Thông tin Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank - STB) bị thâu tóm đang khiến thị trường tài chính rúng động. Nguyên nhân gì khiến một ngân hàng lớn rơi vào tình trạng này và số phận của nó sẽ ra sao đang trở thành câu hỏi nóng bỏng với các cổ đông và các nhà đầu tư trên thị trường hiện nay.
Thực hư tỷ lệ 51%
Tranh cãi nhiều nhất hiện nay là thực - hư tỷ lệ 51% mà nhóm cổ đông Eximbank (EIB) nắm giữ. Về vấn đề này, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết: “Chúng tôi chỉ căn cứ trên danh sách cổ phần do trung tâm lưu ký chứng khoán cung cấp. Nhưng hiện nay Sacombank chưa đưa ra ngày chốt danh sách tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) nên số lượng cổ đông có thể thay đổi”. Ông Thành cũng đưa ra một số yếu tố khiến Sacombank hấp dẫn các nhà đầu tư (NĐT) khác đó là quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ hơn 3.000 tỉ đồng, mạng lưới của Sacombank trên 400 điểm giao dịch trên toàn quốc, tích sản của Sacombank lớn khi 80% các điểm giao dịch là bất động sản mua được từ khoảng 20 năm nay mà chưa định giá lại, lượng trái phiếu Chính phủ khoảng 20.000 tỉ đồng giúp tình hình thanh khoản tốt…
Trước đó, Sacombank công bố ngày chốt danh sách cổ đông tổ chức ĐHCĐ năm 2011 vào ngày 21.2 nhưng sau đó đề nghị hoãn lại với lý do cân nhắc bổ sung một số vấn đề quan trọng liên quan đến việc tổ chức đại hội. Một NĐT đang nắm giữ tỷ lệ lớn cổ phiếu STB đã ủy quyền cho Eximbank khẳng định: “Dù chưa đưa ra ngày chốt danh sách nhưng tỷ lệ trên 51% của chúng tôi hiện nay là chính xác. Nếu cần, chúng tôi có thể đưa ra danh sách này cho phía Sacombank”.
Đại diện cho các NĐT nắm giữ 51% cổ phần Sacombank, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, cho biết: “Chúng tôi đã có 2 lần qua Sacombank để thảo luận về các vấn đề trước khi ĐHCĐ diễn ra vào tháng 4 tới. Hiện chúng tôi đang chờ văn bản trả lời chính thức về các vấn đề nêu ra tại công văn gửi STB ngày 20.1 vừa qua".
Ông Dũng cho rằng: “Căn cứ theo quy định của luật Doanh nghiệp và luật Các tổ chức tín dụng cũng như quy định trong Điều lệ Sacombank, hiện nay nhóm Eximbank đang nắm giữ 51% nên chúng tôi yêu cầu có 5 ứng viên trong HĐQT. Vị trí Chủ tịch HĐQT là do HĐQT mới bầu ra, đến lúc đó mới biết được”.
Quyền chi phối, không dễ
Dù chưa đưa ra ngày chốt danh sách nhưng tỷ lệ trên 51% của chúng tôi hiện nay là chính xác. Nếu cần, chúng tôi có thể đưa ra danh sách này cho phía Sacombank | |
| Một NĐT đã ủy quyền chEximbank |
Việc EIB và nhóm cổ đông của mình có thực sự nắm giữ 51% hay không đang còn tranh cãi nhưng đặt trường hợp, họ nắm 51% thì theo giới chuyên gia, quyền chi phối STB cũng không đơn giản.
Đầu tiên, nhóm cổ đông này phải nắm giữ cổ phần liên tục trong ít nhất 6 tháng và phải có biên bản 2 họp nhóm. Sau khi đáp ứng 2 yêu cầu này, muốn STB tuân thủ đề nghị của mình, nhóm cổ đông của EIB phải chiếm tỷ lệ áp đảo trong HĐQT của STB bởi theo quy định, hoạt động của HĐQT là đối nhân, không đối vốn.
Theo quy định của luật Doanh nghiệp, thành viên HĐQT làm việc theo nhiệm kỳ. Tại STB hiện nay, nhiệm kỳ là 2011 - 2015. Nghĩa là ở thời điểm hiện tại, EIB chỉ có thể "chen" vào HĐQT của STB nếu có đơn từ nhiệm từ các thành viên HĐQT. Giả sử 2 cổ đông lớn trong STB là REE và ANZ có đơn từ nhiệm vì họ đã bán cổ phần của STB thì khi đưa ra ĐHCĐ cũng chỉ bầu bổ sung 2 thành viên mới. Cứ cho là 2 ghế này thuộc về nhóm EIB thì với tỷ lệ 2/7 thành viên HĐQT, nhóm cổ đông EIB cũng không thể nắm quyền chi phối được HĐQT của STB.
Theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, những yếu tố trên là nguyên nhân chính khiến nhóm cổ đông EIB đang gây sức ép để bầu lại HĐQT. Tất nhiên đề nghị này vấp phải sự phản đối quyết liệt của phía STB. Đó là lý do, nhóm cổ đông EIB đang lôi kéo cổ đông ngả về phía họ. Nếu họ có thể tác động khiến 4 thành viên HĐQT từ nhiệm, khả năng thành công là có. Nhưng điều này cũng không đơn giản bởi bầu bổ sung thì nhóm cổ đông hiện hữu của STB là ông Thành cũng có thể đề cử người vào vị trí này. Tất nhiên khi đó, họ sẽ dồn phiếu cho người của họ. Trong trường hợp này, nhóm cổ đông EIB phải chia phiếu ra cho 4 người thì tỷ lệ nắm giữ của mỗi người không cao và họ cũng thất bại thâu tóm.
Sai lầm từ chiến lược phát hành?
Từ cuối năm 2011, một nhóm NĐT mua gom cổ phiếu Sacombank, đặc biệt là việc thương lượng mua lại của các NĐT lớn diễn ra khiến giá cổ phiếu này trên thị trường tăng nhanh từ mức giá khoảng 14.000 đồng/cổ phiếu lên mức cao nhất khoảng 22.000 đồng/cổ phiếu. Từ giữa tháng 2.2012, giá cổ phiếu Sacombank bắt đầu giảm và về 19.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 21.2. |
Cuộc chiến giữa nhóm cổ đông EIB và STB chỉ mới bắt đầu. Vấn đề dư luận đặt ra hiện nay là, nguyên nhân nào khiến một ngân hàng lớn như STB lại rơi vào tình cảnh đứng bên bờ vực của việc bị thâu tóm như hiện nay.
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như vấn đề quản trị, đầu tư, thị trường không thuận lợi... Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, nguyên nhân lớn nhất là do ngân hàng này đã sai lầm trong chiến lược phát hành. Mỗi năm STB đều lên kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Việc này diễn ra liên tục nhiều năm nay. Trong khi cơ cấu cổ đông hiện hữu và cũng là cổ đông lớn của STB hầu hết là các tổ chức đầu tư như REE, quỹ đầu tư ANZ, IFC, Dragon Capital... Những tổ chức này không thể và cũng không cho phép họ góp vốn liên tục vào một công ty.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét, từ trước đến nay việc mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam diễn ra nhiều nhưng chỉ mới ở dạng các NĐT tham gia mua cổ phần chứ chưa có trường hợp nhảy vào đầu tư và chiếm quyền điều hành. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy giảm, dòng vốn ngại không tham gia thị trường cộng với ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn đã tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc M&A và ở đây là trường hợp cổ phiếu Sacombank. Nếu có sự phòng thủ để không diễn ra việc M&A thì người chủ công ty phải nắm giữ từ 20 - 30% cổ phần, các quỹ nắm 20 - 30% và phần còn lại do các cổ đông nhỏ lẻ nắm. Trong cơ cấu này cần tạo niềm tin đối với các quỹ để họ ủy quyền lại cho người điều hành.
Trước đây, STB cũng thực hiện cơ cấu này nhưng sự rút lui của hàng loạt các NĐT lớn, quỹ đầu tư khiến sự phòng thủ của họ trở nên yếu đi, dẫn đến kết cục như hiện nay.
Nguyên Khanh - Thanh Xuân
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét