Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Nutifood – câu chuyện hay qua những trang báo

25/09/2007

Sáng ngày 25/9/2007, tại Khách sạn Sofitel Plaza Sài Gòn, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác LIÊN MINH CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN giữa Công ty Kinh Đô và Công ty Cổ Phần Thực Phẩm Dinh Dưỡng Đồng Tâm (Nutifood). Đây là  mô hình liên kết  kinh tế tiên tiến đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, được đánh giá là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hai công ty. Thông qua sự kiện hợp tác này, Kinh Đô sẽ sở hữu 30% vốn điều lệ của Nutifood.

Ông Lê Trung Thành – TGĐ Công ty NutiFood (phải) và Ông Trần Lệ Nguyên – TGĐ Công ty Kinh Đô cùng ký kết hợp tác toàn diện

Đây là chương trình tiên tiến hiện đại nhất đã được áp dụng trên nhiều nước trên thế giới và lần đầu tiên được áp dụng cho hai công ty lớn của Việt Nam. Theo đó, Kinh Đô và Nutifood sẽ cùng xúc tiến các hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lãnh vực để khai thác tốt nhất tiềm năng của thị trường trong và ngoài nước, trong các lãnh vực kinh doanh truyền thống mỗi bên cũng như các lãnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

Từ trái qua: Ông Trần Lệ Nguyên – TGĐ Công ty Kinh Đô, Ông Trần Kim Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty Kinh Đô, Bà Trần Thị Lệ – Chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood, Ông Lê Trung Thành – TGĐ Công ty Nutifood

Thông qua sự hợp tác này, hai bên sẽ cùng nhau nghiên cứu phát triển sản phẩm mới dựa trên thế mạnh mỗi đơn vị nhằm phát triển chiến lược xuất khẩu; Hỗ trợ các hoạt động marketing, đào tạo, tuyển dụng… nhằm tăng cường sức mạnh nội lực của cả đôi bên; đồng thời thực hiện các chương trình nhằm giảm chi phí hoạt động (chi phí marketing, thu mua nguyên vật liệu, hệ thống điều vận…). Cụ thể như kết hợp sản phẩm trong chương trình khuyến mãi dành cho người tiêu dùng toàn quốc (quí 4/2007), hợp tác triển khai kết hợp mua nguyên vật liệu sản xuất (quí 4/2007), tung ra thị trường các sản phẩm bánh dinh dưỡng (quí 1/2008), hợp tác đào tạo chuyên sâu với cán bộ, nhân viên (quí 1/2008)…

03/12/2007

Trong phiên đấu giá  ngày 03/12/2007, tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp. HCM (HOSE), 657.280 cổ phần của Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood) đã được bán với giá đấu thành công cao nhất là 91.900 đồng/CP.

Tại phiên đấu giá, đã có 9 nhà đầu tư (bao gồm 4 tổ chức, 5 cá nhân) trúng giá trong tổng số 158 nhà đầu tư đăng ký tham gia. Giá đấu thành công cao nhất là 91.900 đồng/CP, giá đấu thành công thấp nhất là 75.100 đồng/CP, giá đấu thành công bình quân là 80.395 đồng/CP. Tổng giá trị CP bán được trong đợt này là 52.841.908.000 đồng.

Đây là một trong ba phương thức chào bán CP của Công ty Nutifood. Trước đó, Công ty đã chào bán 2.205.000 cổ phần cho Công ty Kinh Đô và còn lại 136.500 cổ phần sẽ được chào bán cho cán bộ nhân viên chủ chốt Công ty.

Tổng khối lượng vốn Nutifood cần huy động từ đợt chào bán lần này sẽ dùng để tài trợ dự án xây dựng phân xưởng chế biến sữa bột và bổ sung nguồn vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

01/2012

Chuyện lỗ tại TRI và Nutifood đã đặt ra nhiều vấn đề về tính hiệu quả trong liên minh giữa KDC với Uni-President và Nutifood. Sau mối duyên lỡ làng, KDC lại kết duyên với Ezaki Glico. Liệu cuộc hôn nhân này có viên mãn?
Để mở rộng ngành hàng thực phẩm, Công ty Kinh Đô (KDC) không ngừng thực hiện các chiến lược liên minh liên kết. Mới đây nhất là thương vụ bán 14 triệu cổ phiếu phát hành mới cho Ezaki Glico – một công ty thực phẩm đa quốc gia của Nhật có doanh số ước tính khoảng 3 tỉ USD mỗi năm với các nhãn hàng như Glico Carmel, Pocky, Pretz và Collon. Thương vụ này đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của cổ đông chiến lược nước ngoài với tỉ lệ sở hữu 10%.
Trước đó, vào đầu năm 2007, KDC cũng bắt tay với một tập đoàn nước giải khát của Đài Loan là Uni-President. Kế đến là liên minh hợp tác với Công ty Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood).
Trong các thương vụ hợp tác với Uni-President và Nutifood, KDC không ghi được dấu ấn nào đáng kể. Vậy liệu KDC có tạo được sự khác biệt trong liên minh lần này với Ezaki Glico?
Đằng sau cái bắt tay với Ezaki Glico
Giữa tháng 1.2012, KDC cho biết Ezaki Glico đã chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Công ty. Theo cam kết, Glico sẽ cùng KDC phát triển ngành hàng thực phẩm và nắm giữ cổ phiếu ít nhất 5 năm. Giá bán được phía KDC tiết lộ là gần 50.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá lúc bán khoảng 1,5 lần.
Theo ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc KDC, với cái bắt tay này, Glico sẽ có thể đưa sản phẩm thâm nhập thị trường Việt Nam qua hệ thống phân phối gồm hơn 120.000 điểm bán của KDC. Ngoài ra, Glico có thể tận dụng các chương trình tiếp thị và bộ máy quản lý của KDC cho kế hoạch thâm nhập thị trường của mình. Nếu thành công, 2 bên sẽ xây nhà máy sản xuất những mặt hàng thực phẩm thiết yếu, trong đó có mì gói, dầu ăn (KDC đã có 2 mặt hàng sữa chua và sữa nước). Khi đó, KDC sẽ được ưu tiên làm đối tác kinh doanh và hưởng nhiều ưu đãi khác từ Glico. Nhưng trước hết, khi phân phối sản phẩm của Glico, KDC sẽ được hưởng hoa hồng.
Rõ ràng, KDC sẽ nhận được nhiều lợi ích từ liên minh này, nhất là khi các sản phẩm Glico mang vào Việt Nam cùng ngành hàng với KDC và Công ty cũng đang tập trung nguồn lực phát triển các mặt hàng thực phẩm thiết yếu ngoài các sản phẩm hiện có. Bản thân ông Nguyên cũng kỳ vọng, doanh thu từ các sản phẩm hợp tác này sẽ đạt 1.000 tỉ đồng trong năm 2012, chiếm 1/6 tổng doanh thu dự kiến.
Có vẻ như ông Nguyên đang rất tin tưởng vào sự thành công của liên minh lần này. Người Nhật muốn đầu tư lâu dài và không chỉ đầu tư tài chính đơn thuần. Để phục vụ các chương trình tiếp thị bán hàng, ông cho biết Glico đã hỗ trợ cho KDC 8 triệu USD. Về mối lo thâu tóm công ty, KDC từng đặt ra với Glico và đã được nhận câu trả lời: không cần phải lo.
Tuy nhiên, theo ông Nguyên, để yên tâm hơn và tăng sức mạnh trong ngành hàng thực phẩm, KDC đang xem xét bắt tay với nhà đầu tư khác. Đó là một tập đoàn đa quốc gia của Malaysia. “Hợp đồng có thể được ký kết trong năm nay, tùy vào tiến độ thẩm định lẫn nhau của cả 2 bên”, ông nói.
Những mối duyên lỡ làng
Cũng với mục tiêu mở rộng ngành hàng thực phẩm, KDC từng bắt tay với 2 đối tác khác.
Cuối tháng 10.2005, KDC đã thâu tóm thành công Công ty Nước giải khát Sài Gòn (TRI) với tỉ lệ sở hữu trên 35%. Sau một thời gian hỗ trợ TRI phát triển các sản phẩm nước giải khát mới như sữa đậu nành, KDC quyết định bắt tay với Uni-President vào giữa năm 2007 để tăng thêm sức mạnh cho TRI. Tuy nhiên, hơn 1 năm sau, đứa con của sự liên kết này bắt đầu gây chuyện.
Từ quý IV/2008 đến cuối năm 2011 (trừ quý II/2010), TRI liên tục lâm vào cảnh thua lỗ. Ngay cả quý II/2010, quý mà TRI có lãi, lợi nhuận lại chủ yếu từ việc bán bớt tài sản (30% cổ phần tại công ty con là Tribeco Bình Dương và 80% tại Tribeco Miền Bắc). Công ty này đang đối mặt với án hủy niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Theo giải trình của TRI, Công ty thua lỗ triền miên là vì giá vốn hàng bán tăng cao.
Chuyện lỗ lã tại TRI đặt ra nhiều vấn đề về tính hiệu quả trong liên minh giữa KDC và Uni-President. Vấn đề chuyển giá từng được cho là một nguyên nhân thất bại của thương vụ này. Bên cạnh đó, theo chuyên gia tư vấn tài chính doanh nghiệp Phạm Thứ Triệu, tỉ lệ sinh lời của ngành hàng thực phẩm luôn ở mức cao 30-45%. Do vậy, ông không loại trừ khả năng, có thể do 2 cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến cả 2 đều bỏ mặc không quan tâm đến sự phát triển của TRI trong thời gian dài. Về điều này, ông Nguyên, KDC, chỉ nói: “Kinh Đô gặp khó khăn trong vấn đề góp ý điều hành chiến lược”.
Hiểu rõ thực hư chuyện này quả không dễ, nhưng có thể thấy, tính đến ngày 30.12.2010, tỉ lệ sở hữu của KDC tại TRI đã giảm từ hơn 35% xuống dưới 30%, trong khi đối tác Uni-President đã tăng từ 15% lên hơn 43%. Với tỉ lệ này, rõ ràng Uni-President đang ở “kèo trên”.
Sau thất bại trong liên minh với Uni-President, tháng 9.2007, KDC đã bắt tay với Nutifood trong một thương vụ được đánh giá là “liên minh chiến lược toàn diện lần đầu tiên ở Việt Nam”. Trong liên minh này, thế mạnh bánh kẹo của KDC sẽ hỗ trợ các sản phẩm sữa của Nutifood và ngược lại.
Cụ thể, KDC sẽ tận dụng hệ thống phân phối với hơn 60.000 điểm bán hàng trên toàn quốc của 120 nhà phân phối của Nutifood. Về phía Nutifood, Công ty có kế hoạch tận dụng công nghệ về sản xuất hàng lương thực thực phẩm của KDC. Kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, bất động sản của KDC cũng là điều Nutifood nhắm đến.
Sau khi ký kết, KDC sở hữu 30% cổ phần trong Nutifood. Sản phẩm đầu tiên của sự hợp tác này là dòng bánh dinh dưỡng được kỳ vọng ra đời vào quý I/2008. Tuy nhiên, những hứa hẹn tươi sáng sau đó đã ít được nhắc đến. Cuối năm 2008, mức lỗ của Nutifood xấp xỉ vốn điều lệ (150 tỉ đồng).
Đánh giá về sự hợp tác này, bà Trần Thị Lệ, Tổng Giám đốc Nutifood, chỉ nói: “Không muốn nhắc lại chuyện cũ!”. Theo giải trình của Công ty vào năm 2008, chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng mạnh là nguyên nhân khiến lợi nhuận âm. Trong khi đó, Nutifood đã đạt mức tăng trưởng thần tốc khoảng 400% trong 4 năm đầu kể từ khi thành lập vào năm 2000. Sau “sự cố” này, ông Lê Trung Thành, Tổng Giám đốc lúc bấy giờ, đã ra đi.
Thận trọng và khôn ngoan
Rõ ràng, trong 2 liên minh với Uni-President và Nutifood, không có thành quả nào là đáng để KDC tự hào. “Cái nào không hiệu quả thì chúng tôi sẽ buông”, ông Nguyên nói. KDC sẽ dần thoái vốn khỏi các khoản đầu tư không hiệu quả, trong đó có TRI và Nutifood. Dẫu vậy, kinh nghiệm và sự hiểu biết thêm về ngành hàng nước giải khát và sữa lại rất có ích với Công ty. Điều này phần nào hỗ trợ cho định hướng tập trung và mở rộng các ngành hàng thực phẩm thiết yếu của KDC sắp tới, trước hết là trong kế hoạch liên kết với đối tác Ezaki Glico.
Với chiến lược liên minh lần này, dự kiến vào quý III năm nay, các sản phẩm chủ lực như mì gói, dầu ăn, sữa nước sẽ có mặt trong hệ thống phân phối của KDC. Bước đi này được Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, Công ty Tư vấn TNK Capital, đánh giá là “thận trọng và khôn ngoan”. Bởi KDC sẽ không mất thời gian đầu tư nghiên cứu và xây dựng hình ảnh cho các sản phẩm mới.
Cùng với cam kết tăng vốn theo lộ trình của Ezaki Glico và cơ hội ký kết với một tập đoàn khác của Malaysia cho thấy, KDC đang quyết định chơi cuộc chơi lớn với ngành hàng thực phẩm. Khó khăn trước mắt của KDC có lẽ là phải cạnh tranh với các công ty đã có thương hiệu mạnh và hệ thống phân phối rộng lớn như Masan (MSN), Công ty Sữa Việt Nam (VNM)… Tuy nhiên, KDC vẫn còn nhiều cơ hội. Chẳng hạn, sức mua đối với mặt hàng thực phẩm còn cao, phân khúc đa dạng. Ngành hàng thực phẩm được dự báo vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 30-40% trong thời gian tới. Trong khi đó, các sản phẩm của Nhật lâu nay vẫn được tiếng là có chất lượng.
20/2/2012

Năm 2007, Kinh Đô nắm hợp tác toàn diện và giữ 24,7% cổ phần của Nutifood. Và năm 2008 Nutifood lỗ lên tới 148 tỉ đồng. Lúc này, bà Trần Thị Lệ đã vào cuộc, lèo lái Nutifood trở về quỹ đạo.

Sóng gió nổi lên và bà Lệ đã vào cuộc, trực tiếp tham gia điều hành Nutifood. Đang lỗ, Công ty nhanh chóng có lãi trở lại.

Tại sao tăng trưởng liên tục nhưng đến năm 2008 Nutifood lại lỗ?
Tôi làm Tổng Giám đốc Nutifood từ cuối năm 2000 đến 2007. Sau đó, Công ty thuê CEO bên ngoài. Đến ngày 25.9.2007, Công ty Cổ phần Kinh Đô (KDC) và Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood đã hợp tác toàn diện. Kinh Đô nắm giữ 24,7% cổ phần của chúng tôi và cùng xúc tiến các hoạt động kinh doanh đa ngành, kể cả bất động sản.
Tuy nhiên, cái bắt tay này không mang lại hiệu quả. Năm 2008, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn và Nutifood cũng bị ảnh hưởng. Trong năm này, chi phí vận hành đã tăng từ 5 tỉ đồng lên 53,6 tỉ đồng, chi phí bán hàng tăng từ 108,2 tỉ đồng lên 137,2 tỉ đồng. Kết quả, lần đầu tiên sau 8 năm hoạt động, Nutifood lỗ tới 148 tỉ đồng.

Và bà đã quyết định ngồi lại ghế điều hành để cứu lỗ?
Tháng 6.2008, theo yêu cầu của Hội đồng Quản trị, tôi quay lại điều hành Công ty trước muôn vàn khó khăn. Tôi bắt tay tái cấu trúc các phòng ban, bộ phận theo thứ tự ưu tiên từ việc lớn đến việc nhỏ. Đây là thời điểm thử thách nhất đối với Nutifood. Chiến lược tái cấu trúc của tôi dần phát huy tác dụng và sang năm 2009, Nutifood có lãi 51 tỉ đồng.

Vậy có thể nói, bà thất bại trong việc thuê CEO ngoài?
Câu này tôi không nên trả lời có được không?

Bà từng nói ngồi vào vị trí CEO của Nutifood chỉ là tình cờ, bà nghĩ mình có tố chất làm lãnh đạo tốt không?
Tôi xuất thân là một bác sĩ nên ít nhiều có chuyên môn trong ngành dinh dưỡng và đây cũng là một lợi thế để điều hành một doanh nghiệp sữa. Sau khi Nutifood thành lập năm 2000, tôi làm trợ lý Tổng Giám đốc và sau đó được giao nắm giữ vị trí này vì Tổng Giám đốc cũ chuyển sang làm việc khác. Về tố chất lãnh đạo, tôi cho rằng, phải được tích lũy theo năm tháng chứ không thể có ngay được. Tất nhiên, tỉ lệ tăng trưởng bình quân từ 35%/năm hiện nay của Nutifood so với mức chung của ngành là 10% đã phần nào trả lời cho câu hỏi này.

Triết lý kinh doanh của bà là gì?
Được kinh doanh ngành yêu thích nhằm phục vụ nhu cầu dinh dưỡng cho cộng đồng là niềm vui và hạnh phúc lớn. Đây cũng là triết lý kinh doanh của tôi. Vì vậy, mỗi lần tung ra sản phẩm mới, chúng tôi đều lồng vào một chương trình cộng đồng. Năm nay, Nutifood có chương trình cộng đồng khá lớn với ngân sách vài chục tỉ đồng.

Bà làm CEO từ năm 2008 thì tới tháng 5.2011, quỹ đầu tư Nhật mua 37% cổ phần Nutifood. Dường như Công ty có thay đổi chiến lược?
Chiến lược của Nutifood vẫn là tập trung sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng. Riêng thương vụ Quỹ

DI (DI Asian Industrial Fund) mua cổ phần Nutifood hoàn toàn khác so với Kinh Đô. Chiến lược của DI là nhắm vào các công ty tư nhân Việt Nam trong 3 lĩnh vực hàng tiêu dùng, dược phẩm và bán lẻ với số vốn đầu tư cho mỗi công ty khoảng 13 triệu USD. Năm 2011, Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen đã xếp Nutifood vào top 5 thương hiệu điển hình của Việt Nam và dẫn đầu về thị phần các mặt hàng sữa bột nguyên kem và sữa trẻ em. Với tiềm năng tăng trưởng khoảng 35%/năm, Nutifood đã lọt vào mắt của DI.

DI có can thiệp vào chiến lược của Nutifood?
Quỹ DI có một người tham gia Hội đồng Quản trị Nutifood và sẽ kêu gọi các nhà đầu tư mới trong ngành thực phẩm Nhật và các nước khác hợp tác với Nutifood. Năm 2012, với sự tham gia của đối tác Nhật, Nutifood đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 30% trên vốn điều lệ.

Còn kế hoạch tung ra sản phẩm mới và niêm yết cổ phiếu?
Chúng tôi sẽ giới thiệu một số sản phẩm mới trong năm 2012. Nutifood vẫn tập trung vào các kênh bán hàng chính là bệnh viện, trường học, siêu thị, tiệm tạp hóa… Chi phí cho tiếp thị sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2011. Với tình hình kinh tế hiện nay, Nutifood chưa có kế hoạch niêm yết. Nhưng chúng tôi tiếp tục theo đuổi kế hoạch này trong năm sau. Khủng hoảng cũng là cơ hội và nếu biết tận dụng để tiếp tục đón đầu là một điều tốt. Vì vậy, Nutifood sẽ đầu tư mạnh trong năm nay, nhất là nghiên cứu và phát triển (R&D).

Cụ thể mức đầu tư cho R&D là bao nhiêu?
Điểm mạnh của Nutifood là các sáng lập viên và ban lãnh đạo đều xuất phát từ ngành y nên có chuyên môn về dinh dưỡng. Vì vậy, chúng tôi chủ trương đi trước và nghiên cứu để tung ra các sản phẩm mới. Hiện bộ phận R&D đã lên kế hoạch cho các sản phẩm mới trong 2-3 năm tới. Ngân sách R&D năm 2012 của Nutifood sẽ tăng khoảng 200% so với năm 2011 và là mức cao nhất từ năm 2000 đến nay.

Lãi vay hiện là vấn đề thế nào với Nutifood?
Năm 2012 chúng tôi sẽ hạn chế tối đa việc vay vốn ngân hàng, sử dụng nguồn lực tự có. Bộ phận lên kế hoạch kinh doanh phải hạn chế chi phí tồn kho, đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu cho chúng tôi trả chậm trong 45 ngày.

Trong tương lai, bà có định tìm người thay mình?
Tôi đã cam kết với Quỹ DI sẽ làm Tổng Giám đốc Nutifood ít nhất là đến năm 2015.

——————————————————

…và vẫn còn rất nhiều bài báo hay trong năm 2009 (vd: tuổi trẻ xuân 2009, các bài trong 2007)…


Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean