Là người xây dựng mô hình "bác sĩ gia đình" đầu tiên ở VN, có lúc, Tạ Minh Tuấn chán nản, tưởng chừng bỏ cuộc. Qua chông gai ấy, giờ anh được thừa nhận là nhà lãnh đạo trẻ nhất của BNI - tổ chức kết nối kinh doanh thành công nhất thế giới.
- So với nhiều doanh nhân khác thì anh đã chọn cho mình một lối đi riêng rất khó khăn trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Phải chăng anh là người thích "nổi bật" khi dám đối diện với trở ngại?
Đó là cả một câu chuyện dài từ cách đây 4 năm (năm 2007), khi đó tôi được biết tin ba mình bị bệnh ung thư. Căn bệnh của ba là điều không ai muốn song nó đã trao gửi cho tôi một khát vọng, một hoài bão, đó là được cống hiến trong ngành y, làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho con người.
Bệnh ung thư là một trong những bệnh mà nếu phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì hoàn toàn có thể chữa trị khỏi. Ung thư cũng như các một số bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch… hoàn toàn có thể phòng ngừa được, bằng cách điều chỉnh để có một lối sống (dinh dưỡng, vận động, tính chất công việc, môi trường, tinh thần…) tích cực. Bởi vì 80% những căn bệnh mãn tính đều là kết quả của lối sống mà con người đã chọn.
Họ tên: Tạ Minh Tuấn - Quê quán: Quảng Ngãi, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. - Là học sinh ban A trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. - Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp, ĐH Bách Khoa TP.HCM. |
Chứng kiến sự hồi phục của người cha yêu thương sau căn bệnh, cũng nhờ điều chỉnh tinh thần và lối sống theo hướng tích cực càng khiến tôi củng cố niềm tin của mình. Vì vậy tôi mong muốn đóng góp phát triển việc thực hiện Y học dự phòng (Preventive medicine) chứ không phải là mảng điều trị. Vì hiện nay mảng y tế cộng đồng (Public health) ở Việt Nam còn khá yếu và thiếu. Điển hình là Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nước dẫn đầu về tỷ lệ bị ung thư, tim mạch, tiểu đường… trên thế giới. Trong khi 80% những căn bệnh này đều có thể phòng ngừa được.Sau khi nghiên cứu, tôi nhận thấy mô hình phù hợp nhất để thực hiện y tế dự phòng là mô hình Bác sĩ Gia đình (Family Doctor). Khi xây dựng tốt mô hình này, ngoài việc giúp giảm thiểu tỷ lệ bệnh tật cũng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải của các bệnh viện thành phố.
- Lý do gì khiến anh chọn mô hình "Bác sĩ gia đình" trong khi thuật ngữ này vẫn còn khá xa lạ ở Việt Nam?
Sau một thời gian nghiên cứu, tôi thấy mô hình "Bác sĩ gia đình" rất phù hợp. Hiện nay các bệnh viện đang bị quá tải, dẫn đến thời gian khám cho người dân của các bác sĩ chỉ dao động trong khoảng vài chục giây đến vài phút, thời gian ngắn ngủi như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng điều trị và thiếu hẳn sự quan tâm chăm sóc chu đáo với người bệnh. Vì vậy bác sĩ chỉ kịp làm công tác điều trị một cách vội vàng cho người dân, thiếu hẳn công tác tư vấn, theo dõi sức khỏe để phòng bệnh.
Về phía người dân, họ cũng chỉ đến bệnh viện khi có bệnh. Như vậy định hướng ngành y tế Việt Nam lại đang tập trung vào việc điều trị bệnh trong cả nhận thức lẫn cách làm của cả 2 phía: người dân và bác sĩ. Theo thống kê của WHO khi 1 quốc gia đầu tư 1 USD vào việc phòng bệnh sẽ giúp quốc gia đó tiết kiệm đến 9-20 USD cho việc điều trị bệnh trong tương lai. Việt Nam còn là nước nghèo, song chi phí y tế lại tập trung rất lớn cho việc điều trị, vốn tốn kém hơn 9-20 lần so với việc phòng bệnh, đó là điểm nghịch lý và mâu thuẫn.
Như vậy hệ thống bệnh viện hiện tại chỉ thực hiện được sứ mệnh chữa trị, và nó cần sự hỗ trợ từ một lực lượng khác: "Bác sĩ gia đình", để thực hiện sứ mệnh phòng bệnh cho người dân. Lý do là bởi vì mỗi gia đình sẽ có một bác sĩ riêng theo dõi sức khỏe liên tục, thăm khám và có những tư vấn riêng cần thiết nên sẽ gia tăng chất lượng khám và điều trị. Chính vì có sự theo sát như vậy nên cũng giúp cho người dân phòng bệnh ngay từ đầu.
- Nói thì dễ nhưng con đường lúc khởi nghiệp của anh liệu có gặp nhiều khó khăn, trở ngại?
Kỹ năng lãnh đạo tốt là thứ duy nhất khiến mọi người theo mình, làm việc cùng mình ngay cả khi không có vật chất |
Ban đầu tôi không có tiền để trả lương cho mọi người. Sau đó trong quá trình nghiên cứu, dự án gặp nhiều trục trặc về nhân sự, định hướng, sản phẩm – dịch vụ. Đến giai đoạn huy động vốn tưởng chừng như tôi phải bỏ cuộc. Đến khi lập pháp lý thì những tưởng mô hình này còn quá mới tại Việt Nam và còn thiếu một hành lang pháp lý cho nó nên nó sẽ không được làm tại Việt Nam. Đã dẫn mọi người đi một hành trình dài mà đến đây lại không được phép làm tiếp thì không biết ăn nói ra sao cả.
Có những khi tôi đi trên đường mà có cảm giác nản chí đến nỗi nước mắt cứ chảy dài, vì tâm huyết là thế nhưng lại gặp nhiều khó khăn tưởng bỏ cuộc.
- Vậy anh đã vượt qua khó khăn ấy bằng cách nào?
Bí quyết ở đây là cần phải rèn luyện kỹ năng lãnh đạo của mình (Leadership), vì khi bạn không có tiền, không có vật chất để mọi người đi theo, thứ duy nhất khiến họ muốn đi theo, làm việc cùng bạn ngay cả khi không được trả lương, là vì bạn khơi gợi dẫn ra ước mơ của họ, mang lại giá trị cho họ cũng như giúp cho họ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Tất cả nằm ở khả năng lãnh đạo của bạn, nó sẽ là chìa khóa giúp giải quyết rất nhiều khó khăn ban đầu của khởi nghiệp, nhất là khi bạn thiếu rất nhiều điều kiện như tài chính và kinh nghiệm chuyên môn.
Có lẽ điều đó đã giúp cho tôi được mọi người đi theo cùng dù cho không có tài chính, và được các bác sĩ thừa nhận dù không có chuyên môn ngành y, và dù các bác sĩ là những người rất tự tôn và thường khó tôn trọng những ai không có chuyên môn như mình.
- Là CEO của HELP Corporation, anh có lời khuyên gì trong việc chăm sóc, giữ gìn sức khỏe đối với mọi người?
Có một nghịch lý trong cuộc sống, đó là khi còn trẻ chúng ta thường đánh đổi sức khỏe để kiếm tiền, và đến khi về già chúng ta lại sử dụng số tiền kiếm được khi trẻ để mua lại sức khỏe. Song chưa chắc có thể mua lại được.
Khi khỏe mạnh ta muốn có rất nhiều thứ. Khi không khỏe mạnh ta chỉ muốn có 1 thứ duy nhất đó là có sức khỏe. Hãy đề ra những nguyên tắc để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và kiên trì thực hiện theo những nguyên tắc đó.
- Được biết, anh là nhà lãnh đạo trẻ nhất của BNI (Business Network International) - tổ chức kết nối kinh doanh lớn và thành công nhất trên thế giới. Vậy hẳn anh đã đóng góp được nhiều công sức cho BNI?
Tôi tham gia BNI vì triết lý hoạt động của tổ chức này phù hợp với tôi, đó là triết lý “Giver Gains” – “Cho là Nhận”. Nó cũng giống như cái tên HELP của doanh nghiệp tôi, với triết lý “Giúp đỡ” – Chúng tôi mong muốn giúp đỡ người dân phòng bệnh và có một giải pháp chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Hiện tôi là nhà lãnh đạo trẻ nhất của BNI, đã giúp BNI sáng lập ra 1 Chapter (chi hội) và sau một thời gian hoạt động thì tôi được các anh chị doanh nhân trong cùng Chapter tín nhiệm bầu chọn là Chủ tịch của Chapter đó.
- Còn trẻ nhưng đã có khá nhiều dấu ấn đáng kể, anh đã cảm thấy thỏa mãn với những thành quả của mình?
Tôi đang hạnh phúc vì tận hưởng chặng hành trình của mình, đó là cảm giác hạnh phúc thì đúng hơn là thỏa mãn. Tôi quan niệm cuộc sống này là Cống hiến vì vậy mình sẽ còn phải cố gắng rất nhiều để mang lại nhiều giá trị sống hơn nữa. Tôi thường ví von HELP là một con tàu, tôi và các thủy thủ tàu đã ra khơi và đang vượt qua một đại hải trình, đích đến còn xa song hãy tận hưởng những giây phút ở bên nhau và cùng chiến đấu với nhau trên con tàu này.
- Giới trẻ ngày nay rất nhiều người đam mê kinh doanh, là một doanh nhân trẻ có thể gọi là thành đạt, anh có lời khuyên gì với các bạn trẻ hiện nay khi muốn bước vào sự nghiệp kinh doanh?
Không ai đánh thuế giấc mơ, vì vậy khi đã mơ thì hãy mơ không chỉ cho riêng mình mà còn cho xã hội, cho cộng đồng, khi đó mình sẽ có động lực hơn, nhận được nhiều hỗ trợ hơn và thành công cũng có ý nghĩa hơn.
Có giấc mơ thôi chưa đủ mà còn phải có niềm tin để thực hiện giấc mơ đó, và sau khi có niềm tin hãy hành động để dấn thân thực sự, trong quá trình hành động hay thay đổi bản thân để trở nên tốt hơn để mở rộng giới hạn thành công của mình.
Hãy tìm ra và giữ vững đam mê, từ đó có động lực để kiên trì thực hiện, nếu cứ kiên trì theo cách làm cũ mà vẫn chưa thành công thì cũng không phải ý hay, vì vậy cần sáng tạo cách làm mới nếu cách làm cũ chưa dẫn đến kết quả như mong đợi. "Đam mê + Kiên trì + Sáng tạo" là công thức thành công của tôi. Những thứ khác sẽ theo sau đó mà đến.
- Phương châm sống của anh là gì? Doanh nhân nào khiến anh có nhiều ấn tượng nhất?
Phương châm sống của tôi là cống hiến (Devotion). Đối với tôi, cuộc sống này rất ngắn ngủi, đó là lý do vì sao chúng ta phải giúp đỡ người khác và sống một cuộc sống có ý nghĩa nhất.
Có 3 nhà lãnh đạo mà tôi ước ao được đối thoại cùng, để hỏi họ nhiều câu hỏi lớn. Đó là Gandhi, Lincoln và Steve Jobs. Một người trong số đó vừa mới qua đời gần đây (Steve Jobs) khiến cho tôi cảm thấy khá buồn. Đó là 3 người thầy mà tôi chưa bao giờ gặp mặt.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Vài nét về con đường sự nghiệp của doanh nhân Tạ Minh Tuấn - Năm 2008: Sáng lập IDEE Corporation, một trong những công ty về truyền thông kỹ thuật số (Digital Marketing) đầu tiên tại Việt Nam, công ty sau đó đã thành công với nhiều khách hàng lớn như Sony, Unilever… và góp phần tạo ra một xu hướng nghề nghiệp mới cho giới trẻ - Digital Marketer. - Năm 2009: Sáng lập HELP Corporation và giữ vai trò Giám đốc điều hành. Công ty đi tiên phong về lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe tại nhà. HELP sau đó phát triển với hơn 70 nhân viên, với số lượng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân phát triển liên tục. - Năm 2010: Sáng lập Quỹ “Giấc mơ đôi chân thiên thần” chuyên hỗ trợ những người khuyết tật có nghị lực sống. Hiện là chủ tịch điều hành của quỹ. - Năm 2010: Là thành viên sáng lập Master Chapter thuộc BNI Vietnam, đưa Master Chapter trở thành 1 Chapter có tốc độ phát triển nhanh nhất của BNI Vietnam vào thời điểm đó. - Năm 2011: trở thành Chủ tịch của Master Chapter và cũng là chủ tịch trẻ nhất của BNI Vietnam, được thừa nhận ở vai trò nhà lãnh đạo của các doanh nhân. - Được cộng đồng thừa nhận và chứng nhận ở vai trò Doanh nhân Xã hội (Social Entrepreneur - chỉ những doanh nhân kinh doanh để giải quyết các vấn đề của xã hội) tiêu biểu của Việt Nam. Hàng năm trên khắp đất nước chỉ có khoảng 10 doanh nhân được chọn lựa kỹ càng và chứng nhận ở vai trò này. |
Theo BĐVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét