Giám đốc Điều hành Công ty TBWA Việt Nam, chi nhánh của Tập đoàn quảng cáo đa quốc gia Omnicom, thời gian gần đây, hiện đang có xu hướng nhìn nhận khác về xây dựng thương hiệu là: người tiêu dùng mới chính là chủ của thương hiệu.
Vậy thì thương hiệu có những giá trị sống nào phù hợp với người dùng nó? Một thương hiệu giúp người tiêu dùng đạt được điều gì trong cuộc sống của họ? Thương hiệu của bạn tồn tại ở đâu?...
Hiện nay, có rất nhiều cách để người tiêu dùng tiếp cận thương hiệu của doanh nghiệp (DN). Những người làm thương hiệu phải hiểu được họ đang thực sự làm gì, đại diện cho giá trị nào trong cuộc sống? Mục tiêu lớn nhất của đời họ là gì? Họ định làm gì để đạt mục tiêu đó?
“Làm thương hiệu không phải tiêu tốn nhiều tiền, mà phải xác định những việc cụ thể như mình đại diện cho cái gì, làm cho ai. Quan trọng là mình biết cách làm như thế nào. Không hẳn khi bạn làm TVC hoành tráng là tốt. Đã qua rồi cái thời làm thương hiệu theo kiểu: sản phẩm có đặc tính gì hay sản phẩm của mình là tốt nhất, mà cần phải có sự kết nối”, ông George Nguyễn nói.
Tại Việt Nam, bên cạnh phương tiện truyền thông truyền thống gồm hơn 100 kênh truyền hình, radio, 700 tờ báo, tạp chí, còn có sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông mới như internet, forum, mobile, iTV, iMobile và đặc biệt là truyền thông xã hội (social media) và mạng xã hội...
Tất cả tạo thành một bức tranh khó chọn lựa (phương tiện) trong việc xây dựng thương hiệu. Trong môi trường truyền thông phát triển theo hướng hiện đại như vậy, thương hiệu không phải là sản phẩm mà là cách làm. Làm sao phải xây dựng được sự kết nối thương hiệu với người tiêu dùng.
Theo đó, để làm thương hiệu không đơn thuần là trả lời câu hỏi mình sản xuất cái gì, mà là mình đại diện cho ai, như thế nào mới làm được. Khi làm thương hiệu, các DN Việt Nam nên nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài.
Khi xây dựng thương hiệu, điều hầu hết các DN đều mong muốn là tăng thị phần và lợi nhuận, và họ chỉ thành công khi chiếm được tâm trí khách hàng.
Đây là việc không đơn giản bởi hằng ngày có đến hàng nghìn, hàng vạn thông tin quảng cáo về các sản phẩm, thương hiệu trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng.
Vậy làm thế nào để thương hiệu của DN được người tiêu dùng chú ý? Theo các chuyên gia, bạn phải viết được một câu chuyện thật ý nghĩa và cuốn hút về thương hiệu.
Câu chuyện của thương hiệu sẽ góp phần trả lời những câu hỏi cơ bản nhất: Tại sao DN quyết định thế này mà không phải thế kia? Tại sao khách hàng cần đến bạn? Tại sao bạn có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn những thương hiệu khác? Tại sao bạn chọn logo kiểu này? Tại sao bạn chọn các thông điệp quảng cáo này? Và tại sao người ta quyết định chọn thương hiệu của bạn chứ không phải là thương hiệu khác?
Các chuyên gia cho rằng, câu chuyện thương hiệu phải hội đủ 3 yếu tố: ý tưởng mạch lạc, rõ ràng; bố cục chặt chẽ; nội dung đặc sắc. Và khi đã có câu chuyện thương hiệu hấp dẫn thì việc còn lại là phải chọn được kênh quảng bá thương hiệu phù hợp.
Nếu như câu chuyện giúp người tiêu dùng chú ý đến thương hiệu, thì hình thức quảng cáo và thiết kế có thể tiếp sức thêm cho hệ thống nhận diện thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
“Nhưng không có kỹ thuật chung nào cho tất cả các DN, cho mỗi nhóm khách hàng, bởi hiện nay có quá nhiều kênh quảng bá khác nhau. DN phải tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và những gì mình hướng tới để lựa chọn kênh quảng bá phù hợp”, ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo quảng cáo Việt Nam (ARTI Vietnam) tư vấn.
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét