Sau những tin đồn tăng giá, chiều ngày 7/3/2012 giá xăng dầu cũng đã tăng thật, thậm chí còn tăng “khủng” tới 2.100 đồng/lít. Trong giới kinh doanh xăng dầu, kẻ mừng thầm, người cuống cuồng cùng với sự thất thần đến ngơ ngác của người dân trước đợt tăng giá này.
Trước thời điểm tăng giá không lâu, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại một số tỉnh trên cả nước xin được tạm dừng hoặc tiết giảm thời gian bán hàng. Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Bộ đã nhận được thông tin một số đơn vị, cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Đà Nẵng, Hà Tây (cũ), Đăk Nông, Đăk Lăk, TP.HCM, Huế... xin tạm dừng hoặc tiết giảm thời gian bán hàng.
Trên thực tế, cũng chẳng chờ phải xin ý kiến được ngừng bán hàng, một số cây xăng đã tự ý tạm nghỉ bán với đủ lý do, hết xăng, thua lỗ, sửa chữa, mất điện…
Một số báo đã đưa tin, ngày 5.3, nhiều cây xăng trên địa bàn TP.Đà Nẵng ngừng bán xăng cho khách hàng, với nhiều lý do. Cửa hàng xăng dầu số 2 thuộc Công ty TNHH Nhật Khánh (giao lộ đường Duy Tân - Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu) treo thông báo “tạm nghỉ sửa chữa” từ 2 ngày nay.
Cửa hàng xăng dầu Trung tâm TDTT Quốc phòng 3 (số 7 Duy Tân) cũng đóng cửa. Trạm Xăng dầu 375 ở 281 Trường Chinh để tấm bảng “mất điện”, dù cùng thời điểm thì các ngôi nhà kề bên đều có điện. Một số cây xăng trên đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà) và đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu) rút ngắn thời gian hoạt động (từ 6 - 22 giờ)...
Tiền Phong đưa tin, sáng 5/3, tại đại lý bán lẻ xăng dầu của DN tư nhân TM&VT Lan Anh ở góc đường Âu Cơ - Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TPHCM) treo biển thông báo hết xăng và ngừng bán xăng.Khoảng 16 giờ cùng ngày, cửa hàng xăng dầu Ngọc Đến ở địa chỉ 140-142 Nguyễn Xí, Phường 26, Q.Bình Thạnh (TPHCM) không có nhân viên đứng đổ xăng. Trong vòng khoảng 5 phút, có hơn trăm chiếc ô tô, xe máy ghé vào nhưng đều phải quay ra vì không được đổ xăng. Cũng với lý do: hết xăng!.
Nhiều người dân đã phải chịu cảnh dắt bộ xe đi hàng ki lô mét để mua xăng. Thậm chí rất nhiều người phải mua xăng giá "chát" tại một số điểm bán lẻ.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 6/3/2012, có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, hai Bộ có liên quan tới điều hành giá xăng dầu. Người phát ngôn của Chính phủ ông Vũ Đức Đam mới thông báo chỉ đạo của Chính phủ, rằng Bộ Công Thương có trách nhiệm xử lý những doanh nghiệp tự ý găm hàng chờ tăng giá. Tuyệt nhiên chưa có thông tin gì thêm về tăng giá xăng.
Và cũng chỉ mới đây, Vụ Thị trường trong nước cho biết, giá cơ sở đối hàng xăng dầu hiện đang vượt giá bán lẻ hiện hành. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu tới đây có hay không vẫn sẽ phải tuân theo nguyên tắc theo giá thị trường nhưng phải tính đến việc bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát.
Ấy vậy mà, bỗng dưng giá xăng đột ngột tăng trong sự ngơ ngác của nhiều người. Và cái tin đồn trước đó đã không phải là tin đồn thất thiệt.Câu chuyện “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông” lại tái diễn. Trong khi nhiều điểm bán xăng găm hàng chờ tăng giá và thông tin tăng giá tràn ngập trên mặt các báo điện tử ( nhưng phươn tiện truyền thông chính thống được coi là nhanh nhất) trước cả thời điểm tăng giá xăng (16h), thì nhiều điểm bán xăng dầu khác lại hoàn toàn bị động nhận tin điều chỉnh tăng giá sau 16h (thời gian có hiệu lực điều chỉnh giá).
Theo VNE, nhiều cây xăng tại Tp. HCM nhận tin tăng giá sau thời điểm 16h khiến nhân viên cuống cuồng thay giá. Tại Hà Nội, một số cây xăng tại quận Cầu Giấy, quận Hoàng Mai nhận tin giá xăng tăng chậm hơn 10 phút và có nơi nhận nhanh nhất trước thời điểm tăng chỉ 5 phút.
Ngay trong chiều ngày 7/3, chủ một cây xăng tại quận Hoàng Mai cho biết, bản thân ông chơi khá thân với doanh nghiệp đầu mối, song cũng không biết giá xăng tăng từ chiều nay. "Thông thường, những lần tăng trước, tôi biết trước thông tin khoảng 1-2 ngày, nhưng lần này, mọi tin tức đều kín như bưng", chủ cây xăng nói. Ông này cũng khẳng định, lần tăng giá này, không có chuyện người dân đổ xô đi mua, vì không ai biết. "Bản thân tôi làm 30 năm trong nghề và là chủ cây xăng cũng không được đầu mối thông báo, huống chi người dân", ông chia sẻ.
Theo một số chuyên gia kinh tế, những lý do ngừng bán nêu trên, hay những hiện tượng găm hàng mỗi khi chuẩn bị có đợt tăng giá sẽ khó tái diễn nếu các cơ quan chức năng quản lý, giám sát chặt. Cần phải có bộ phận chuyên trách, thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thông qua chứng từ nhập và bán xăng có thể xác định được doanh nghiệp đó còn hàng hay hết.
Thiết nghĩ, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu là cần thiết nhưng do xăng dầu là những mặt hàng khá “nhạy cảm” và đã có “tiền sử” về đầu cơ, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, kinh tế xã hội, nên chăng những cơ quan có liên quan đến câu chuyện tăng giá này cần xem xét lại quy trình công bố thông tin, quy trình giám sát các điểm kinh doanh xăng dầu. Tránh tình trạng tin đồn lại không phải là thất thiệt, khiến Chính phủ phải mất thêm thời gian chỉ đạo xử lý việc găm hàng chờ tăng giá. Bên cạnh đó, cũng đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu làm ăn nghiêm túc, thực hiện đúng quy trình đã được quy định.Người dân cũng bớt “khổ sở” vì những cây xăng đóng cửa.
kienthuckinhte.com
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét