Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Đầu tư cho tương lai

Mối quan hệ giữa Trung Quốc (TQ) và Mỹ có những dấu hiệu ấm hơn trước thềm chuyển giao quyền lực của cả hai quốc gia.



Gặp mặt trong Valentine

Tổng thống Obama có cuộc hẹn với Phó chủ tịch TQ Tập Cận Bình đúng vào ngày Lễ Tình yêu Valentine (14/2) cho thấy cả hai đều muốn đưa ra giải pháp cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai cường quốc. Cho dù được xem là một chuyến viếng thăm thân thiện, nhưng chuyến đi này lại diễn ra trong một bối cảnh nhạy cảm.

Hoa Kỳ đang thúc ép TQ giải quyết một loạt vấn đề được coi là “gây bức bối”: tỷ giá tiền tệ, vi phạm tác quyền, rào cản cho đầu tư nước ngoài, và lá phiếu phủ quyết của TQ chống lại lệnh trừng phạt Iran của Hoa Kỳ.

Năm nay cũng là năm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các ứng cử viên đều chịu áp lực phải đòi hỏi Bắc Kinh nhân nhượng hơn. Trong Thông điệp Liên bang đầu năm, ông Obama dùng lời lẽ cứng rắn khi nói về TQ và ông muốn có sân chơi bình đẳng cho thương mại.

Giới nghiệp đoàn và các dân biểu Dân chủ đang kêu gọi ông Obama có hành động mạnh mẽ chống lại phụ kiện xe hơi nhập từ TQ. Thậm chí, trong chuyến thăm nhà máy Master Lock, ông Obama quay sang nói thẳng với ông Tập là “sẽ không ủng hộ kiểu cạnh không tuân theo luật lệ như TQ. Đó là lý do tại sao tôi thành lập Cơ quan Thực thi Thương mại với một nhiệm vụ duy nhất: điều tra các hành vi thương mại không công bằng như TQ”.

Năm 2011, Mỹ đã ghi nhận một sự thâm hụt thương mại kỷ lục với TQ, mà như Reuters cho biết là 295,5 tỷ USD. Quốc hội Mỹ vẫn quan ngại chính sách tiền tệ và các hoạt động thương mại của TQ đang đặt các công ty Mỹ vào thế bất lợi.

Tuy nhiên, không phải vô cớ mà Phó chủ tịch TQ lại được chào đón với nghi lễ nguyên thủ với 19 loạt đại bác chào mừng. Đây là một cuộc “đón tiếp đầu tư”  cho tương lai của người Mỹ.

Quá trình chuyển giao quyền lực đã được khởi động tại TQ, ông Tập Cận Bình dự báo sẽ đảm trách chức Tổng bí thư, thay thế ông Hồ Cẩm Đào, nhân Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản TQ. Sang năm 2013, ông sẽ kiêm luôn chức Chủ tịch nước.

Trong 3 năm, dù đã gặp ông Hồ Cẩm Đào cả chục lần, nhưng phía Mỹ vẫn “không chọc thủng được chiếc áo giáp của ông”, và các viên chức Mỹ hy vọng là ông Tập sẽ “dễ hiểu hơn”.

Nhìn qua cung cách chính quyền Obama tiếp ông Tập vừa trọng thể nhưng cũng vừa chỉ trích cho thấy Washington thực sự muốn nhắn thông điệp: người cầm vận mệnh TQ trong năm năm tới phải nhận thức rõ những yêu sách của Hoa Kỳ trong quan hệ giữa hai đại cường.

Liệu ông Tập Cận Bình vẫn duy trì các chính sách chính trị song hành với nền kinh tế thị trường như lâu nay, hay sẽ dám mạo hiểm trên con đường cải cách và sáng tạo?

Hóa giải xung khắc?

Ít nhất, trong chuyến thăm này, ông Tập cũng đưa ra tuyên bố chung về kinh tế, theo đó, TQ quyết định mở cửa cho các công ty bảo hiểm nước ngoài đối với loại hình bảo hiểm bắt buộc. Sau khi hoàn tất thủ tục sửa đổi quy định pháp luật liên quan, TQ sẽ công bố thực thi.

Bắc Kinh cam kết sẽ tăng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm các sản phẩm công nghệ cao. Ông Tập cũng đã tham gia một diễn đàn kinh tế tại Los Angeles, và loan báo việc liên doanh giữa ba tập đoàn truyền thông TQ và hãng phim Dream Works Animation của Hollywood để thành lập một hãng sản xuất phim tại TQ.

Việc liên kết này sẽ giúp Dream Works Animation tiến vào được một thị trường rộng lớn mà các nhà sản xuất nước ngoài đang bị hạn chế trước quy định chỉ được đưa vào 20 phim ngoại quốc một năm. Ngược lại phía TQ được chuyển giao kỹ thuật để tự làm được các bộ phim hấp dẫn...

Mặc dù vậy, theo chuyên gia Robert Kuhn, dù cho cá tính của lãnh đạo tương lai TQ cũng như sự gắn bó của ông đối với Hoa Kỳ, nơi ông sang 5 lần và có cô con gái đang du học tại Harvard, có thể tạo thuận lợi cho một giải pháp, nhưng vấn đề cơ bản gây xung khắc vẫn tồn đọng.

Bà Carla Hill, cựu đại diện Ngoại thương Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh đế yếu tố cá nhân, nhưng bà nhắc lại rằng ông Tập Cận Bình sẽ phải dè chừng tâm lý dân tộc chủ nghĩa tại TQ. Phe này xem Hoa Kỳ là cản lực không muốn cho TQ trở thành một đại cường.

Chính vì vậy, dù liên tục đưa ra những lời kêu gọi ca ngợi hợp tác, ông Tập vẫn nhắc lại là Bắc Kinh bất bình về việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, và Tây phương ủng hộ phong trào Tây Tạng phản kháng.

Ông Tập cho rằng “quan hệ Mỹ-Trung cần có một bước khởi đầu mang tính lịch sử”, “Bắc Kinh và Washington phải cố gắng tạo ra một kiểu quan hệ mới giữa hai cường quốc trong thế kỷ XXI”.

Một mặt Washington kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng “các chuẩn mực và luật lệ quốc tế” trong lĩnh vực kinh tế, mặt khác, sẽ cố gắng đưa ra một thông điệp rõ ràng với ông Tập rằng Hoa Kỳ ủng hộ sự phát triển kinh tế của TQ.

Theo giới chuyên gia, hệ thống chính trị TQ không rõ ràng, không minh bạch, do vậy, khó có thể đánh giá được là liệu ông Tập Cận Bình có muốn hoặc có đủ khả năng quyết định về tương lai quan hệ Mỹ-Trung hay không.

Đối với ông Derek Scissor, chuyên gia thuộc nhóm tư vấn bảo thủ The Heritage Foundation thì việc thiết lập quan hệ tốt đẹp với ông Tập Cận Bình có thể không phải là yếu tố quyết định đối với bang giao song phương trong tương lai. Bởi vì tính cách con người ông Tập không quan trọng bằng ảnh hưởng của ông ta trong nội bộ lãnh đạo TQ.

Cuộc thăm dò do công ty nghiên cứu Gallup (Mỹ) thực hiện, cho thấy, 53% người Mỹ coi TQ là chiếm ưu thế về kinh tế.  Trong khi đó, chỉ có 33% số người được hỏi cho biết họ coi Mỹ là cường quốc kinh tế hàng đầu.

Con số này cho thấy sự thay đổi đáng kể về nhận thức của người Mỹ đối với TQ. Hồi năm 2000, chỉ có khoảng 10% người Mỹ nghĩ rằng nền kinh tế TQ lớn nhất thế giới.



LAM HỒNG

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean