Bầu không khí trong lành và se se lạnh từ các cơn gió nhẹ của buổi ban mai ngày cuối tuần (13/4/2012) tại thành phố hoa Đà Lạt đã làm vơi đi phần nào cái mệt mỏi sau hành trình “leo núi vượt đèo” từ TP.HCM. Và chúng tôi - những diễn giả lại cảm thấy phấn chấn và hào hứng vì một lần nữa lại có dịp trao học bổng cho các sinh viên nghèo hiếu học, truyền giảng về đạo làm giàu của cụ Lương Văn Can cho giới trẻ ngày nay - Kinh doanh phải trung thực và hiếu nghĩa!
Sinh viên đặt câu hỏi giao lưu
Trong hội trường của trường ĐH Đà Lạt, hai băng rôn treo dọc hai bên sân khấu có nội dung khá ấn tượng: “Tuổi trẻ đại học Đà Lạt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Sinh viên đại học Đà Lạt rèn đức, luyện tài, trang bị kỹ năng, sẵn sàng hội nhập”. Kim chỉ nam định hướng con đường lập thân và lập nghiệp cho sinh viên đã được Ban giám hiệu nhà trường đúc kết thành câu khẩu hiệu mang bản sắc riêng của một ngôi trường có bề dày lịch sử hơn 50 năm.
Làm sao các chị doanh nhân nữ có thể chu toàn bổn phận ở các vai trò khác nhau? Việc làm cụ thể của doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đến xã hội và cộng đồng là gì? Trước một nền giáo dục chưa tiên lượng được nhu cầu xã hội để chọn nghề thì sinh viên phải làm gì? Dường như quá trình xin việc không được công khai và minh bạch lắm? Lo lắng vì lao động nữ dễ có nguy cơ mất việc sau những lần mang thai và nghỉ thai sản… - Những câu hỏi dồn dập của các bạn sinh viên Đà Lạt đặt ra trong buổi giao lưu thực sự cuốn hút chúng tôi.
Sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả
Trước tình trạng chưa tiên lượng được nhu cầu nghề nghiệp sau khi rời ghế nhà trường, trước mắt, tốt hơn hết là các em cần củng cố thêm những kiến thức - Học những gì cần học, nhất là sinh ngữ không thể thiếu. Tích cực tham gia công tác đoàn thể để học tập và rèn luyện tinh thần làm việc nhóm.
Các chứng chỉ nghề hoặc giấy chứng nhận tham gia các khóa học ngắn hạn về kỹ năng, các sự kiện sẽ là những “bảng điểm” để giới sinh viên thu hút sự chú ý và chinh phục nhà tuyển dụng. Các em cần thể hiện sự trung thực ngay từ khi viết thư xin việc (không sao chép từ người khác hoặc trích lục trên mạng, nhất là khi phải viết bằng tiếng Anh), nghiêm túc trong trang phục (không mặc quần ngắn, áo thun, vác ba lô...); lời nói, ngữ điệu, chữ viết và cử chỉ cũng cần đúng mực. Và, các em đừng bao giờ nuôi dưỡng cách suy nghĩ thụ động, tiêu cực để rồi tự đặt mình trong trạng thái lo sợ “mất việc làm sau những tháng nghỉ thai sản”.
Điều hạnh phúc nhất là sống với công việc mình yêu thích. Nhưng thử hỏi, có bao nhiêu người có được may mắn làm đúng chuyên ngành mình học? Vậy thì, hãy tự nâng cao khả năng thích nghi với mọi môi trường công việc và nuôi dưỡng một ý chí, một tham vọng làm giàu bằng ý tưởng và kỹ năng.
Sinh viên vượt khó học giỏi nhận học bổng DNSG
Bất kể doanh nhân nam hay nữ đều phải nỗ lực chu toàn cùng một lúc nhiều vai trò: làm chồn/vợ, làm cha/mẹ, làm sếp của một công ty, một tổ chức. Đó chính là tinh thần trách nhiệm với vai trò mà chúng tôi phải gánh vác. Chúng tôi phải sắp xếp quản lý thời gian để cân bằng cuộc sống gia đình, công việc và bản thân, đồng thời phải bền bỉ học tập. Chúng tôi cũng phải chấp nhận hy sinh để giảm bớt hoặc bỏ đi những sở thích vui chơi giải trí của bản thân, đổi lại, chúng tôi nhận được sự cảm phục, quý mến và ủng hộ của những người xung quanh, và đó là động lực lớn lao thúc đẩy chúng tôi thành công.
Có bạn sinh viên hỏi: Có cách nào để thay đổi nhận thức của nhà lãnh đạo, nhà sản xuất, nhà phân phối hoặc người lao động trực tiếp để không còn tồn tại những bất cập do thiếu đạo đức nghề nghiệp (như việc trồng rau, bảo quản rau quả dưới chuẩn để kiếm thêm lợi nhuận)? Giá trị đạo đức kinh doanh trước áp lực của một xã hội tối đa hóa lợi nhuận nằm ở đâu?
Chúng tôi đã chia sẻ với các em như thế này:
Trong chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ, từ đầu vào đến đầu ra phải trải qua nhiều quá trình trung chuyển. Nếu nhận thức sai, những người thực hiện, đảm nhiệm những “mắt xích” đó không tuân thủ những quy ước, nguyên tắc, cam kết thì sẽ dẫn đến sản phẩm tại đầu ra bị lỗi. Đó là lý do mà người tiêu dùng Việt Nam luôn phải canh cánh lo sợ: không biết rau quả của nhà vườn nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thịt heo siêu nạc của trang trại nào có sử dụng chất beta-agonist…
Chúng ta đang sống trong một thế giới, một thời đại của sự tương tác, không bao giờ có sự trung lập đối với hành vi gây ảnh hưởng đến người khác, chỉ có thể là tốt hay xấu mà thôi. Nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế tri thức dựa vào ý tưởng và kỹ năng để làm giàu. Những hành vi xấu, làm tổn thương và nguy hại đến tài sản và tính mạng của người khác sớm muộn gì cũng sẽ bị xã hội phanh phui và bài xích.
Kinh doanh không chỉ đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận, nó phải gắn liền với việc nhận thức trách nhiệm với nhà nước và xã hội. Cần xem việc đóng thuế là trách nhiệm và niềm vinh hạnh của một công dân; xem việc tham gia công tác xã hội, từ thiện… là một phần sẻ chia, trả ơn với đời, với người.
Hiểu được điều ấy trước khi bắt đầu xây dựng sự nghiệp, chính là các em đã "lập thân" trước khi "lập nghiệp". Và chỉ có như thế thì việc lập nghiệp mới thành công thực sự, kết quả mới bền lâu.
kienthuckinhte.com
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét