Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Tỷ phú từ... chuối

Nghề trồng chuối tiêu hồng đã mang lại bộ mặt mới cho một ngôi làng ở bãi sông Hồng mà chừng 6 năm về trước còn rất nghèo nàn.

Bây giờ về làng Năm Mẫu, được coi là vựa chuối của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên sẽ thấy những cánh đồng chuối bát ngát xanh và những ngôi nhà cao tầng. Vào chính vụ người dân thu hoạch, chuối được chở xe lớn xe bé mang đi xuất khẩu. Nghề trồng chuối tiêu hồng đã mang lại bộ mặt mới cho một ngôi làng ở bãi sông Hồng mà chừng 6 năm về trước còn rất nghèo nàn.

Làng trồng chuối

Khắp các cánh đồng của làng Năm Mẫu, chỗ nào cũng thấy những ruộng chuối xanh tốt. Nơi thì đang trong kỳ thu hoạch, nơi chuối đang chuẩn bị ra hoa, lại có cánh đồng chuối vừa được trồng để kịp thu hoạch vào cuối năm. 99% diện tích đất của làng Năm Mẫu, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu đều được chuyển đổi, trồng chuối tiêu hồng và đây là một bước đột phá trong sự phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Nếu trước kia mỗi sào đất trồng rau màu, dong, riềng chỉ đem lại cho người nông dân khoản lãi xấp xỉ 1 triệu đồng thì cây chuối tiêu hồng cho thu lãi mỗi vụ từ 4 đến 5 triệu đồng/sào/năm. Mỗi héc-ta trồng chuối tiêu hồng cho thu lãi từ 2 đến 300 triệu đồng/năm, gấp khoảng 4 lần so với trồng lúa. Ông Lê Đình Thảo, phó chủ tịch UBND xã Tứ Dân cho hay: "Trước kia người dân trong xã trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng năng suất và hiệu quả thấp, từ khi họ vay vốn ngân hàng, chuyển đổi sang trồng chuối tiêu hồng thu nhập tăng lên rất nhiều, đến nay có những thôn 99% diện tích canh tác trồng cây chuối tiêu hồng. Cũng chính nhờ chuối tiêu hồng mà cả xã đa phần làm nông nghiệp nhưng không còn hộ đói nghèo".

Ở làng Năm Mẫu, hiện nay có rất nhiều hộ gia đình giàu có nhờ trồng loại chuối năng suất này, họ đã xây được nhà tiền tỷ, góp phần làm cho làng xã trở nên giàu đẹp. Những ông chủ như Ngô Văn Đán, Trần Văn Sĩ, Ngô Văn Công... sở hữu hơn chục mẫu là thường, thu lãi hơn một tỉ đồng mỗi năm. Chị Ngô Thị Thuý tâm sự: "Trồng chuối từ những ngày đầu tiên nhưng từ khi có giống chuối tiêu hồng gia đình tôi mới thu được hiệu quả kinh tế cao nhất. Vừa thâm canh trên diện tích đất của gia đình chúng tôi còn thuê thêm đất bãi của xã bên, đến nay gia đình đã có gần 14 mẫu chuối...".

Học tập xã Tứ Dân, đặc biệt là làng Năm Mẫu, một số làng của các xã của huyện Khoái Châu như: Đại Tập, Đông Kết... cũng dồn ruộng, vay vốn để đầu tư trồng chuối tiêu hồng và loại cây này cũng trở thành cây trồng cho thu nhập chính. Bên cạnh đó, người nông dân có thể trồng xen những cây rau màu ngắn ngày trong ruộng chuối để tăng thêm thu nhập mà không ảnh hưởng đến năng suất chuối.


Việc tiêu thụ chuối tiêu hồng ở Tứ Dân cũng khá dễ dàng. Vào mùa, hàng đoàn xe tải, xe thồ lại về khu vực và nhiều địa phương khác trong huyện mua chuối đem đi xuất khẩu. Những buồng chuối đẫy tháng đều tăm tắp, quả nào quả nấy tròn căng trông rất thích mắt. Anh Đoàn Văn Vinh, một thương lái đã nhiều năm mua chuối cho biết, chuối tiêu hồng của Khoái Châu, nhất là làng Năm Mẫu luôn đạt chất lượng cao nhất, nải đẹp, quả đều, to, ngon ngọt, rất được lòng khách hàng... Không chỉ có anh Vinh, nhiều thương lái trong tỉnh và ở Hà Nội, Hải Dương... đã quen thuộc với chuối tiêu hồng Năm Mẫu. Cứ đến hẹn lại lên, họ ra tận ruộng gom chuối hoặc đặt hàng trước chứ ít khi người trồng chuối phải thồ đi bán như trước đây. Chưa năm nào cây chuối tiêu hồng làm người nông dân thất vọng, giá cả cũng ngày càng tăng khá. Nửa đầu năm 2011, loại chuối này lại càng được giá, do nhu cầu thị trường Trung Quốc, Nga... rất ưa chuộng

Ơn người mang nghề về làng

Để có được cuộc sống khấm khá, sung túc, có của ăn của để, người dân rất biết ơn ông Ngô Văn Công, một người đã mang giống chuối tiêu hồng về làng. Ông Ngô Văn Công sinh năm 1968, cũng như bao thanh niên khác trong làng, ông xây dựng gia đình và sớm lao vào cuộc sống vất vả. Ban đầu, ông sống bằng nghề nấu rượu và chăn nuôi, sau đó thấy nấu rượu cũng bị độc hại bởi khói than, hiệu quả không cao nên hai vợ chồng sắm xe đạp đi buôn chuối. Chục năm lặn lội khắp các làng quê miền Bắc để gom hàng, ở đâu có chuối ngon ông đều thông thạo. Năm 2003, ông Công thồ xe chuối cả xanh lẫn chín lên Hà Nội bán. Cũng tại đây, ông nhìn thấy một người bán những nải chuối tiêu màu vàng, bóng mượt, rất đẹp và lạ mắt. Ông tưởng người ta nhuộm thuốc hay phun loại sơn gì vào để lừa khách hàng. Tò mò, ông dùng nước bọt bôi lên quả chuối và lau, chẳng có chất gì phai ra cả. Người bán chuối kia nói: "Có phun cái gì đâu mà anh thử, nó vàng như thế đấy". Lân la hỏi xuất xứ của loại chuối này, chị bán chuối lắc đầu quầy quậy không nói. Ông Công phải dúi vào tay chị một ít tiền (bằng cả buồng chuối lúc bấy giờ), bảo: "Chị làm ơn chỉ giúp, tôi muốn mua ít giống về trồng". Mãi sau chị ta mới tiết lộ: "Anh về xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam mà hỏi. Đây là loại chuối tiêu hồng, quả rất thơm và ngon."

Vui sướng vì được cung cấp địa chỉ, hôm sau ông Công đạp xe xuôi đê sông Hồng, tìm đến xã Hòa Hậu, nơi có giống chuối tốt, rồi đến tìm gặp những ông chủ vườn chuối, xin họ bán giống. Phải mất gần 10 ngày mới mua được 400 cây giống. Về nhà, lứa đầu tiên trồng gia đình phát hiện ra có đến hơn 100 cây là chuối tiêu xanh, kém năng suất hơn rất nhiều do các chủ vườn ở Hòa Hậu cố tình cho kèm vào.

"Dẫu vậy, tôi và bà xã đã đánh dấu tất cả những gốc tiêu xanh để bỏ đi, còn tiêu hồng thì nhân giống ra, chia cho anh em họ hàng cùng trồng. Và giờ toàn bộ diện tích của chúng tôi đều được đầu tư trồng loại chuối tiêu hồng này. Nó có đặc điểm là quả chín vàng, mọng, đẹp mã, vỏ chín mà bên trong vẫn cứng. Không như chuối tiêu xanh, vỏ xanh mà có khi bên trong đã nhũn, rất khó vận chuyển". Từ năm 2004 đến nay, mỗi năm ông Công bán cho bà con khoảng 2 vạn cây giống, giá 2.000-4.000 đồng/cây. Mới đây, nghe tiếng giống chuối tiêu hồng, các thương lái ở miền Nam đã tìm ra Năm Mẫu, mua giống về bán cho chủ vườn trồng. Hiện, ông Công có 13 mẫu chuối tiêu hồng, với giá bán 100.000-120.000 đồng/buồng.

Anh Trần Văn Sĩ - người sở hữu 14 mẫu chuối cho hay: "Người Năm Mẫu là những dân cư nghèo, thấy giống cây nào trồng phù hợp, cho năng suất cao thì theo. Tuy nhiên, người dân chúng tôi cũng rất biết ơn ông Công, người đã tìm ra cây chuối tiêu hồng, phù hợp với vùng đất bãi này. Từ đó mà làng phát đạt, con cái được học hành tấn tới".

Các chủ vườn khác như Nguyễn Hữu Tứ, Ngô Văn Đán cũng chỉ có mấy sào ruộng theo tiêu chuẩn, diện tích này không thể phát triển được cây chuối. Từ năm 2005, học theo ông Công họ đều vay tiền ngân hàng, thầu thêm ruộng của người dân xã bên để mở rộng diện tích trồng chuối, có năm lên đến 15 mẫu. Từ năm 2007, họ đã trả hết nợ ngân hàng, có của ăn của để và xây được nhà tiền tỉ. Cây chuối tiêu hồng trở thành cây làm giàu cho cả làng.

Yên tâm sống với nghề

Nhìn những cánh đồng chuối bát ngát, những ngôi nhà cao tầng mọc lên như những ngôi biệt thự ven bãi sông Hồng, ít người biết chính cây chuối đã mang lại đời sống kinh tế khá giả cho người dân nơi đây và họ có thể yên tâm mà sống bằng nghề. Trong tương lai, một số ông chủ nuôi hy vọng sẽ nhân giống cây này để mở trang trại ở một số tỉnh lân cận, vừa giúp bà nông dân con nơi đó phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương mà những người đầu tư còn có thể có thu nhập cao hơn.

Còn tại Năm Mẫu, người dân được nhờ vào ý chí và sự sáng tạo của ông Công, để hôm nay họ có thể nở nụ cười thật tươi, thật sáng vì cuộc sống đang phát triển, phồn thịnh.

Theo Đại Đoàn Kết


Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean