Hoạt động đối ngoại có thể giúp nâng cao vị thế và đem lại những lợi ích to lớn không đo đếm được cho doanh nghiệp. Đó là chia sẻ của chị Phạm Thị Đức Hạnh, Giám đốc Đối ngoại Truyền thông của Tập đoàn C.T Group.
Đối ngoại là hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, không phải loại công việc làm ra sản phẩm. Vì vậy, một giám đốc đối ngoại giỏi bao giờ cũng đi kèm với một người "sếp" hiểu biết và có chiến lược, đủ tầm để hỗ trợ cho hoạt động đối ngoại đạt hiệu quả và biết đánh giá đúng hiệu quả đó. |
- Thưa chị, một năm trở lại đây, C.T group xuất hiện mạnh mẽ qua các hoạt động đối ngoại như thành lập các chi hội hữu nghị Việt: - Mỹ, Việt- Trung, rồi cả chương trình lãnh sự danh dự Bồ Đào Nha; hợp tác với các doanh nghiệp của Nhật, Úc, Ma-cao, Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia... Vì sao lại như vậy?
C.T Group kinh doanh đa ngành: bất động sản, bán lẻ cao cấp, y tế, ẩm thực, giáo dục, đồn điền, khoáng sản, đầu tư tài chính… nên hoạt động đối ngoại của C.T cũng phải ở tầm cao hơn và … dồn dập hơn.
Ban Đối ngoại truyền thông của tôi có chưa tới 10 người, thực hiện toàn bộ các công việc đối ngoại (B2B - Business to Business, doanh nghiệp trong và ngoài nước; B2G - Business to Government, gồm cả các cơ quan chính phủ trong nước và nước ngoài, chính quyền các tỉnh thành; quan hệ công chúng, với báo chí và các tổ chức xã hội). Ngoài ra, Ban cũng là đơn vị đầu mối của 36 công ty thành viên về các hoạt động marketing, quản lý thương hiệu, tổ chức sự kiện và truyền thông.
- Mới đây C.T Group cũng được biết đến với việc ông Trần Kim Chung - Chủ tịch tập đoàn, trở thành Lãnh sự danh dự của Bồ Đồ Nha tại Hà Nội. Chị có kỷ niệm nào đáng nhớ trong chương trình này?
Việc ông Trần Kim Chung được chọn lựa trở thành Lãnh sự danh dự cũng là do nỗ lực cá nhân của ông Chung. Việc đưa đoàn ngoại giao Bồ Đào Nha và ông Trần Kim Chung ra mắt tại Hà Nội có thể nói là một sự kiện "nghẹt thở" vì mệt và hồi hộp. Ông Đại sứ Bồ Đào Nha chỉ ở Hà Nội có 1 ngày mà lại muốn làm việc với Bộ Ngoại giao, VCCI, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Buổi tối lại là lễ ra mắt. Tôi chỉ có 1 tuần để chuẩn bị. Chắc hẳn ai ở Việt Nam đều biết liên hệ với các cơ quan công quyền để họ tiếp đón một đoàn ngoại giao không hề đơn giản, thậm chí có thể thay đổi vào phút cuối. Với sự giúp đỡ của rất nhiều người, nhiều tác động cuối cùng các cuộc hẹn cũng đã được sắp xếp như kế hoạch.
- Chị có thể bật mí một vài bí quyết của người làm đối ngoại doanh nghiệp?
Tôi không có bí quyết, chỉ đơn giản là xác định luôn phải tận tâm, tận lực cho công việc. Không ai hoàn hảo và biết hết mọi điều. Vì vậy tôi phải vừa làm vừa học hỏi ở những người hiểu biết hơn.
Khi làm việc, người làm công tác đối ngoại phải biết đặc thù của mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà mình muốn thiết lập quan hệ. Với các cơ quan Chính phủ của Việt Nam cũng khác với các cơ quan Chính phủ của nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng có cách tiếp cận khác nhau. Hiểu biết là điều tiên quyết để làm đối ngoại tốt. Không chỉ hiểu biết về tình hình kinh tế mà còn cần am hiểu các vấn đề chính trị, thời cuộc, văn hóa, xã hội… Thậm chí, người làm đối ngoại còn cần biết "đàn ca sáo nhị" để tham dự trọn vẹn các cuộc vui. Cho đối tác thấy sự nhiệt thành nhưng vẫn luôn phải giữ mình, đó là điều một phụ nữ làm đối ngoại không được xem nhẹ.
Ở C.T Group, ngoại giao kinh tế và ngoại giao nhân dân là song hành. Muốn "kết nối" thành công phải thật khéo léo. Khi mình xuất hiện ở đâu phải làm sao sự xuất hiện đó thật tự nhiên, bằng nhiều con đường khác nhau; có khi là chính thức (công văn, email…), có khi bằng mối quan hệ xã hội thông qua các buổi giao lưu, hữu nghị, thể thao, văn hóa…Tham dự các đám hiếu, hỉ, thăm hỏi người ốm tại bệnh viện…, tất cả những việc này không dễ được sắp đặt, nhưng phải làm sao sự sắp đặt đó diễn ra một cách tự nhiên nhất.
- Chị từng làm báo 13 năm, ở nhiều vị trí quan trọng của VnExpress, Đất Việt, Gia đình và Xã hội… nên chắc sẽ thuận lợi hơn để xử lý những mối quan hệ đa dạng. Nhưng để làm tốt công tác đối ngoại thì cũng phải tốn rất nhiều chi phí?
Phải thật lòng nói rằng, có những việc không phải có tiền là làm được. Và cũng có những việc tốn tiền mà cũng không thể làm gì khi doanh nghiệp không có thực lực. Kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy, làm đối ngoại tốn công hơn tốn của. Nếu làm khéo và có thực lực thì không những ít tốn tiền mà còn có hiệu quả cao nhờ xây dựng được những mối quan hệ bền chặt, dài lâu.
- Vậy nguyên tắc làm đối ngoại của chị là gì?
Ở CT Group, ngoại giao kinh tế và ngoại giao nhân dân là song hành. Muốn "kết nối" thành công phải thật khéo léo. Khi mình xuất hiện ở đâu phải làm sao sự xuất hiện đó thật tự nhiên. |
Chân thành và không được nói dối. Có thể không nói hết, nhưng không bao giờ được nói dối vì khi đối tác, khách hàng biết được mình nói dối họ sẽ mất lòng tin. Lúc đó nỗ lực xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp cũng như bản thân sẽ tan thành mây khói. Phải cho đối tác thấy sự hợp tác là đôi bên cùng có lợi và không được nói suông. Muốn vậy, người làm đối ngoại doanh nghiệp phải có kiến thức, có nhiều thông tin chính xác và biết cách xử lý kịp thời thông tin để có thể thuyết phục và tạo sự tin cậy, yên tâm, thân thiện với những người mà doanh nghiệp mình mong muốn có mối quan hệ tốt.
Và điều không kém quan trọng là phải bảo vệ hình ảnh của cá nhân cũng như doanh nghiệp mà mình làm đại diện. Nếu để hình ảnh của mình xấu thì doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu đại diện cho một doanh nghiệp không có thực lực thì người làm đối ngoại cũng dễ bị mất uy tín.
- Với tất cả những hiểu biết kinh doanh của chị cùng với những mối quan hệ đa dạng chị đã tích lũy từ thực tế công việc, có khi nào chị nghĩ đến sẽ làm doanh nghiệp của riêng mình chuyên về đối ngoại và tư vấn xúc tiến thương mại, đầu tư?
Với sự phát triển hợp tác của các doanh nghiệp hiện nay thì đây là một ý hay. Tôi sẽ suy nghĩ nghiêm túc về việc này (cười).
Làm đối ngoại không dễ, đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức, sự hiểu biết, có quan hệ rộng, có uy tín cá nhân và nhận được sự hỗ trợ và tin tưởng tuyệt đối của "sếp". Đối ngoại là hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, không phải loại công việc làm ra sản phẩm. Vì vậy, một giám đốc đối ngoại giỏi bao giờ cũng đi kèm với một người "sếp" hiểu biết và có chiến lược, đủ tầm để hỗ trợ cho hoạt động đối ngoại đạt hiệu quả và biết đánh giá đúng hiệu quả đó. Tôi hy vọng ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhìn được hiệu quả của hoạt động đối ngoại trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để tôi có nhiều cơ hội hỗ trợ hơn nữa.
DDDN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét