Trong khi nhiều nơi làm du lịch kiểu “chặt chém” thì tại ĐBSCL, một số nông dân đã cải tạo nhà, khu vườn của mình thành điểm tham quan, lưu trú; tìm tòi cái lạ, độc đáo để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí... cho du khách.
Đây là những nỗ lực trong cách làm du lịch của một số nông dân ở khu vực ĐBSCL. Cách làm du lịch này bước đầu có những thành công nhất định.
Mỗi ngày nhà ông Ba Đức thu hút hơn 100 lượt du khách tham quan nhà cổ và vườn sinh thái - Ảnh: M.Thuận
Tìm cái mới
Căn nhà cổ Ba Đức ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang mỗi ngày thu hút 100-300 lượt khách quốc tế và Việt Nam đến tham quan hoặc lưu lại theo hình thức homestay (du khách sinh hoạt, ở chung với người dân địa phương). Ít ai biết căn nhà này trước năm 2000 chỉ đơn thuần là nơi ở của gia đình ông Phan Văn Đức (gồm bảy thành viên).
Ông Đức kể trước năm 2000, gia đình ông hợp tác với Công ty Du lịch Cái Bè. Mỗi du khách do đơn vị này đưa đến tham quan nhà cổ, gia đình ông được nhận 2.000 đồng. Việc hợp tác này khiến gia đình ông bị động, hình thức đón khách nhàm chán, hiếm khi khách trở lại lần hai. Cá nhân ông nhận thấy mình có thể tự làm và làm tốt hơn nếu mở rộng các hoạt động cho du khách cùng tham gia chứ không chỉ tham quan nữa.
Năm 2000, ông Đức đăng ký kinh doanh, cho cải tạo vườn cây ăn trái rộng 2,5ha thành vườn sinh thái. Giữa vườn ông đào ao, vét kênh nuôi cá để phục vụ nhu cầu tát, câu cá. Rồi ông xây dựng phòng trọ đầy đủ tiện nghi. Điểm nhấn tiếp theo là vợ ông, ngoài việc nấu ăn phục vụ du khách, kiêm luôn việc dạy họ thực hiện các món ăn đặc sản.
Cũng như ông Đức, năm 2004 ông Lê Hoàng Vinh ở cù lao Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), cải tạo 2,2ha các ao cá thành điểm du lịch sinh thái. Ông Vinh còn mua đà điểu châu Phi về nuôi thử. Khi đà điểu thích nghi cũng là lúc dịch vụ cưỡi đà điểu ra đời, trở thành điểm nhấn hoàn toàn mới lạ trong trang trại.
Bên cạnh duy trì đàn đà điểu, ông Vinh còn liên tục cho nhập rất nhiều loài chim, động vật lạ đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của khách... “Nếu không tìm thấy điểm thú vị khác biệt nào thì khách sẽ nhanh chóng bỏ đi vì nhàm chán” - ông Vinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vinh Sang, đúc kết.
Chưa thành hình nhưng khu du lịch sinh thái tại vườn cũng được ông Huỳnh Thanh Bạch, nông dân ở xã Long Mỹ, Long Hồ (Vĩnh Long), định hình khá chi tiết. Với lợi thế vườn rộng gần 4ha, có hệ thống mương rạch nội đồng sâu, ông Bạch cho đào thêm ao, trồng thêm đủ loại cây trái đặc sản. Đặc biệt nhất trong chuỗi dịch vụ du lịch của gia đình ông là chiếc tàu nhà hàng đang trong giai đoạn hoàn tất. Chiếc tàu “ngốn” hơn 1,5 tỉ đồng nhưng ông khẳng khái: “Dù tốn kém nhưng phải làm, để có cái mới lạ mới hút khách được”.
Du khách trở lại
Tiếp chuyện chúng tôi vào sáng ngày đầu tuần cũng là lúc ông Đức bận rộn tiếp ba đoàn khách quốc tế với 40 khách. Mỗi đoàn khách đến ông Đức đều chào hỏi bằng tiếng Anh khá lưu loát. Ông Đức cũng tiếp thu ý kiến từ từng khách để cải tiến dịch vụ. “Một số du khách quốc tế đã trở lại đến ba, bốn lần khi thích thú với cách làm du lịch của gia đình tôi” - ông Đức tự hào nói.
Ông Đức khoe hiện mỗi ngày gia đình ông tiếp hơn 100 lượt khách. Với việc thu vé mỗi khách tham quan là 5.000 đồng/lượt, khách qua đêm theo hình thức homestay để trải nghiệm cuộc sống dân dã, ông thu tương đương 22 USD/người/đêm, khoản thu từ du lịch, cộng với từ vườn cây ăn trái đã giúp ông dần lấy lại vốn đầu tư và có lãi.
Bỏ ra hơn 20 tỉ đồng đầu tư, hiện ông Vinh đã khá thành công khi lượng du khách trung bình hiện nay 300 lượt mỗi ngày. Khu du lịch Vinh Sang gắn liền hình ảnh những con đà điểu đã được định hình trong lòng du khách khắp mọi miền. Hiện ông Vinh đang liên kết với 20 hộ dân lân cận mở rộng mô hình. “Vườn của mỗi hộ dân đều có ưu điểm khác nhau. Chúng tôi sẽ mở rộng mối liên kết với nhiều hộ dân trên cù lao để tiến tới làm du lịch cộng đồng. Khi đó lợi ích sẽ mang lại cho toàn bộ người dân ở cù lao” - ông Vinh chia sẻ.
Mô hình làm du lịch tại vườn sinh thái kết hợp tàu nhà hàng của ông Bạch khi đi vào thực tế hoạt động sẽ được kết hợp với việc tham quan làng nghề đan lát thủ công tại các hộ dân ở địa phương. Chính quyền địa phương xã Long Mỹ rất ủng hộ việc làm du lịch của gia đình ông Bạch. Trước mắt xã tổ chức lớp học tiếng Anh cho nhiều nông dân để “có vốn lận lưng” khi xã nhà chọn du lịch là mũi nhọn cho phát triển kinh tế.
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét