Bạn nghĩ mình có thể trở thành ca sĩ nổi tiếng, diễn viên múa đỉnh cao, cầu thủ xuất sắc, tay cờ siêu hạng…?
Rất nhiều người biết chắc rằng họ không thể thành tựu trong các lĩnh vực kể trên. Nhưng cũng lại có không ít người ngày nay tin rằng họ có thể trở thành doanh nhân thành đạt bất chấp những con số thống kê: 90% doanh nghiêp mới thành lập thất bại sau 1 năm đầu tiên, và chỉ có 5% của số còn lại trụ lại và thành công sau 5 năm.
Trở thành một doanh nhân thành công cũng đòi hỏi bạn những tài năng riêng và thế mạnh nhất định, chẳng khác gì đòi hỏi của những ngành nghề khác. Vậy tại sao nhiều bạn trẻ ngày nay dễ dàng đặt cho mình mục tiêu là trở thành một doanh nhân thành công?
Có lẽ bởi bạn thừa biết mình không có tài năng trong những lĩnh vực ca hát, thể dục thể thao, điện ảnh, hay y khoa… nên chẳng khi nào bạn mơ tới việc dấn thân vào một trong những con đường này để gặt hái thành tựu xuất sắc. Còn để trở thành một doanh nhân thành công thì bạn lại không biết đâu là những đòi hỏi quan trọng và mang tính quyết định nên ngỡ rằng mình sẽ làm được!
Bạn đặt ra mục tiêu này dựa trên sự lạc quan của bản thân, hoặc bị kích động bởi các phương tiện truyền thông luôn tập trung vào việc khơi dậy mong muốn làm chủ trong mỗi người.
Nếu bạn thật sự khao khát trở thành một doanh nhân thành tựu, xây dựng được một doanh nghiệp thành công thì bạn cần phải có trong tay mình một đội ngũ như sau:
+ Các chuyên viên giỏi trong từng lĩnh vực chuyên môn như: nhân sự, tài chính, điều hành, tiếp thị, quan hệ khách hàng…
+ Đội ngũ bán hàng xuất sắc.
+ Người phụ trách nghiên cứu và liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ để luôn giữ cho doanh nghiệp không bị lạc hậu, không bị tụt lùi.
Vậy nếu bạn muốn gầy dựng một doanh nghiệp thành công với qui mô lớn thì bạn phải tập hợp được những con người này trong cùng một tổ chức. Doanh nghiệp bạn có thể được ví như một thế giới thu nhỏ với đầy đủ các bộ phận đảm nhiệm những công việc khác nhau cùng nhắm tới một mục tiêu chung, từ đó mới có thể trở thành một hệ thống vận hành hiệu quả.
Nếu bạn muốn xây dựng một mô hình doanh nghiệp nhỏ thì bạn có thể cộng lực với những người khác dưới hình thức đối tác, nhà phân phối, đơn vị cung cấp dịch vụ, các nhà tư vấn…; hoặc sử dụng công nghệ như các phần mềm tin học, Internet… Từ đó bạn hoàn toàn có thể xây dựng một doanh nghiệp thành công từ việc biết điểm mạnh của mình, biết mình còn thiếu gì để bổ sung hay hợp tác.
Vậy mọi người đều có thể có một lộ trình làm chủ doanh nghiệp thành công cho riêng mình, nhưng phải xuất phát từ việc hiểu mình trước đã.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét