Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, bị sa thải có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp của một số người, nhưng lại là cơ hội phát triển nghề nghiệp mới cho những người khác như ba người phụ nữ dưới đây.
Bị sa thải là chuyện ‘thường ngày ở huyện’ trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Có thể với một số người, đó là dấu chấm hết cho sự nghiệp của họ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người biết tự vượt qua cú sốc tinh thần này và tìm kiếm thành công bằng cách mở công ty riêng.Ba người phụ nữ dưới dây là một trong những tấm gương sáng tạo ấy. Mất việc với bàn tay trắng, họ đã xây dựng cho mình một sự nghiệp tươi sáng từ những thứ rất đỗi bình thường: bánh ngọt.
Debra Kabarsky, 50 tuổi, ở North Tustin, California.
Trước kia: Làm việc trong ngành xây dựng suốt 22 năm; bị sa thải tháng 1/2011.
Nay: Chủ của The Last Crumb – một công ty bánh chuyên cung ứng sản phẩm trực tuyến cho các công ty, tổ chức và cá nhân đồng thời bán tại các chợ nông sản.
Bước khởi đầu: Sau khi bị sa thải, Kabarsky liên tục gửi đơn xin việc đến các công ty trong ngành xây dựng nhưng chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ. Chán nản, cô bàn với chồng mở cửa hàng bánh. Được chồng ủng hộ, cô hăng hái chuẩn bị tinh thần để làm bánh tại nhà. Tuy nhiên, cô nhanh chóng phát hiện ra rằng như thế là bất hợp pháp theo luật của California.
"Tôi gần như tuyệt vọng. Khi nghe có kiểu bếp ăn thương mại cho thuê, tôi mừng quá. Chi phí thuê không phải là rẻ nhưng còn hơn là phải đầu tư mua một cái trong khi không có tiền. Đó là trở ngại đầu tiên trong vô số các trở ngại mà tôi đã phải vượt qua."
Kabarsky đã thuê một chỗ trong khu bếp thương mại ở gần Orange, California. Cô làm bánh giao cho các điểm kinh doanh ở địa phương và những khách hàng đặt qua trang web của công ty. Mỗi tuần một lần cô lại đem bánh ra chợ nông sản bán. 2.700 USD là số tiền cô bỏ ra để làm trang web và đầu tư cho các khoản ban đầu.
Thách thức lớn nhất: "Đăng ký kinh doanh dưới hình thức công ty tư nhân là việc mất thời gian nhất. Không thể chờ đợi được nên tôi đành đăng ký theo hình thức kinh doanh cá thể. Năm nay, tôi sẽ chuyển sang hình thức công ty. Tất nhiên không vì thế mà việc tiếp thị sẽ bị buông lỏng” – Kabarsky cho biết.
Lời khuyên cho những người làm bánh khác: "Hãy chuẩn bị tinh thần. Thời gian đầu bạn sẽ phải bỏ rất nhiều công sức cho doanh nghiệp của mình mà không thu được đồng nào. Giá mặt hàng này khá làm thấp so với nhiều sản phẩm khác, vì thế lợi nhuận chỉ đến khi bạn bán được số lượng lớn. Bạn sẽ không bao giờ kiếm đủ sống nếu chỉ bán chục cái mỗi ngày” - Kabarsky chia sẻ.
Sản phẩm bánh quy của The Last Crumb
Điều tuyệt nhất của công việc này: "Tôi rất thích khách hàng của tôi gọi tôi là ‘cô thợ bánh’. Tôi vui khi ai đó ăn bánh của tôi mà mỉm cười bởi hương vị của chiếc bánh gợi lại những kỷ niệm xưa cũ về người bà, người mẹ của họ. Đó là những khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày” – Kabarsky nói.
Nguyên liệu chọn dùng nhiều nhất: "Bơ lạc cho mọi thứ. Ngoài ra, tôi rất mê làm món bánh quy shortbread” – Kabarsky cho biết.
Người truyền cảm hứng: Meg Ray – người sáng lập công ty bánh ngọt Miette và Dorie Greenspan – tác giả 10 cuốn sách dạy nấu ăn kiêm người sáng lập trang CookieBar và Tuesdays with Dorie.
Bước tiếp theo: Mục tiêu của Kabarsky là mở một tiệm bánh. “Năm nay, tôi dự định sẽ mở rộng đối tượng khách hàng và đưa sản phẩm của mình vào những cửa hàng tạp hóa, cửa hàng cà phê, nhà hàng, quán bar”.
Nicole Monaghan-Whittaker, 37 tuổi, ở Plymouth, Massachusetts.
Trước kia: Trợ lý giám đốc một công ty bất động sản, bị sa thải tháng 3/2011.
Nay: Chủ của The Kake Place – một công ty bánh ngọt tại gia (làm cả bánh chay và bánh không có gluten), chủ yếu bán hàng qua trang web và người này giới thiệu cho người kia.
Một mẫu bánh sinh nhật của The Kake Place
Bước khởi đầu: Năm 2007, cô theo học một lớp trang trí bánh kem tại một gian hàng bán đồ trang trí cùng với cô con gái lúc ấy 10 tuổi. “Tôi bắt đầu trang trí bánh ga tô sinh nhật cho các con mình, rồi bạn bè và người thân bắt đầu đề nghị tôi làm cho họ” - Monaghan-Whittaker nhớ lại.
Ý tưởng dần dần hình thành trong đầu cô. Tuy nhiên, phải mất vài tháng thì công việc kinh doanh mới đi vào quỹ đạo. Cô tìm hiểu và thấy rằng ở bang Massachusetts của mình, cô hoàn toàn có thể làm bánh tại nhà.
Chỉ có điều cô phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận đã qua đào tạo về an toàn vệ sinh, giấy chứng nhận không gây dị ứng. “Xin giấy gì cũng phải mất phí từ 10-100 USD, cộng thêm tiền mua nguyên liệu và tiếp thị” – cô cho biết. Cô tạo một trang Facebook và một website và cuối cùng khai trương công ty vào tháng 4/2011. Cô dùng bánh để đổi lấy việc thiết kế website, vì thế chi phí khởi nghiệp của cô gần như không đáng kể.
Thách thức lớn nhất: Vừa một mình nuôi con vừa điều hành công việc kinh doanh.
Lời khuyên cho những người làm bánh khác: "Mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Hãy dùng trải nghiệm này (ý nói việc thất nghiệp) để làm bạn thấy hạnh phúc. Từ giờ sẽ chẳng có ai kìm hãm bạn nữa rồi”.
Điều tuyệt nhất của công việc này: "Được thấy sự ngạc nhiên của khách hàng khi nhận những chiếc bánh".
Nguyên liệu chọn dùng nhiều nhất: Phô mai. Cô thích bánh phô mai và kem phủ làm từ phô mai.
Người truyền cảm hứng: sự vui thích của tụi nhỏ (Kaleigh, 15 tuổi và and Wyatt, 3 tuổi) là niềm cảm hứng vô tận đối với cô.
Bước tiếp theo: Cô muốn phát triển công việc kinh doanh của mình để có thể mở một tiệm bánh ở khu trung tâm Plymouth.
Marisa Angebranndt, 36 tuổi, ở Chicago
Trước kia: Trợ lý tổng giám đốc tại một quỹ đầu tư mạo hiểm, bị sa thải tháng 3/2008.
Nay: Thợ làm bánh và đồng sở hữu công ty bánh ngọt trực tuyến WannaHavaCookie.
Bước khởi đầu: Đầu tiên, cô lập một nhóm bạn chuyên…ăn thử và phát mẫu đơn đặt hàng cho các khách hàng tiềm năng ở khu vực cô đang sống. “Mặc dù rất nhỏ nhưng nhóm bạn của tôi giúp tôi có đánh giá chuẩn xác về phản hồi của thị trường” – Angebrandt nhận xét.
Bước tiếp theo là thuê một bếp ăn thương mại ở Queens, New York, mở một trang web đơn giản trên đó cung cấp số điện thoại và mẫu đặt hàng có thể fax được. Tháng 7/2008, cô bắt đầu bán cho các sự kiện ngoài trời ở địa phương. Công việc kinh doanh phất lên khi chương trình truyền hình của Rachael Ray có nhắc đến món bánh của cô. 5000 USD là số tiền đầu tư ban đầu mà cô phải bỏ ra.
Tháng 5/2010, Angebranndt thuê địa điểm và mở một cửa hàng bán hàng trực tiếp, tuy nhiên việc làm nóng vội này tỏ ra sai lầm hoàn toàn.
"Chi phí hoạt động nhanh chóng vượt doanh thu và chẳng mấy chốc chúng tôi nhận ra rằng để mở một tiệm bánh ở New York cần nhiều tiền và thời gian hơn những gì công ty non trẻ của chúng tôi có thể kham được” – cô cho biết. Tháng 4/2011, cô đóng cửa hàng và dồn sức lực cho việc bán hàng trên mạng. Cô chuyển đến Chicago vào tháng 8/2011.
"Đến tháng 10, tôi thuê được một căn bếp giống như căn bếp tôi đã từng làm ở New York. Việc bán hàng qua mạng khá là ổn định” - Angebranndt nói. Mặc dù cô chuyển chỗ ở nhưng đến tháng 12, 80% số khách hàng công ty của cô vẫn tiếp đặt hàng cho cả năm sau. Ngoài ra, cô còn kiếm thêm được một số khách địa phương.
Thách thức lớn nhất: Thâm nhập vào một thị trường đã bão hòa là một việc không dễ dàng. “Thật khó để tạo sự khác biệt với hàng ngàn người làm bánh khác. May sao tôi cũng tìm được mảng thị trường và khách hàng của mình.
Biến sở thích thành công việc kinh doanh mới đầu cũng khá là ‘căng’. “Mua vài cân bột mỳ và đường để làm bánh cho ngày chủ nhật khác hẳn với việc làm theo đơn đặt hàng hàng ngày, trả lời điện thoại và bỏ cả đống tiền ra mua nguyên liệu” – Angebranndt chia sẻ. “Tôi vẫn đang phải học cách sắp xếp công việc. Phải làm sao để giữ những công việc này được hài hòa thì công ty mới phát triển được”.
Lời khuyên cho những người làm bánh khác: "Hãy xác định rằng bạn sẽ phải làm việc vất vả hơn bao giờ hết. Bạn sẽ không giàu nhưng cuộc sống của bạn sẽ giàu hơn vì bạn được làm thứ mà bạn yêu thích”.
Điều tuyệt nhất của công việc này: Được nghe những phản hồi tích cực (“Ba cháu thích mê những chiếc bánh của cô…”, “Nhìn gói bánh yêu ghê!”). “Nó làm tôi cảm thấy mình đang làm đúng và có cảm hứng để tiếp tục”.
Nguyên liệu chọn dùng nhiều nhất: "Thay đổi theo tuần, nhưng thường là có caramen hoặc sô cô la hoặc đậu phộng – hoặc cả ba".
Người truyền cảm hứng: Bà cô. “Bà tôi năm nay 94 rồi. Vậy mà năm nào bà cũng làm bánh giáng sinh. Tôi cũng muốn được giống bà khi có tuổi”.
Bước tiếp theo:WannaHavaCookie đang làm tạo thêm nhưng hương vị mới cho bánh. Những sản phẩm mới ra lò là bánh hồ đào, bánh nhân kem cappucino và bánh nhân kem PB&J.
(Dịch từ Entrepreneur)
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét