Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Tiếng ngâm thơ berzanji ở Melaka

39910_429791128702_505008702_4749529_4412571_n



  1. Viết sau một năm kể từ chuyến đi đến Melaka.

  2. Sân bay quốc tế Kuala Lumpur, khoảng 4h chiều, chiếc Boeing 747-400 màu xanh trắng của KLM, hãng hàng không hoàng gia Hà Lan, lầm lũi tiến ra đường băng dưới ánh nắng chiều vẫn còn chói chang của bầu trời Kuala Lumpur.

  3. KLIA, như người ta vẫn gọi tắt tên phi trường này, một trong những sân bay hiện đại nhất Đông Nam Á. Nhưng, tôi phải nhấn mạnh chữ “nhưng” này, chưa bao giờ có được cái không khí tấp nập và sầm uất lẫn trong nhà ga và đường băng như ở Changi hay Suvarnabhumi.

    Tôi ngồi đó, và tự hỏi: Tại sao sau chục năm quảng bá du lịch không ngừng nghỉ, hàng tỉ đôla đầu tư vào du lịch, lại không hề xa lạ với các giải pháp tiếp thị du lịch, Malaysia vẫn lầm lũi tiến sau Indonesia, Singapore? Có lẽ sẽ dành một dịp khác để nói về du lịch Malaysia nhiều hơn.

  4. Đối với rất nhiều người, hình ảnh chuyến bay của KLM từ Amsterdam đi Kuala Lumpur không có mấy nhiều ấn tượng. Đã 87 năm kể từ 1924, đây là một trong những chuyến bay thương mại lâu đời nhất thế giới vẫn còn hoạt động. Cũng dài lâu như chính sự ảnh hưởng của người Hà Lan đến Melaka trong 184 năm (1641-1825).

  5. Tôi rời ga tàu điện Bukit Jalil. Cách đó vài trăm met là bến xe tạm thời của Kuala Lumpur. Thấy một balo trên vai, và một balo trên tay, đâu chừng liền 5-6 người chạy đến la lên hỏi: “Melaka? Melaka? You go Melaka?”. Dù sao cũng chỉ hơn 100km, và gần 2 tiếng đi xe, tôi chọn đại một nhà xe, trả khoảng $4 (12 MYR) và khởi hành đi Melaka.

    Sau chừng ấy thời gian, xe đến bến xe trung tâm Melaka, chờ thêm 30 phút nữa để bắt xe bus nội thị chạy vào khu phố cổ Melaka, chỉ mất 1 MYR (~ 7,000 đồng). Trời trưa nắng gắt, xe bus cũ kĩ, không điều hoà.

    “Anda pergi untuk Christ Church?” Ông tài xế già mồ hôi nhễ nhại gật đầu không cười để đáp lại câu hỏi của tôi. Tôi mỉm cười chìa 1 MYR và ngồi đại xuống đâu đó. Hai bà cô người Hoa đang ríu rít với nhau chồm lên tôi nói một tràng tiếng Trung Quốc, tôi mỉm cười xua tay “Not Chinese, not Chinese” sau rất nhiều lần như thế này ở Malaysia.

    Thêm một đôi nam nữ người Anh, tay xách nách mang, cầm theo cuốn Lonely Planet, thấy tôi cũng khệ nệ balo, họ cũng leo lên xe và ngồi gần bắt chuyện. Vậy là thêm khoảng 30 phút chờ đợi trong cái xe nóng như lò hấp thì mới khởi hành.

  6. Xe bus dừng trước nhà thờ màu đỏ gạch, rất quen thuộc trên các website về Melaka, ông tài xế quay lại, hướng mắt về 3 người chúng tôi: “Christ Church! Christ Church! Go, go!”

  7. Jalan-Jalan guesthouse, ngay trung tâm phố cổ Melaka, phòng đơn, giường, quạt, bàn nhỏ, không điều hoà, khu vệ sinh thì dùng chung, chỉ khoảng $8.5/đêm. Tiếp tôi là một anh người Đức, du lịch vòng quanh Đông Nam Á, nhưng đã bị lừa mất tiền gần nhẵn túi ở Thái Lan. Rốt cuộc, anh đến Melaka và làm thêm ở đây kiếm tiền tiếp tục chuyến đi thay vì gọi về nhà ở Đức để cứu viện.

  8. Một người châu Á da vàng du lịch đơn thân ở một nước châu Á nghe thì có vẻ an toàn hơn một người da trắng mắt xanh mũi lõ.

    Ở Thái Lan, người ta nghĩ tôi là người Hàn Quốc hay Nhật Bản.
    Ở Bali, Indonesia, tôi thách một bác tài xế người Indo vui tính nếu đoán đúng quốc tịch thì tôi sẽ boa thêm một số tiền nữa. Thế là bác ấy tha hồ đoán từ Singapore, Đài Loan, Hàn, Nhật, Trung Quốc. Cho đến khi tôi chìa passport Việt Nam, bác ấy mới ồ lên. Nhưng tôi vẫn boa số tiền như đã hứa.
    Ở Malaysia, người ta nhìn thấy tôi và họ mặc định tôi là người Trung Quốc.

  9. Xung đột sắc tộc giữa người Hoa và người Malay đã kéo dài hàng thập kỷ ở Malaysia. Mâu thuẫn sắc tộc sâu sắc đến mức nó đã trở thành một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành lập nhà nước Singapore, tách khỏi liên bang Mã Lai. Cho đến nay, người Hoa vẫn bị phân biệt đối xử ở Malaysia, xung đột Hoa-Mã vẫn còn là một đề tài chính trị nóng bỏng cùng với những bạo động ở Kuala Lumpur. Nhưng Melaka chưa bao giờ là mặt trận của xung đột bạo lực đó.

  10. Khu phố cổ Melaka nằm ngay tại cửa biển của sông Melaka. Nói là sông, nhưng tôi cứ ngỡ nó là một con rạch vì nó nhỏ chứ không phải nó bẩn. Sông Melaka chia đôi khu phố cổ thành hai nửa: một bên là khu phố Trung Hoa đậm màu sắc kiến trúc Phúc Kiến và Quảng Đông, làm gợi nhớ rất nhiều đến Hội An. Nửa còn lại là những ngôi nhà, nhà thờ và thành luỹ còn sót lại từ thời thực dân Bồ Đào Nhà và Hà Lan.

  11. Từ bùng binh Christ Church, tôi đi bộ về hướng đường Kota, đối diện với Bảo tàng Hồi giáo Melaka là một khu cây cối um tùm với một toa xe lửa và một chiếc máy bay cổ. Những cây cao này chính là cây Melaka, mà người Hoa gọi là cây Dư Cam Tử. Cái tên Melaka cũng từ đó mà ra, trái với suy nghĩ sai lầm ban đầu của tôi rằng Melaka là một cái tên chịu ảnh hưởng của người Bồ Đào Nha.

  12. 05 giờ sáng, trời vẫn còn rất tối và mưa lất phất, Melaka vắng lặng như một khu phố hoang. Tôi một mình cầm dù và máy ảnh bước từng bước chậm rãi dưới mưa, và ánh đèn vàng rất huyền bí phản chiếu nên nền đường ẩm ướt.

    Tiếng ngâm thơ berzanji từ đâu đó cứ vọng đi giữa từng hẻm ngách của phố cổ Melaka. Tôi không hiểu những câu thơ đó có ý nghĩa như thế nào, nhưng nó rất da diết, khắc khoải, sầu não và có chút gì ai oán. Đó có phải là tiếng của hàng ngàn mang người Mã Lai, Hoa Kiều, Hồi Giáo, Bồ Đào Nhà, Hà Lan, Anh Quốc, Ấn Độ đã nằm lại dưới mảnh đất này hay không? Hay đó là thứ âm thanh phản chiếu tâm trạng của tôi ngay bấy giờ hay không? Tôi không thể giải thích được.

  13. Melaka là một thương cảng huyền thoại. Nơi Đông và Tây hội ngộ. Người Mã Lai đã tìm ra Melaka. Người Ả Rập men theo biển Ả Rập và vịnh Bengal để đến Melaka. Người Ấn Độ cũng theo đó mà tìm đến. Người Trung Quốc cổ xưa cũng theo biển Nam Trung Hoa để đến Melaka. Sự thịnh vượng của Melaka càng quyến rũ lòng tham của người Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh Quốc.

    Melaka hiện nay đã trở về tay người Mã Lai và dưới sự ảnh hưởng Hồi giáo sâu sắc. Nhưng lịch sử của nó hàng trăm năm nước không hề bị mất đi. Nó vẫn còn rất sống động, hiện hữu.

  14. Tôi đem thắc mắc về lời ca rất ai oán giữa rạng sáng ở Melaka hỏi Saffa, cô bạn người Mã. Cô bảo đấy là berzanji, kinh thơ bằng tiếng Ả Rập thường phát vào những giờ cầu nguyện của người đạo Hồi ở Melaka.

    Với tôi, đó như là tiếng kinh thơ triệu hồi lịch sử. Tôi thực sự khuyên bạn hãy ở Melaka một mình vào thời khắc như thế này. Bởi vì đó mới chính là lúc lịch sử thực sự sống lại ở nơi đây.

  15. Nửa cuối thế kỷ 15, người An Nam đã xâm chiến trọn vẹn vương quốc Champa. Cùng thời điểm này, Melaka, chưa bị thực dân phương Tây dòm ngó, vẫn đang hưởng thụ sự giàu có đến từ giao thương giữa người Hoa, Mã với người Ấn và Ả Rập. Lịch sử Trung Hoa ở Malaysia nói rằng: Sau khi đánh chiếm Champa, người An Nam trước sự giàu sang không thể nào cưỡng lại của Melaka, manh nha tiến về bán đảo Mã Lai để chinh phục thương cảng huyền thoại này.

  16. Trái với thái độ xâm lăng của người Thái Lan, quan hệ Trung Hoa - Mã Lai có thể xem là rất ôn hoà, như câu chuyện công chúa nhà Minh được gửi sang Mã Lai kết hôn với một vị Sultan của Melaka, tạo ra thế hệ người Hoa lai Mã, hay còn gọi là người Peranakan.

    Hẳn ai hay xem VTV3, sẽ còn nhớ bộ phim “Chuyện tình cô bé Lọ Lem” của Singapore rất nổi tiếng (tựa tiếng Anh là The Little Nyonya). Một bộ phim rất hay về lịch sử, văn hoá, và cuộc sống của người Peranakan ở Melaka.

  17. Phố cổ Melaka, lớn hơn Hội An một chừng mực nào đó, tuyệt nhiên không hề có bóng dáng bar, nhà hàng, không hề có sự sầm uất như của Hội An. Buổi tối ở Melaka rất buồn tẻ, ngoài trừ khách sạn Aldy ở đầu đường Kota hay có nhạc sống mỗi đêm, phần còn lại của Melaka vẫn rất yên tĩnh.

    Nằm cách Kuala Lumpur chỉ khoảng 2h đi xe nên hầu hết khách du lịch đến Melaka chỉ đi và về trong ngày. Có khi khách du lịch bỏ qua Melaka để đi Penang, một nơi tương tự như Melaka, vì gần với Langkawi hơn. Ngoài ra, sinh viên trường mỹ thuật ở Kuala Lumpur cũng hay đến Melaka để sáng tác. Tôi nghĩ điều này hoá ra lại rất hay, vì có vậy mà Melaka mới giữ được cái không khí lịch sử của nó.

  18. Chính quyền Melaka không chủ trương ủng hộ việc thương mại hoá khu phố cổ Melaka, hầu hết các tụ điểm sinh hoạt du lịch đều nằm ngoài phạm vi phố cổ. Điều mà phố cổ Hội An đang phải khó khăn mới gìn giữ được.

  19. Lịch sử Melaka không phải chỉ sống lại bằng lời thơ berzanji, mà còn bởi thái độ nghiêng mình trước lịch sử của người Mã Lai hiện đại, cho dù lịch sử đó có được tạo ra bởi thực dân Bồ Đào Nha hay Hà Lan đi chăng nữa.

  20. Bảo tồn văn hóa và lịch sử cần một sự công tâm tuyệt đối. Ở đó không có chỗ cho hận thù lịch sử hay những ham muốn thương mại.

  21. Tôi có một niềm tin rằng khi trở lại Melaka, tiếng ngâm thơ berzanji sẽ một lần nữa đưa tôi trở về quá khứ - chiến trường Melaka năm 1641, liên minh Hà Lan - Mã Lai đánh chiếm Melaka thành công từ tay người Bồ Đào Nha.

  22. Tôi vẫn chưa tìm đến mộ của Hang Tuah, chiến binh huyền thoại của Melaka và cả Malaysia. Đó lại là một lịch sử khác của Melaka.


37985_429791168702_505008702_4749532_1793475_n
37985_429791168702_505008702_4749532_1793475_n
37985_429791168702_505008702_4749532_1793475_n
37985_429791168702_505008702_4749532_1793475_n
37985_429791168702_505008702_4749532_1793475_n
37985_429791168702_505008702_4749532_1793475_n
37985_429791168702_505008702_4749532_1793475_n
37985_429791168702_505008702_4749532_1793475_n
37985_429791168702_505008702_4749532_1793475_n
37985_429791168702_505008702_4749532_1793475_n
37985_429791168702_505008702_4749532_1793475_n
37985_429791168702_505008702_4749532_1793475_n


 




Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean