Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

còn cần thêm bao nhiêu danh hiệu nữa?





  1. Tháng sáu, năm 2005, người dân Đà Nẵng nói riêng, và Việt Nam nói chung đột ngột bất ngờ trước thông tin bãi biển Đà Nẵng nằm trong danh sách “Các bãi biển đẹp nhất hành tinh” do tờ tạp chí Forbes của Hoa Kỳ công nhận. Có lẽ, những ai đã từng ở trong thời điểm đó hẳn đều cảm thấy tự hào như thế nào. Giới truyền thông có đặt ra một câu hỏi cho lãnh đạo của Đà Nẵng, bấy giờ cũng bất ngờ trước kết quả bình chọn, rằng: Thành phố sẽ làm gì với bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh?

  2. Chỉ sau 5 năm, bãi biển Đà Nẵng đã chuyển mình như thế nào? Bãi biển trở nên sạch đẹp hơn, qui cũ hơn, an ninh hơn. Nhiều công trình và cơ sở hạ tầng được chỉnh đốn khang trang, những khu khách sạn nghỉ dưỡng bên biển bắt đầu xuất hiện san sát nhau, khách du lịch đến với Đà Nẵng nhiều hơn. Bãi biển Đà Nẵng trở nên đẹp hơn trong mắt mỗi người dân.

  3. Ví dụ điển hình về bãi biển Đà Nẵng cho thấy một điều: Bản thân danh hiệu vốn dĩ đã có sức ảnh hưởng tích cực nhất định đến ý chí và thái độ của con người. Tuy nhiên, việc có tận dụng tối đa được lợi thế đó hay không thì lại là một câu chuyện khác. 

  4. Chưa cần phải biết cái danh hiệu đó là "ảo" hay "không ảo", ở đây có một điều hiển hiện: Sự tự hào, lòng yêu nước vô tư của mỗi người dân khi đất nước được tôn vinh là có thật, và điều đó đáng được trân trọng; chứ không dành để phán xét kiểu bề trên một cách đơn giản rằng điều đó là khôn ngoan hay mù quáng. Nếu cái sự mù quáng đó có thể biến được một bãi biển nhếch nhác, dơ bẩn thành ra như ngày nay thì nó càng nên được khuyến khích, còn hơn là tỏ vẻ khôn ngoan và chẳng làm gì cả!

  5. Sau gần 4 năm, tôi có cơ hội tiếp cận nhiều tài liệu tiếp thị của các dự án du lịch trong nước, một số luận văn về du lịch, và cũng như một số bài phân tích về tiếp thị du lịch Đà Nẵng. Điều khiến tôi ngỡ ngàng là những tài liệu này vẫn còn sử dụng thông tin quảng bá "danh hiệu Bãi biển đẹp nhất hành tinh do tạp chí Forbes trao tặng" từ năm 2005!

  6. Một sự thật về danh hiệu “Bãi biển đẹp nhất hành tinh” do tạp chí Forbes trao tặng vào năm 2005 mà không nhiều người biết cụ thể: Đây là tựa đề của một bài báo của phóng viên du lịch Sophia Banay đăng trên phiên bản báo mạng Forbes.com Lifestyle của tạp chí Forbes vào ngày 2 tháng 6 năm 2005. Thời điểm đó, Sophia vẫn là staff writer, và tuổi đời còn rất trẻ. Bài báo "World's Most Luxurious Beaches" thực chất chỉ là một danh sách do chính Sophia tự tổng hợp và viết ra, chứ không hề có sự tham vấn lẫn chọn lựa theo tiêu chí của một hội đồng đánh giá do tạp chí Forbes lập ra. Hơn nữa, đây chỉ là một online article (bài báo mạng) chứ không được đăng trên phiên bản tạp chí thông thường (tức báo giấy) của Forbes. Tóm lại, bài báo đó chỉ đơn thuần là một trong hàng trăm ngàn bài báo mạng về du lịch được đăng tải mỗi năm trên internet, không hơn không kém!

  7. Danh hiệu "Bãi biển đẹp nhất hành tinh do tạp chí Forbes trao tặng" là một thứ không có thật. Cho đến nay, tôi hầu như không thấy cái tên Bãi biển Đà Nẵng xuất hiện trong những danh sách bãi biển đẹp nhất thế giới nào. Có dịp tiếp xúc với nhiều người làm du lịch nước ngoài, lẫn khách du lịch quốc tế, khi tôi chia sẻ về danh hiệu này của Đà Nẵng, hầu hết họ đều rất ngạc nhiên vì từ trước đến nay chưa hề biết Đà Nẵng lọt vào một danh sách nào như vậy. Danh sách "Travelers' Choice 2011 The Best Beaches" của Tripadvisor, một website rất có uy tín về du lịch, được đánh giá và công bố mỗi năm bởi chính cộng đồng khách du lịch toàn thế giới cũng không hề có tên bãi biển Đà Nẵng. Nên nhớ rằng mỗi năm, ít nhất là hàng chục danh sách đánh giá về bãi biển du lịch thế giới có uy tín được công bố. Nói như thế để thấy rằng cái giá trị từ danh hiệu "đẹp nhất thế giới", cho dù có được tạp chí Forbes trao tặng thật sự đi chăng nữa, thì cũng đã trở nên lỗi thời. Trong thời điểm hiện nay, giá trị quảng bá của cái danh hiệu kia chính là con số không tròn trĩnh. Hơn nữa, xét về khía cạnh tiếp thị du lịch, không thể nào định vị một điểm đến dựa trên một giá trị mà nó không hề có thật. Những ai quan sát về du lịch Đà Nẵng vài năm gần đây sẽ để ý rằng Đà Nẵng hầu như đang bị mắc kẹt và không thể thoát ra khỏi cái danh hiệu ảo này. Đó chính là mặt trái của việc quá ảo tưởng vào danh hiệu.

  8. Một ví dụ gần đây nhất về danh hiệu "New7Wonders of Nature" dành cho Dòng sông ngầm Puerto Princesa của Philippines. Đích thân tổng thống Noynoy Aquino và nội các công khai vận động toàn dân tham gia bầu chọn, hãng hàng không quốc gia Philippines Airlines cũng tổ chức chiến dịch quảng bá cho Dòng sông ngầm Puerto Princesa của đất nước họ. Từ khoá "New 7 Wonders" trở thành Trending Keyword trên mạng xã hội Twitter, tràn ngập lời chúc mừng của chính người dân đảo quốc này. Nếu không theo dõi chiến dịch "New7Wonders", chắc chắn tôi cũng không biết Philippines có một kỳ quan tự nhiên đẹp đến như vậy.

  9. Hãy khoan nói đến chuyện danh hiệu ảo, hay không ảo, vô bổ hay không, phung phí tiền bạc hay không; rõ ràng rằng người Philippines đã rất biết cách tận dụng "New7Wonders" để quảng bá cho thắng cảnh thiên nhiên của họ. Không linh đình tiệc rượu tốn kém, không ca nhạc văn nghệ tổng kết, không đại sứ du lịch, không thúc ép người dân, thành công của Philippines chính là vận động được sức mạnh của cả quốc gia bằng sự tự nguyện của tổ chức và nhân dân. Xét về hiệu quả chi phí, rõ ràng Philippines làm tốt hơn chiến dịch vịnh Hạ Long của Việt Nam.

  10. Có ý kiến cho rằng, với chừng 700,000 USD của chiến dịch quảng bá Hạ Long của Việt Nam, có thể thực hiện chiến dịch truyền thông hiệu quả hơn.Nếu chúng ta tự thực hiện, 700,000 USD đó có thể sẽ trở thành một sai lầm tương tự đã từng được lặp lại: Vài chục giây quảng cáo tvc trên BBC và CNN, và chẳng thay đổi được gì cả!

  11. Quan điểm của tôi thì thận trọng hơn. Khi nói về sự chuyển mình của Đà Nẵng, tôi sử dụng cụm từ “chỉ sau 5 năm” để nhấn mạnh rằng: Quảng bá du lịch không phải có thể thực hiện một sớm một chiều. Ít nhất là 5 năm, và nhiều nhất có khi lên đến 10 năm như trường hợp của Malaysia mà vẫn chưa thể cạnh tranh ngang với Singapore và Thái Lan. 700,000 USD hay 700 triệu USD không phải là vấn đề, mà vấn đề ở đây chính là góc nhìn và chiến lược. Và cơ hội để được quảng bá quốc tế là không có nhiều.

  12. Tôi không hề vote cho Hạ Long dưới bất kỳ hình thức nào trong chiến dịch của “New7Wonders”, bởi vì bản thân danh hiệu “Di sản văn hoá thế giới” được UNESCO công nhận vào năm 1994 đã là một “bảo chứng thương hiệu” rồi. Không chỉ vậy, khác với bãi biển Đà Nẵng, Hạ Long đã có rất nhiều lần cơ hội quảng bá. Một khi không thể nắm bắt cơ hội để tạo nên sức bật thì dù có đổ vào bao nhiêu cơ hội cũng như dã tràng xe cát vậy.

  13. Ba ví dụ về bãi biển Đà Nẵng, Hạ Long và dòng sông ngầm Puerto Princesa cho thấy ba cách nhìn nhận khác nhau về giá trị của danh hiệu. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Du lịch Việt Nam phải cần thêm bao nhiêu cái danh hiệu nữa mới thực sự có thể cạnh tranh ngang ngửa được với các quốc gia trong khu vực?



Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean